|
|
Tỷ lệ sinh con và kết hôn ở Hong Kong tiếp tục giảm. Ảnh: Felix Wong. |
Daniel Wang (29 tuổi) thấy mình không đủ khả năng kết hôn hay sinh con vì thu nhập dưới 20.000 HKD/tháng dù làm việc hơn 10 giờ/ngày, theo SCMP.
Do công việc biên tập viên ở công ty truyền thông chiếm phần lớn thời gian và sức lực, Wang thường dành cuối tuần ở nhà nghỉ ngơi.
Đã tốt nghiệp đại học và đi làm 6 năm, Wang vẫn sống chung với bố mẹ và em trai. Anh cho rằng thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu cá nhân, chưa nói đến việc chu cấp cho gia đình hay mua nhà, mua xe.
“Đó là những điều xa xỉ đối với tôi. Độc thân cũng tốt mà. Đời tôi bớt phức tạp và có thể dành khoản tiết kiệm ít ỏi cho bản thân cũng như bố mẹ”, anh nói thêm.
Theo số liệu Cục Điều tra dân số và Thống kê công bố hôm 28/7, năm 2021, ngày càng ít cư dân Hong Kong kết hôn hoặc sinh con.
Tỷ lệ kết hôn thô (số cuộc hôn nhân trên 1.000 người) đạt mức thấp nhất trong 30 năm, chỉ 6,7 đối với nữ giới và 8,0 đối với nam giới.
Phụ nữ và đàn ông đều kết hôn muộn hơn, tuổi kết hôn trung bình tăng lên 30,6 đối với nữ và 32,2 đối với nam vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, số lượng trẻ sơ sinh ghi nhận trong năm 2021 cũng đạt mức thấp kỷ lục trong vòng 30 năm. Năm 2016, Hong Kong ghi nhận 60.856 trẻ mới sinh. Con số này giảm còn 36.953 trẻ trong năm 2021. Độ tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh con đầu lòng cũng tăng lên 32,6 tuổi.
Các chuyên gia chỉ ra một phần nguyên nhân của số liệu đáng lo ngại này là đại dịch Covid-19. Thời gian giãn cách gây ra gánh nặng tài chính và hạn chế đi lại, làm gián đoạn kế hoạch kết hôn và sinh con của nhiều người.
Họ cũng cảnh báo vấn đề này có thể kéo dài, ảnh hưởng đến xã hội và kinh tế Hong Kong trừ khi các nhà chức trách có động thái ngay lập tức.
“Tỷ lệ sinh giảm và việc trì hoãn độ tuổi kết hôn là xu hướng dài hạn ở Hong Kong”, TS Xu Duoduo, PGS Xã hội học tại Đại học Hong Kong (HKU), nói.
|
|
Các chuyên gia cho biết đại dịch đã làm gián đoạn kế hoạch kết hôn và sinh con của các cặp vợ chồng. Ảnh: Dickson Lee. |
Bà Xu nhận xét điều này phản ánh quá trình “chuyển đổi nhân khẩu học” ở Hong Kong và các nền kinh tế phát triển khác - nơi mọi người tập trung vào hạnh phúc cá nhân và nhiều phụ nữ học thức cao trì hoãn kết hôn, sinh con.
“Chi phí sinh hoạt, đặc biệt là giá nhà cao ngất ngưởng, khiến nhiều người không muốn lập gia đình”, bà nói thêm.
Ngày càng nhiều người chọn độc thân nên xu hướng này trở nên dễ chấp nhận hơn trong xã hội.
GS Paul Yip Siu-fai, phó chủ nhiệm khoa Khoa học Xã hội tại HKU, cho biết hôn nhân không phải điều giới trẻ ưu tiên ngày nay.
Ông nhận thấy thất nghiệp và bất ổn tài chính vì đại dịch khiến người dân không còn tự tin lập gia đình. Tỷ lệ sinh cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn di cư.
Trong khi đó, dữ liệu chỉ ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Hong Kong, với tỷ lệ nghiêng về nữ. Tỷ số giới tính (số nam giới trên 1.000 nữ giới) giảm xuống 839 năm 2021, từ 852 vào năm 2016 và 876 vào năm 2011.
Ông Yip giải thích phụ nữ Hong Kong thường kết hôn với người bằng hoặc hơn mình về trình độ học vấn và thu nhập. Việc này hạn chế lựa chọn của họ, trong khi nam giới có nhiều cơ hội hơn.
Ông cũng nhận định tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số, khi tuổi thọ trung bình đã tăng lên 87,7 đối với phụ nữ và 83 đối với nam giới.
|
|
Hong Kong là thành phố có mức sinh hoạt phí cao top đầu thế giới. Ảnh: SCMP. |
Ngoài ra, việc kết hôn và sinh con muộn có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tài chính và xã hội, các vấn đề tiềm ẩn bao gồm sụt giảm nhân lực chất lượng cao và thiếu cam kết với công việc.
Ông Yip kêu gọi nhà chức trách giải quyết các vấn đề nhức nhối của giới trẻ, bao gồm tạo việc làm ổn định, điều chỉnh giá nhà ở để Hong Kong trở thành nơi đáng sống hơn.
“Họ nên giải quyết những vấn đề này trước nếu muốn cư dân suy nghĩ đến việc xây dựng gia đình - phần tử quan trọng của bất kỳ xã hội lành mạnh nào”, ông nói.
Theo zingnews