Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Chị Mai chơi Facebook cả chục năm nay. Trang cá nhân của chị nhẹ nhàng, luôn đăng những dòng trạng thái và hình ảnh vui vẻ, tích cực. Chị không “like” hay bình luận nội dung tiêu cực, chị biết động viên bạn khó khăn, ôn hòa khi câu chuyện có chiều hướng dẫn đến tranh cãi, biết cách bình luận tạo năng lượng tốt…

Chị quan niệm, bạn bè mỗi người mỗi tính, để tránh mích lòng, giữ được tình cảm lâu dài, cần biết tiến lùi đúng lúc. 

Vậy mà một ngày bạn bè ngạc nhiên thấy chị Mai đăng bài viết bày tỏ sự phật lòng về một chuyện gì đó. Chị viết rằng chị biết những người có tính hay quan tâm, điều đó tốt nhưng đôi khi quan tâm quá thành ra nhiều chuyện, can thiệp sâu vào đời sống riêng của người khác, tệ hại hơn là sự phán đoán tiêu cực dựa trên thông tin Facebook.

Trò chuyện với bạn thân, chị Mai giải thích, do có người gọi qua Messenger để tọc mạch chuyện nhà chị: “Người ta nói nhiều lắm về Mai và chồng, hỏi rằng hai người thôi nhau rồi phải không? Mấy năm nay chỉ thấy Mai đi chơi một mình, chụp hình khắp nơi, chẳng bao giờ thấy chồng đâu”.

Rồi người đó kết luận: “Muốn phá tan hoài nghi, Mai cần đưa hình chồng lên làm bằng chứng”.

Tới đây thì chị Mai nổi nóng. Chuyện nhà mình mà sao thiên hạ phải thắc mắc nhỉ. Facebook là chốn chơi vui, chị đâu có nhiệm vụ trình báo chồng con ra sao. Album hình gia đình chỉ có giá trị với những thành viên trong gia đình, bày ra chốn công cộng, lỡ có kẻ xấu mượn hình ảnh làm điều tiêu cực, làm sao lường hết được? 

Thêm nữa, ngoài đời thật chị bận bao việc, phải lo lắng, phục vụ chồng con cả ngày, chỉ còn chút riêng tư trên trang Facebook cá nhân nên chị đưa hình ảnh có vẻ thong thả một chút, như vậy chẳng lẽ là không ổn?

Tưởng mình chị Mai phiền lòng vì chuyện chồng con vắng bóng trên Facebook, sáng nay có thêm dòng trạng thái của cô bạn tên Hạnh, đại ý: Facebook của Hạnh hiếm khi đưa ảnh chồng con, vì bạn thích vậy, gia đình bạn vẫn bình thường. Do nhiều người đoán già đoán non chuyện hôn nhân của Hạnh, nên bạn thấy cần phải giải thích một lần. 

Ngay bên dưới bài viết là bình luận của “Phây hữu” đồng cảnh ngộ: “Ngày xưa mình cũng đăng hình gia đình, vậy mà có mấy người nhảy vô bình luận xiên xỏ rằng mình khoe khoang, từ đó không đăng hình gia đình nữa”.

“Mình cài đặt hình gia đình chế độ riêng tư lâu rồi. Con đã lớn, chúng dứt khoát không cho mẹ đưa hình lên Phây. Còn chồng thì miễn, cứ giơ điện thoại chụp là nhăn nhó. Thôi mình chỉ đăng hình mình cho đẹp” 

“Gặp mấy thánh soi thì mình đăng hình thế nào cũng bị nói xấu hết”… 

Cuối cùng họ kết: Facebook ai người nấy đăng hình mình thôi, thậm chí còn không nên kết bạn, mà cần chặn (block) luôn ông chồng. Mình sống ngoài đời thật như thế nào thì chồng con quá hiểu, để một khoảng không gian (dù ảo) tự do vui chơi cho thoải mái đi nào.

Chị Mai, sau khi đọc Facebook của Hạnh, liền nghĩ đến ông chồng hiền lành. Chồng chị không thích đi chơi. Anh chỉ thích ở nhà chăm sóc cây cảnh, học thêm ngoại ngữ, đọc sách, đánh đàn… Anh không khó chịu với việc chị hay đăng hình sống ảo, nhưng chị thử đăng hình có anh lên xem, có chuyện liền à!

Một người bạn của chị Mai vốn “nói không với mạng xã hội” thì cười: “Cậu có bản lĩnh chơi Phây thì phải dám chịu điều tiếng, dù sai hay đúng. Nếu coi đó là chỗ giải trí thì sẽ thấy nhẹ nhàng, nếu coi đó là chỗ lôi kéo, tranh chấp thì nó sẽ đáp ứng ngay điều đó. Ở đâu có con người thì ở đó có va chạm mà”. 

Chị Mai ngẫm ra, thấy mình đã quăng sự bực bội cho người bạn tọc mạch nọ một cách lãng phí, nên lặng lẽ rút bài đăng. Mấy lần chán chán, chị đã khóa “Phây” mà rồi lại mở, cũng quen “sống ảo” rồi, có bỏ được đâu.

Thôi thì, có gan chơi phải có gan chịu mọi mặt trái của mạng xã hội vậy. Nếu mình tương tác bằng thái độ tích cực và chân thành, mình sẽ nhận về sự tích cực và chân thành. 

Theo phunuonline