Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục (thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) trình diễn tranh thêu tay. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

 

Hà Nội đang hướng tới thiết kế không gian sáng tạo đối với các làng nghề truyền thống nhằm từng bước hiện thực hóa các sáng kiến của Thủ đô khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bởi lẽ, không gian văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống cùng với những sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu… đều là những chất liệu quý để biến làng nghề thành các không gian sáng tạo độc đáo.

Lợi thế từ các làng nghề truyền thống

Được mệnh danh là "đất trăm nghề," Hà Nội có làng nghề nhiều nhất cả nước, với trên 1.350 làng nghề, trong đó trên 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu.

Nhiều làng nghề nổi danh không chỉ với khách trong nước mà nhiều khách nước ngoài cũng biết tới như Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, khảm trai Chuyên Mỹ…

Theo Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội định hướng đến năm 2030, có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch, 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài, 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Không gian các làng nghề truyền thống mang đậm dấu ấn của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với cấu trúc nhà ở, cổng làng, di tích lịch sử, cảnh quan, nét sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là các giá trị văn hóa lịch sử của nghề truyền thống đang được gìn giữ, phát huy.

Các làng nghề không đơn thuần là nơi sản xuất hàng hóa thủ công truyền thống mà còn trở thành điểm đến du lịch của đông đảo khách trong và ngoài nước.

Tiến sỹ Phạm Hùng Cường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Hà Nội đang "ôm" trong mình một di sản vô cùng quý giá, đó là hàng trăm làng nghề truyền thống, hàng trăm làng cổ, với nhiều nét đặc trưng riêng có.

Nếu có thể biến đổi những giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề thành những không gian sáng tạo, hỗ trợ nghệ nhân làng nghề thì nơi đây sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn.

Các chuyên gia cũng chia sẻ, Hà Nội có nhiều làng nghề nhưng những yếu tố nghệ thuật của làng nghề ít khi được khai thác để trở thành một phần của nghệ thuật công cộng, qua đó quảng bá nét đẹp làng nghề. Điều này có thể giải quyết nếu có không gian sáng tạo ở khu vực làng nghề. Các di sản nếp sống ở nông thôn cũng là nguồn cảm hứng cho không gian sáng tạo, từ đó xây dựng những tour du lịch chuyên đề.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ biến mất. Ví dụ như giếng làng vốn là một phần của làng quê xưa nhưng giờ không còn được sử dụng, trở nên kiệt nước, người dân bảo tồn bằng cách bịt miệng giếng bằng lưới thép. Cổng làng nhiều nơi bị phá... Nếu được tái tạo qua không gian sáng tạo, người dân có thể tìm ra những giải pháp bảo tồn, thích ứng và giữ được giá trị tinh thần của những không gian đẹp đó.

Sáng tạo để phát huy giá trị

Mới đây, Hà Nội phát động cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo nhằm khơi gợi ý tưởng mới, độc đáo trong đó có không gian các làng nghề truyền thống nhằm phát huy giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống trong đời sống đương đại.

Trưng bày sản phẩm gốm Bát Tràng. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

 

Từ vài năm trước, Hà Nội đã tổ chức cuộc thi ý tưởng Quy hoạch dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại hai làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng để hướng tới xây dựng thành các điểm đến du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Các ý tưởng tham gia cuộc thi phù hợp quy hoạch, bảo tồn, khai thác, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghề truyền thống của làng nghề, đảm bảo thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan khu vực.

Đây chính là sự tiệm cận với một không gian sáng tạo làng nghề. Thành phố Hà Nội đã phê duyệt kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch hai làng nghề nêu trên nhưng hiện nay quy hoạch tổng thể chi tiết 1/500 chưa được phê duyệt nên chưa thể triển khai thực hiện.

Trong khi chờ các kiến trúc sư, các họa sỹ và những người yêu văn hóa, nghệ thuật hình thành ý tưởng thiết kế sáng tạo không gian làng nghề truyền thống thì các làng nghề cũng tự ý thức sáng tạo trong sản xuất, quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống.

Ví như, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm đầu tư chỉnh trang và lát gạch Bát Tràng khắp các tuyến đường trong khu làng cổ, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với hạ tầng phát triển du lịch. Các cơ sở sản ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thiết kế sáng tạo, đa dạng mẫu mã sản phẩm gốm sứ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, làng nghề Bát Tràng còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác bảo tồn, quảng bá làng nghề truyền thống như lập cổng thông tin điện tử, website, ứng dụng du lịch, số hóa di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thuyết minh tự động với nhiều ngôn ngữ quốc tế, trải nghiệm thực tế ảo… để thu hút du khách đến với Bát Tràng.

Ông Lê Ngọc Anh, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên cho biết huyện thành lập Hiệp hội làng nghề địa phương, liên kết các hộ sản xuất trong làng nghề để xây dựng một nhãn hiệu chung nhằm tạo sự thuận tiện trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Huyện đã tổ chức thành công 7 kỳ lễ hội vinh danh làng nghề (3 năm quy mô cấp huyện, 4 năm quy mô cấp xã), đồng thời xây dựng khu thương mại, dịch vụ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ phát triển website, quảng bá trên trang thông tin điện tử làng nghề của huyện, sàn giao dịch thương mại điện tử Hà Nội...

Khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, người dân kỳ vọng về một hình ảnh mới của Thủ đô với vị thế ngày càng nâng cao, các lĩnh vực sáng tạo văn hóa được quảng bá rộng hơn, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp kết nối hiện tại và tương lai.

Làng nghề truyền thống với nhiều ưu thế nổi bật, sẽ thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo, từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

Theo Vietnamplus