Sau khi tốt nghiệp ngành marketing Trường ĐH Cần Thơ, Trang sang Nhật Bản xuất khẩu lao động. Đến năm 2020, Trang quen và bén duyên với một người đàn ông bản xứ, cả hai kết hôn vào năm 2021. Trang cho biết khi ở Nhật Bản rất nhớ quê nhà tại tỉnh Đồng Tháp, mỗi ngày đều gọi video về để xem cảnh mẹ trồng vườn.

leftcenterrightdel
 Trang thu hoạch cải thảo, bắp cải trong vườn

Khi về Việt Nam thăm gia đình vào Tết Nguyên đán 2023, thấy trước nhà mẹ có trồng nhiều rau, quả nên Trang đã có ý định thuê một mảnh đất gần nhà để trồng rau, quả sau khi trở về Nhật. Khu vườn Trang thuê có diện tích 200 m2 và cách nhà tại tỉnh Saitama khoảng 1 km.

“Các loại rau, quả đặc trưng của Việt Nam tại Nhật Bản có giá rất đắt và khó mua. Một số loại như ngò rí bán tại Nhật Bản có hương vị khác với giống trồng ở Việt Nam. Vì vậy, mình muốn có khu vườn trồng những loại rau yêu thích, đặc trưng của Việt Nam”, Trang chia sẻ.

 
leftcenterrightdel
 Bí ngòi, bí đỏ được Trang chăm sóc rất tươi tốt

Trang cho biết khi còn ở Việt Nam chưa bao giờ trồng vườn nên không có bất kỳ kinh nghiệm nào. Khi mới bắt đầu, Trang đã sang học hỏi kinh nghiệm xử lý đất, bón phân… của những người hàng xóm lớn tuổi gần nhà. Được chia sẻ, Trang bắt đầu làm cỏ, thuê máy xới mini để xử lý đất. Trước mỗi vụ, cô gái này đều rải vôi bột, xới đất và phơi nắng khoảng 1 tuần để diệt hết mầm bệnh. Trang cũng ưu tiên sử dụng các loại như phân bò, gà… để bón cho cây.

Trang bắt đầu vụ mùa vào tháng 4.2023, lúc này khu vườn có đậu que, đậu bắp, bầu. mướp, bí đỏ, ngò rí, rau muống… Trang cho biết những loại rau, quả này mất khoảng 2 - 3 tháng chăm sóc là đã có thể thu hoạch. Ở tỉnh Saitama, từ tháng 4 - 9 là thời gian lý tưởng để trồng các loại rau quả nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam.

 
leftcenterrightdel
 Trang có rau, quả sạch ăn quanh năm

“Mình thấy có một số loại rau, quả rất dễ trồng tại Nhật, ví dụ như cây sả. Loại này phát triển rất tốt từ tháng 4 - 9, vào mùa đông chỉ cần chừa lại phần gốc, đến mùa xuân nó sẽ mọc tiếp cây con. Một cách khác là mình cắt những gốc sả già, to và trữ vào ngăn đông của tủ lạnh. Đến mùa xuân chỉ cần lấy ra ngâm nước, cây sả sẽ tiếp tục ra rễ và tiếp tục đem đi trồng”, Trang chia sẻ.

Mỗi ngày Trang thường dành khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ để ở ngoài vườn chăm sóc rau, quả như tưới nước, nhặt lá hư… Có một số loại rau đặc trưng ở Việt Nam mà Trang phải rất khó khăn trong quá trình chăm sóc như rau muống. Theo Trang, loại rau này muốn trồng tốt phải làm đất thật kỹ và bón đủ phân bò. Đặc biệt, phải trải màn phủ trước khi gieo hạt thì rau mới tươi tốt.

 
leftcenterrightdel
 Trang thu hoạch bí ngọn, loại này chỉ ăn được bông và đọt non

“Vào mùa đông, tức là sau tháng 9, mình thường trồng các loại rau như: cải thảo, củ cải trắng, bông cải, củ hành, tỏi… Vào mùa đông thì việc xử lý đất thường vất vả hơn. Trước khi gieo hạt mình phải xới đất, rải vôi và phơi nắng khoảng 1 tuần. Tiếp đó, mình bón phân chuồng, rồi xới đất thêm một lần nữa rồi mới gieo hạt. Vào mùa đông rất nhiều tuyết, vì vậy mình thường chuẩn bị màn phủ bằng ni lông và lưới chống côn trùng để bảo vệ rau, quả. Thường thì mùa đông sẽ không phải tốn nhiều thời gian để chăm sóc rau, quả”, Trang nói.

Nhờ chăm chỉ trồng vườn mà quanh năm Trang đều có rau, quả sạch, đặc trưng của Việt Nam để sử dụng. Ngoài ra, hằng tháng Trang còn đóng thùng rau, quả gửi cho em gái ở tỉnh Osaka và chia sẻ với những hàng xóm người Việt ở gần nhà. Hiện tại, Trang làm công việc chăm sóc cho những người lớn tuổi.

Khi mới kết hôn, Trang phải mất công nấu cả 2 món ăn Việt Nam và Nhật Bản trong 1 bữa. Tuy nhiên, hiện tại Trang đã sáng tạo, điều chỉnh các món ăn để phù hợp với cả hai vợ chồng. “Ví dụ như món thịt kho trứng thường sử dụng gia vị nêm là nước mắm. Tuy nhiên, chồng mình không ăn được loại gia vị này. Thế là mình kho thịt bằng nước tương, gia vị được trung hòa nên không phải nấu nhiều món như trước”, Trang chia sẻ.

Theo Thanh niên