Gia đình Thảo Linh cố gắng cho con học nhiều từ xung quanh nên thường xuyên đưa con đi du lịch cùng mình - ẢNH: NVCC
Sau 3 năm tìm hiểu, chị Võ Thảo Linh (38 tuổi, Đà Nẵng) và ông Dezso Molnar (người Hungary) đã về chung một nhà vào năm 2019 và sinh một bé trai. Chị là mẹ đơn thân, ông cũng “gà trống nuôi con” nên mối duyên này giúp cho cả hai và các con có niềm tin vào tình yêu và gia đình.
Biến cố đời mẹ đơn thân
Chị Linh cho biết năm chị 19 tuổi, người yêu bị tai nạn và qua đời. Khi đó chị đang mang thai bé đầu lòng, hai người vẫn chưa kết hôn nên chị và gia đình gánh chịu mọi lời ra tiếng vào. Dù vậy, chị vẫn giữ lại em bé và ngừng học đại học để sinh con, bố mẹ cũng chấp nhận vì thương cháu.
Em bé được hơn một tuổi thì chị Linh đi học lại vì muốn tự chủ tài chính để sau này lo cho con. Sau 12 năm làm mẹ đơn thân, chị quyết định “đi thêm bước nữa”. Hai năm sống cùng chồng chị vẫn không thể có con, kết quả kiểm tra cho thấy chị bị vô sinh thứ phát. Khi biết tin, chồng chị liền chấm dứt quan hệ, chị Linh lại trở về cuộc sống của một bà mẹ đơn thân ở tuổi 34.
Không từ bỏ, chị nhờ người quen giới thiệu bác sĩ người nước ngoài để tham khảo ý kiến về vấn đề này. Chị được giới thiệu ông Dezso Molnar là một bác sĩ làm việc tại Đức, hiện tại cũng là chồng chị.
Con trai của ông Dezso, con gái của chị Linh và đứa con chung của hai người trong một dịp họp mặt - ẢNH: NVCC
Mỗi lần về Việt Nam, ông Dezso đều tổ chức các buổi hướng dẫn chăm sóc sức khỏe miễn phí cho phụ nữ - ẢNH: NVCC
Chị kể: “Tôi tìm đến anh ấy đúng nghĩa là một người bạn, một bệnh nhân cần tìm bác sĩ. Lúc đó, anh đang làm việc tại Đức nên chúng tôi trao đổi qua mạng. Hai tháng sau anh có việc về Việt Nam thì chúng tôi chính thức gặp nhau với tư cách bạn bè”.
Khi xem kết quả, ông Dezso nhận định chị Linh không hề bị vô sinh, nếu có dịp ông sẽ kiểm tra lại vì lúc đó ông chưa biết sử dụng thiết bị ở Việt Nam. Sau đó, ông Dezso về Đức, hai người vẫn nói chuyện qua mạng như bạn bè.
"Tôi sẽ làm cô ấy hạnh phúc ở Việt Nam"
Kể về thời gian tìm hiểu nhau, chị Linh vướng phải rào cản tâm lý vì thời điểm đó chị vẫn nghĩ mình không thể có con. Mặt khác, Dezso là người nước ngoài, lớn hơn chị gần 20 tuổi và có 4 đứa con riêng. Với một số người, việc lấy chồng Tây thật sự rất nhạy cảm, họ nhìn vào nói chị ham tiền và nhiều thứ khác nhưng không quan tâm thực hư câu chuyện ra sao. “Tôi có tình cảm với anh nhưng để tiến xa hơn thì không thể nên nhiều lần từ chối”, chị kể.
Hai vợ chồng chị Linh đưa em bé sang Hungary thăm bà nội - ẢNH: NVCC
Bữa cơm thân mật của gia đình chị Linh tại Việt Nam - ẢNH: NVCC
Nói về việc này, ông Dezso chia sẻ: “Có thể bạn sẽ không tin tôi nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi là tôi muốn kết hôn với cô ấy. Tôi thấy cô ấy rất đẹp, rất thanh lịch nhưng rất khó tiếp cận. Tôi đã gặp rắc rối lớn”.
Ông không có bất kỳ một “chiến lược” nào để đối mặt với vấn đề này. Ông giải thích: “Tôi quan tâm cô ấy, đưa đón mỗi ngày và luôn luôn ở bên nhau khi Linh có thời gian. Khi chúng tôi biết rằng mình thuộc về nhau, tôi mời cô ấy về nhà mình ở Hungary. Tôi cảm thấy vinh dự khi cô ấy muốn biết gia đình tôi”.
Qua “ải” đầu tiên, cả hai lại gặp nhiều vấn đề khác. Chị cho biết chồng mình hiện là một bác sĩ có tiếng tại Đức, nếu về Việt Nam sống ông sẽ phải từ bỏ công việc, địa vị và mức lương nghìn EURO để làm lại từ đầu.
“Tôi còn con gái, mẹ bị bệnh và nhiều vấn đề khác nên việc anh về sẽ tiện hơn tôi đi. Tuy nhiên, nhiều người không hình dung được tại sao Dezso lại làm vậy, họ nghĩ anh thất nghiệp, gặp vấn đề gì đó mới về đây nên hai vợ chồng chịu nhiều sức ép vô hình”, chị Linh cho hay.
Hơn một năm nay, vì vướng dịch Covid-19 nên cha con anh Dezso chỉ có thể trò chuyện với nhau qua màn hình điện thoại - ẢNH: NVCC
Năm 2018, sau một thời gian tìm hiểu, chị Linh thấy có thể nghĩ đến chuyện xa hơn nên quyết định sang Đức nơi ông Dezso làm việc, đồng thời thăm nhà anh ở Hungary. Thời điểm đó, cả hai đi hỏi thủ tục kết hôn tại châu Âu và dự định năm 2019 sẽ cưới.
“Bất ngờ khi một tháng sau khi về nước thì tôi phát hiện mình có em bé. Thật sự chúng tôi không tính được chuyện này vì tôi vẫn nghĩ mình không thể có con được nữa. Chồng tôi cảm thấy may mắn vì chúng tôi dự định kết hôn trước khi biết có em bé nên tôi không bị cảm giác cưới vì trách nhiệm. Anh ấy rất tế nhị ở điểm này”, chị Linh nói.
Lúc chị mang thai, ông Dezso đang là trưởng khoa sản bệnh viện lớn ở Đức nhưng anh quyết định cắt hợp đồng trước thời hạn, không ngại đền bù số tiền lớn để về Việt Nam chăm sóc vợ.
Ông Dezso cũng tâm sự, để có được điều này phải từ bỏ một điều gì khác. Ông quan niệm: “Đó là con đường để tiến lên phía trước. Tôi đến Việt Nam vì đây là nơi vợ tôi thuộc về. Tôi có thể hạnh phúc và cố gắng làm cho cô ấy hạnh phúc ở Việt Nam”.
"Anh ấy hiền kinh khủng..."
Ngoài ra, khác biệt văn hóa cũng làm hai người dễ nảy sinh mâu thuẫn. Khi ông Dezso về nhà chị Linh, bố mẹ vợ vẫn còn nghi ngờ ông. Sau hai năm ăn Tết cùng nhau, bằng sự chân thành và cố gắng của mình, ông Dezso đã hòa nhập với mọi người và thích hầu hết các món ăn truyền thống của Việt Nam.
Chị Linh cười khi nói về chồng mình: “Anh ấy hiền kinh khủng luôn, gặp ai cũng cười nói. Dezso rất thích Việt Nam và tìm hiểu kỹ về lịch sử nước mình. Nếu tôi không ở Việt Nam thì chưa chắc gì ảnh đã chịu về đây sống”.
Nhắc về gia đình chồng, chị Linh hạnh phúc kể: “Khi tôi cùng con gái và con trai qua nhà của Dezso ở Hungary, các con của anh ấy đón tôi với tâm thế cởi mở, nhẹ nhàng và giới thiệu tôi là mẹ với tất cả mọi người”.
“Chính các bạn ấy là người đặt bảng đồng có tên chồng và tôi treo trước nhà rồi dẫn tôi đến xem. Con gái riêng của tôi sang thì các bạn phân chia nhau thời gian dẫn em gái đi chơi và xem như em ruột của mình. Các bạn cùng tôi gói chả ram, mài mò nấu các món ăn Việt Nam và nói chuyện suốt đêm”, chị Linh hào hứng.
Không chỉ đón tiếp em nồng nhiệt, các anh trai (con riêng của ông Dezso) còn dùng tiền tiết kiệm để bay sang Việt Nam thăm em. Một trong những người con của ông Dezso còn dự định theo chuyên khoa Nhi để nối nghiệp bố, cố gắng đi lại giữa Việt Nam và Đức sau này để thăm gia đình khi ông Dezso quyết định sống ở Việt Nam. Đó cũng là lý do vợ chồng chị Linh dự định mở phòng khám nhi tại Đà Nẵng, nơi chị đang ở.
“Tôi đến Việt Nam vì ở đây có vợ tôi. Tôi có thể hạnh phúc và cố gắng làm cho cô ấy hạnh phúc ở đây”, ông Dezso bày tỏ.
Về phần mẹ chồng, chị Linh cho biết bà không biết nói tiếng Anh, chỉ nói tiếng Hungary nhưng chị lại không biết tiếng Hungary. Vì thế chị với mẹ phải nhờ chồng hoặc các con phiên dịch, còn bình thường bà chỉ nhìn chị Linh cười rồi nắm tay chị thật chặt để thể hiện tình cảm. Bà thường hay mang khăn chị tặng bên người. Chị cũng hay đăng hình em bé lên Facebook để bà nội được ngắm cháu ở khoảng cách ngàn cây số.
“Gần 90 tuổi và anh lại là con trai độc nhất nhưng bà luôn muốn anh được đoàn tụ cùng tôi và con ở Việt Nam. Anh ấy cũng thuyết phục tôi, cuộc đời anh trải qua quá nhiều thăng trầm, thành công trong sự nghiệp lúc này nó không quan trọng bằng việc ở cạnh gia đình. Sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi chúng tôi cũng nhận ra mình cần gia đình hơn vì sự sống sao mong manh quá”, chị Linh tâm sự.
Về phần Dezso, ông bày tỏ: “Tôi thích văn hóa tôn trọng gia đình của Việt Nam. Tôi bắt đầu không mấy dễ dàng và thất bại vài lần nhưng tôi nghĩ mình đang đi đúng hướng. Nó không phải là hy sinh mà là làm những gì tôi phải làm. Tôi tin vào vợ và chính mình”.
Theo thanhnien