Nếu thấy yếu đuối, hãy viết “tôi mạnh mẽ”
Cập nhật lúc 08:30, Thứ năm, 27/01/2022 (GMT+7)
Nếu ai đó cư xử với ta không đúng nhưng ta chưa bỏ qua được thì ghi: “Quá khứ đã qua, đã xong, đã kết thúc. Tôi dễ dàng quên đi chuyện cũ, dễ dàng tha thứ cho họ”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Khi chỉ số ô-xy trong máu nhấp nháy trên cái máy kẹp ở ngón tay xuống dưới mức tiêu chuẩn, tôi tự hỏi mình: “Đã đến lúc đi rồi sao?”. Tôi thấy mình vẫn còn thở được và tôi không muốn làm kinh động cái xóm nhỏ đang im lìm trong thời gian giãn cách nên không báo cho ai.
Tôi nằm thả lỏng cơ thể và… tổng kết những “nợ nần” còn vấn vương trong đầu để ra đi cho thanh thản.
Việc nhà đã có ba má, việc công ty đã có sếp. Còn những chuyện chưa giải quyết được, thôi kệ, cho qua luôn. Với khả năng hiện tại của mình thì chỉ có thể làm được tới đó. Rồi tôi thiếp đi hồi nào không hay. Sáng dậy, đưa cái tay lên ngang mặt: “Ủa, chưa đi sao? Sống tiếp vậy!”.
Hồi xưa, tôi có một anh sếp không rành Excel. Nhiều lúc anh nhờ tôi làm báo cáo nhưng tôi không chịu: “Anh phải tự làm thì mới nhớ được, không có em ở đây thì sao?”. Tôi ngồi viết cho anh mấy trang hướng dẫn chi tiết, chụp hình mô tả từng bước tỉ mỉ rồi gửi anh: “Anh cứ dựa vào đây làm, nếu chỗ nào kẹt thì hỏi em”. Sau đó, anh chủ động làm việc, không kêu réo tôi nữa.
Có một chị đồng nghiệp hay gặp rắc rối với sếp. Hằng tuần, tôi thường gửi chị vài câu chúc nhằm lên dây cót tinh thần cho chị. Bẵng đi vài năm, chị nhắn: “Cảm ơn em. Những lời chúc giúp chị có niềm tin vào cuộc sống. Nhờ đó mà chị cảm nhận được tình cảm của những người xung quanh”. Tôi trả lời: “Đó là nỗ lực của chị, không phải từ em đâu. Chị cảm ơn bản thân mình đã nỗ lực thay đổi để có những mối quan hệ tốt hơn nhé!”.
Tôi muốn mọi người nhìn ra sự cố gắng nỗ lực tự thân từ họ. Bằng không, họ sẽ dựa dẫm, trông chờ vào lời khuyên hay sự hỗ trợ từ người khác. Chúng ta đến với các mối quan hệ là để yêu thương, hỗ trợ, quan tâm nhau nhưng không có nghĩa rằng ta khiến họ phụ thuộc vào mình, không có nghĩa rằng ta lấy mất sức mạnh tự thân của họ. Yêu thương là mang lại lợi ích và đó chính là giúp mỗi người tự đứng trên đôi chân của chính họ.
Vào cuối mỗi ngày, ta cũng kết sổ những gì đã làm trong ngày bằng việc viết nhật ký. Tiềm thức có chức năng ghi nhận lại tất cả những gì ta nghĩ, nghe, ghi chép và nói. Khi ta nghĩ, nói, nghe, ghi chép điều gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần nó trở thành một thói quen: thói quen suy nghĩ, thói quen dùng ngôn ngữ, từ đó định hình hành vi ứng xử của ta trong mọi tình huống trong cuộc sống. Do đó, thay vì ghi những câu chuyện tiêu cực trong ngày, ta hãy viết lại điều ta mong muốn thay đổi.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Ví dụ: Nếu thấy mình yếu đuối thì ghi “Tôi mạnh mẽ. Tôi là một chiến binh dũng cảm. Tôi dễ dàng vượt qua mọi chuyện” (không ghi là “Tôi không yếu đuối”, vì tâm trí sẽ tập trung vào từ “yếu đuối”). Nếu thấy lo lắng thì ghi: “Mọi chuyện ổn mà! Mọi người đều ổn”.
Nếu có lỗi với ai đó thì xin lỗi và mong họ tha thứ và ghi lại cách mình nên cư xử tốt hơn. Nếu ai đó cư xử với ta không đúng nhưng ta chưa bỏ qua được thì ghi: “Quá khứ đã qua, đã xong, đã kết thúc. Tôi dễ dàng quên đi chuyện cũ, dễ dàng tha thứ cho họ”.
Khi ta ngủ, những điều tích cực này sẽ đi vào tiềm thức. Lâu dần sẽ giúp ta thay đổi cách ta ứng xử với các tình huống và thay đổi cuộc đời ta.
Theo phunuonline