266.000 vụ bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em
2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu càn quét toàn cầu, những vấn đề bạo lực với trẻ em vẫn chưa được giải quyết. Do hậu quả của các cuộc xung đột mới và kéo dài, UNICEF đã ghi nhận nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng nhằm vào trẻ em ở Afghanistan, Yemen, Syria và khu vực miền Bắc Ethiopia… Các bên xung đột tiếp tục thể hiện sự coi thường đối với quyền trẻ em từ năm này qua năm khác. Trong năm 2020, Liên hợp quốc (LHQ) đã ghi nhận 26.425 vụ bạo lực nhằm vào trẻ em nhưng chưa có dữ liệu tổng hợp trong năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2021, số vụ bắt cóc và bạo lực tình dục trẻ em đã tăng ở mức đáng báo động, lần lượt là hơn 50% và 10%. Somalia báo cáo số vụ bắt cóc trẻ em cao nhất, sau đó là Congo và các nước ở khu vực Hồ Chad gồm: Chad, Nigeria, Cameroon và Niger. Trong khi đó, số vụ bạo lực tình dục đã được xác nhận cao nhất là ở Congo, Somalia và Trung Phi.
6 tháng sau khi xung đột nổ ra ở miền Bắc Ethiopia, các gia đình trong khu vực này đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng không có hồi kết. Các cuộc không kích ngày 5 và 7/1/2022 vào các trại tị nạn ở Tigray, miền Bắc Ethiopia, đã khiến nhiều thường dân, bao gồm cả trẻ em, thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Từ giữa tháng 4/2021, hơn một triệu người đã phải di dời khi các cuộc giao tranh tiếp diễn, chia cắt trẻ em khỏi cha mẹ và người chăm sóc, khiến chúng có nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn.
Theo LHQ, trong 16 năm qua, kể từ khi cơ quan này bắt đầu tiến hành thống kê, đến nay đã có 266.000 vụ bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em được ghi nhận ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, UNICEF ước tính con số thực tế có thể còn cao hơn. Afghanistan ghi nhận số trẻ em bị thiệt mạng do xung đột cao nhất kể từ năm 2005, chiếm 27% tổng số trường hợp trên toàn cầu. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi có số vụ tấn công nhằm vào trường học và bệnh viện đã được xác nhận với 22 vụ trong 6 tháng đầu năm 2021. Ngoài ra, 10.000 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Yemen kể từ khi giao tranh leo thang từ tháng 3/2015, tương đương với 4 trẻ em mỗi ngày.
Hơn 3.900 trẻ em đã thiệt mạng và tàn tật do các thiết bị nổ trong năm 2020. UNICEF cũng nhấn mạnh, trẻ em thường xuyên bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trong số các vụ bắt cóc đã được xác nhận năm 2020, có tới 37% số vụ là nhằm tuyển mộ và sử dụng trẻ em cho các cuộc xung đột. UNICEF đã kêu gọi các bên xung đột lên kế hoạch hành động chính thức nhưng chỉ có 37% kế hoạch như vậy được ký kết kể từ năm 2005, con số mà UNICEF cho là quá ít. Trẻ em ở những khu vực xung đột chỉ có thể an toàn khi các bên có hành động cụ thể để bảo vệ các em và chấm dứt những hành động bạo lực nghiêm trọng.
Khủng hoảng nhân đạo tồi tệ
Các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thế giới đối với trẻ em đã trở nên tồi tệ hơn. Số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng đe dọa tính mạng đang tăng lên. Afghanistan đang chìm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc. Phụ nữ và trẻ em gái nước này phải đối mặt với các quy định hà khắc về giáo dục, sinh kế và sự tham gia của họ trong đời sống xã hội. Khoảng 4,2 triệu thanh niên Afghanistan đã nghỉ học, 60% trong số đó là trẻ em gái. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính hiện 98% người Afghanistan không đủ thực phẩm để sống so với con số chỉ 17% trước khi Taliban lên cầm quyền. WFP cần gấp 220 triệu USD mỗi tháng để cung cấp lương thực và hỗ trợ tiền mặt cho hơn 23 triệu người Afghanistan đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Theo UNICEF, 3,2 triệu trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng nặng trong mùa đông này, trong số đó 1 triệu em có thể tử vong.
Nội chiến ở Yemen đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới: Khoảng 3 triệu trẻ em không thể đến trường; 8,1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp. Một số trẻ em ở Yemen đã 10 tuổi nhưng chưa từng được đi học. Ngoài ra, 16,2 triệu người - khoảng một nửa dân số ở quốc gia này - đang trong tình trạng mất an ninh lương thực. Chưa kể đói nghèo khiến 2,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng.
UNICEF cũng cảnh báo số trẻ em phải nhập viện do bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng tại khu vực Tigray của Ethiopia đã tăng gấp đôi so với năm 2020. Trong báo cáo tuần về tình hình xung đột tại khu vực miền Bắc Ethiopia, UNICEF cho biết kể từ tháng 2 đến tháng 8/2021, khoảng 18.600 trẻ dưới 5 tuổi tại Tigray đã phải nhập viện để điều trị suy dinh dưỡng cấp tính (SAM), tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại châu Mỹ Latinh, hàng nghìn trẻ em và gia đình của họ đã chạy trốn khỏi đói nghèo và bạo lực thông qua Darien Gap, một khu rừng nhiệt đới rậm rạp, một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới đối với người di cư. Phó Giám đốc điều hành UNICEF Omar Abdi nhấn mạnh, trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, bị chia cắt khỏi gia đình hay không có cha mẹ đi kèm phải chịu đựng những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý, tình cảm và xã hội, hậu quả có thể đeo đẳng các em suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, các em còn đứng trước nhiều nguy cơ bị bạo hành, bỏ rơi và bóc lột.
Tháng 12/2021, UNICEF đã đưa ra lời kêu gọi tài trợ khẩn cấp 9,4 tỷ USD cho trẻ em, mức lớn nhất từ trước đến nay để tiếp cận 177 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo và đại dịch Covid-19 trên thế giới. Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp thêm 15 triệu euro viện trợ nhân đạo cho khu vực Sahel của châu Phi để giúp các nước đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có ảnh hưởng đến hơn 8,7 triệu người dân ở Burkina Faso, Mali, Niger và Mauritania. Trong năm 2021, EU đã phân bổ 237,4 triệu euro cho các nước vùng Sahel. Viện trợ nhân đạo của EU hỗ trợ cung cấp chỗ ở, thực phẩm và dinh dưỡng khẩn cấp cho người dân, giúp họ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nước sạch, cũng như điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em và bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Ngoài ra, nguồn tài trợ của EU đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục an toàn cho trẻ em bị ảnh hưởng xung đột vũ trang.
Nhu Thụy