Đến nay, gia đình vẫn đang là một ẩn số, nhiều thay đổi bất ngờ vẫn còn phía trước. - Chuẩn bị ra chợ - ẢNH: VÕ HOÀNG

Hầu hết các đám cưới đều hạnh phúc. Chỉ có những cặp trên con đường chung sống với nhau về sau mới sinh chuyện rầy rà.

Nhìn những album ảnh cưới long lanh của bạn bè, người quen, có thể thấy khởi đầu của một gia đình chưa bao giờ đẹp hơn, được chăm chút hơn, được chia sẻ với nhiều người hơn bây giờ. Mà con đường dài của hôn nhân cũng chưa bao giờ khó đoán đến vậy. 

Người ta lo âu rằng những giềng mối gia đình đang lỏng lẻo dần, công nghệ chen vào từng góc nhỏ trong nhà, mạng xã hội chiếm hết thời gian của đời sống thực, vợ chồng động một tí là kéo nhau ra tòa, việc bỏ nhau quá dễ làm cho con cái tổn thương…

Người ta sợ rằng cố kết gia đình có thể đang trên bờ vực khủng hoảng, tan vỡ. Thế nhưng cách đây hai năm, chắc không ai có thể hình dung ra cảnh cả nhà ở nhà cùng nhau 100% suốt ba bốn tuần như bây giờ, vợ chồng con cái ăn ở nhà, học ở nhà, làm việc ở nhà.

Cũng không ai nghĩ rằng có lúc mình phải tìm mọi cách để được về nhà, như về với nơi an toàn nhất, cố thủ trong pháo đài vững chắc nhất, để cùng nhau chống lại những luồng gió dịch bệnh đang thổi khốc liệt ngoài kia. Gia đình vẫn đang là một ẩn số, nhiều thay đổi bất ngờ vẫn còn phía trước. 

Một nỗi niềm chung dễ nhận được sự đồng ý của mọi người là các giá trị truyền thống của gia đình đang bị thay đổi, mai một. Tuy nhiên, đó là giá trị nào cụ thể lại là chuyện khó phân định. Không phải cứ “truyền thống” thì mặc nhiên là tốt.

Mẹ tôi - một người vợ, người mẹ truyền thống đúng nghĩa - là nội trợ, chẳng bao giờ đi đâu xa hơn cái chợ và làng nội mỗi dịp giỗ chạp. Mẹ quán xuyến toàn bộ việc nhà; ba tôi không bao giờ phải nấu cơm, rửa chén, quét nhà.

Thỉnh thoảng, mẹ cũng bị ba tôi đánh, bị bà nội tôi chửi, nhưng không bao giờ mẹ nói lại nửa lời. Làng trên xóm dưới đều khen mẹ là con dâu có hiếu, là vợ hiền, là mẹ đảm đang.

Rồi cũng chính mẹ dạy mấy đứa con gái trong nhà rằng: phải học lấy một nghề; phải đi làm, kiếm được tiền tự nuôi mình; phải có nhà riêng; phải để dành một khoản phòng thân khi đau ốm…

Những giá trị được coi là truyền thống đôi khi được thay đổi bởi chính lớp người truyền thống đó. Họ mới là những người hiểu một cách sâu sắc nhất rằng những giá trị đó có mang lại hạnh phúc hay không, rằng có phải nó thực sự hoàn hảo đến mức không thể và không nên thay đổi. 

Tôi đã thử truy xét đến cùng nỗi lo âu về việc mất giá trị truyền thống, rồi nhận về một kết quả bất ngờ. Những ngưỡng vọng về gia đình “truyền thống”, với những người vợ người chồng “truyền thống” cũng là một kiểu mơ trong rất nhiều giấc mơ. Người ta mơ “giá mà giữ được thì tốt” trong khi bản thân họ có khi chưa từng trải nghiệm để biết cái tốt ấy như thế nào. 

Xét về mặt lý, cũng chẳng thể có một hình thức tổ chức gia đình nào có thể tồn tại bất biến qua thời gian. Ai ở trong gia đình đều biết, những thay đổi, điều chỉnh là tất yếu. Những thay đổi này bắt đầu từ hai phía: từ những thành viên trong gia đình và từ những tác động của môi trường xã hội. Cho dù lúc nhanh lúc chậm, về cơ bản, nó đều hướng đến hạnh phúc của các thành viên gia đình.

Tuy nhiên, hạnh phúc mang tính cá nhân. Hạnh phúc của một bà nội trợ và tự do của một người vợ đi làm thuộc về các hệ giá trị khác nhau, không thể so sánh, do vậy cũng không thể kết luận rằng ai hạnh phúc hơn ai. Có lẽ vì vậy mà không nên quá lo lắng về sự thay đổi của gia đình, cũng không nên khăng khăng bắt gia đình phải trung thành với những giá trị cũ, coi đó là bất biến.

Thay vì vậy, hãy nghĩ rằng gia đình đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Bao nhiêu thử thách mới mẻ đã đặt ra với gia đình trẻ và họ đã vượt qua đó thôi. Bao nhiêu loại hình gia đình mới đã ra đời, những quan hệ mới đã hình thành, từ những gia đình toàn cầu, những gia đình được “tái cấu trúc” từ đổ vỡ, những gia đình mà cha mẹ có đặc điểm giới tính khác với truyền thống và cả những gia đình đơn thân… 

Gia đình là gia đình của tôi và cái tôi của mỗi người mỗi khác, mỗi thế hệ mỗi khác. Tôi thấm thía điều ấy nhất khi ba tôi và nhà nội can thiệp vào chuyện nhà mình. Đứa cháu trai mà cả nhà nội tin tưởng, coi là “đích tôn thừa trọng”, đến tuổi 27 đã quyết định công khai giới tính thật và công khai tình yêu của mình.

Cháu chọn làm con gái và hạnh phúc khi được làm con gái. Vợ tôi đã đòi tự tử. Ông bà nội than trời than đất kêu nhà này vô phúc. Nhưng, tôi biết con, tôi biết gia đình con, tôi biết mình phải công nhận gia đình đó. Có lẽ cũng vì những phản ứng của gia đình mà con tôi đành chọn ở lại nước ngoài làm việc, chung sống với bạn đời của mình. Nhiều khi nghĩ lại, chúng tôi thấy mình đã tự đánh mất đi một gia đình nhỏ trong đại gia đình, dòng tộc. 

Đối với cái mình không chấp nhận được, không quen thuộc, cách dễ nhất là từ chối, quay lưng lại, coi như không có hoặc tệ hơn nữa: tẩy chay. Song, nghĩ cho cùng, cũng là máu mủ ruột rà đó thôi, cũng từ gia đình mình mà ra đó thôi; những thành viên trong các gia đình mới ấy cũng vốn là con, là anh là chị là em của một gia đình truyền thống nào đó. Nếu mình không gần gũi, không chỉ bảo, không thương yêu, đến lúc nào đó, đôi bên sẽ trở thành xa lạ với nhau, thậm chí còn gây tổn thương cho nhau.

Có điều thật thương, thật thấm, đó là bản tính người Việt vốn dễ thích nghi, cũng là dễ bao dung, rộng lượng. Những gia đình mới đầu nhìn có vẻ chướng tai gai mắt, sau một thời gian cũng dần được cộng đồng chấp nhận, đùm bọc.

Chung cư nơi gia đình tôi sinh sống có cặp vợ chồng, vợ là người Việt, chồng người nước ngoài; họ có hai đứa con nuôi, đều là người Việt. Hai đứa nhỏ từng gặp nhiều sang chấn về tâm lý nên khá ngỗ ngược, gia đình họ thuộc loại “phức tạp” từ hình thức bên ngoài cho đến các sinh hoạt bên trong.

Bọn nhỏ có khi còn lấy đồ của hàng xóm, hỗn với người lớn. Mẹ chúng không dạy nổi, ba chúng lại không biết tiếng Việt. Phải nói, người có công dạy dỗ tụi nhỏ là hai ông bà cụ ở căn hộ cùng tầng. Ông bà có đứa cháu gần tuổi hai đứa trẻ nọ nên nhà ông bà thành chỗ đám nhỏ hay vào chơi. Khác với các gia đình thường dè dặt hoặc không cho hai đứa nhỏ chơi với trẻ trong nhà, ông bà cụ luôn mở rộng cửa.

Dần dần, bọn trẻ thay đổi, ngoan hơn. Các gia đình xung quanh cũng rộng cửa hơn. Đôi vợ chồng kia từ chỗ ban đầu chỉ thuê nhà, đến nay đã quyết định mua luôn căn hộ nọ. Họ nói ở đây, họ được sống trong một gia đình lớn, chan hòa, thân thiện và ấm áp.

Vậy, mô hình gia đình nào mới là chuẩn, là bất biến? - Ảnh: freepik.com

Chủ đề ngày Gia đình Việt Nam năm 2021 là: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Cách một cộng đồng ứng xử với cái mới thường sẽ quyết định sự thay đổi, sự tiến bộ của cộng đồng.

Nhắc mãi, nói mãi việc “gìn giữ gia đình truyền thống” có thể là an toàn nhưng nó cũng khiến hình ảnh gia đình ít nhiều mang định kiến, đi vào lối cũ mòn. “Định hướng” hay “dự đoán” tương lai của gia đình cũng là điều khó làm. Thay vào đó, có thể cứ khách quan nhìn nhận gia đình như một môi trường giúp con người phát triển có lẽ sẽ dễ dàng hơn. 

Gia đình vẫn luôn là một tế bào đặc thù của xã hội con người, cân bằng trong mối quan hệ với các xung lực bên trong và bên ngoài. Cần nhìn nhận sự thay đổi của gia đình trong sự khơi thông nguồn chảy với những dòng năng lượng mới của xã hội.

Con người vẫn đang mỗi ngày tìm kiếm, thay đổi, cải tiến chiếc áo gia đình cho vừa với mình, không gò ép bản thân cho vừa những chuẩn mực đã không còn phù hợp nữa, đồng thời thoải mái và thân thiện với môi trường sống hơn. 

Theo phunuonline