Nếu bạn biết thiếu giao tiếp, thiếu sự tương đồng là 2 trong những lý do phổ biến nhất khiến các cặp vợ chồng ly hôn thì trước khi tiến vào một cuộc hôn nhân bền vững, bạn chắc chắn nên thảo luận với nửa kia về những vấn đề này:
Chúng ta sẽ kết hợp tài chính thế nào?
Điều quan trọng là phải lập kế hoạch xử lý số tiền mà cả hai bạn sẽ kiếm được trong tương lai.
Mỗi người có thể cần phải có tiền tích lũy riêng ngoài một tài khoản chung mà cả hai vợ chồng đóng góp vào mỗi tháng. Cụ thể con số mỗi tháng bao nhiêu tùy thuộc vào mức lương của các bạn, nhưng hãy thảo luận và thống nhất.
Ngoài ra, khi nào tiền từ nguồn tài chính chung của hai người nên mang ra sử dụng cũng là một câu hỏi xác đáng.
"Anh/ em có khoản nợ nào không? Chính xác là bao nhiêu?"
Trước khi kết hôn bạn có thể đã mang nợ mua nhà, mua xe, hay tiền học đại học… Biết rõ về các khoản nợ của nhau có thể giúp cả hai lên kế hoạch trước về cách xử lý. Không ai thích bị bất ngờ gánh khoản nợ của người mình vừa mới kết hôn, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy bị phản bội nếu kết hôn rồi mới được biết người kia đang mang nợ. Điều này thực sự có thể ảnh hưởng đến sự tin tưởng mà vợ chồng dành cho nhau, cho nên ngay từ đầu, hãy thành thật.
"Chúng ta sẽ chuẩn bị cho tuổi già như thế nào?"
Một ngày, tất cả chúng ta rồi sẽ già. Kết hôn đồng nghĩa với cần phải đưa nhau vào kế hoạch nghỉ hưu của mỗi người. Bạn cần lập kế hoạch tài chính để ít nhất có đủ cho 2 người chi trả các chi phí y tế trong trường hợp một trong hai bị ốm.
"Chúng ta có kế hoạch sinh con không?"
Không phải ai lập gia đình cũng muốn có con. Và ngay cả khi cả hai vợ chồng đều muốn có con, vẫn có những điều khác cần thảo luận, chẳng hạn như phong cách nuôi dạy con cái, bạn sẽ làm gì nếu con có vấn đề sức khỏe hay sẽ phản ứng như thế nào nếu chúng lớn lên khác với sự trông đợi của bạn.
"Nếu chúng ta không thể có con thì sao?"
Dù không phải tất cả nhưng hầu hết mọi người kết hôn đều mong có con cái. Vì vậy, nếu vì lý do nào đó mà một cặp vợ chồng không thể sinh con, họ sẽ cần phải suy nghĩ về việc phải làm gì tiếp theo. Nhận con nuôi, mang thai hộ, làm thụ tinh ống nghiệm, hay ly hôn và kết hôn với người khác…
"Chúng ta chia sẻ việc nhà thế nào?"
Dù là chuyện nhỏ, việc nhà có thể khiến các cặp vợ chồng "đánh nhau vỡ đầu". Điều này là do một người có thể cảm thấy quá tải khi phải tự mình làm tất cả công việc. Để đảm bảo rằng gia đình có sự bình yên, tốt hơn hết, bạn nên nói về những công việc mà mỗi người sẽ đảm nhiệm.
"Thế nào là lừa dối?"
Thuật ngữ này có thể có nghĩa khác nhau đối với tùy người. Một người có thể nghĩ rằng hôn là lừa dối, trong khi người khác có thể nghĩ rằng chỉ gặp mặt người yêu cũ thôi đã là không thể chấp nhận rồi. Cũng có người cho rằng lên giường với người khác mới là lừa dối. Vì vậy, một cặp vợ chồng nên nói về mức độ thoải mái của họ khi bàn tới chuyện này.
"Mơ ước tương lai của anh/ em là gì?"
Trong 5 năm, 30 năm tới, bạn thấy mình trở thành người thế nào? Đặt câu hỏi này giúp các bạn có được hình dung về cuộc sống chung giữa hai người sẽ như thế nào. Mong ước của một người nhiều khi có thể không khớp với suy nghĩ của người kia về hôn nhân hạnh phúc. Ví dụ một người muốn sẵn sàng lăn lộn với nghề trước khi trở thành một nghệ sĩ thành công trong khi người kia lại chỉ mong một cuộc sống bình thường với thu nhập ổn định.
"Anh/ em dự định chăm sóc bố mẹ thế nào khi về già?"
Các thảo luận như bạn có muốn ở cùng với bố mẹ già không, ai sẽ chăm sóc họ, hay bạn định chu cấp cho bố mẹ bao nhiêu tiền... đều nên có trong danh sách những điều một cặp đôi sẽ cân nhắc thảo luận trước khi kết hôn.
Ngoài ra, các câu hỏi các không kém phần quan trọng cần được bạn tìm hiểu trước khi kết hôn là hồ sơ y tế của người kia (có bệnh gì không, có dị ứng hay không, nhóm máu của người ấy là gì...), người ấy muốn sống ở đâu, hai người sẽ muốn dành cho nhau bao nhiêu thời gian mỗi ngày, hai người hy vọng đời sống xã hội của nhau khi đã là vợ chồng sẽ thế nào…
Càng thảo luận kỹ và đạt được nhiều đồng thuận thì hôn nhân của hai người sẽ càng thêm bền vững.
Theo vietnamnet