leftcenterrightdel
Sau đại dịch, nhiều người vẫn ngần ngại khi ra ngoài và giao tiếp xã hội. Ảnh: CNA. 

Trong khảo sát của dịch vụ hẹn hò Lunch Actually với 500 người độc thân tại Singapore, 40% cho biết họ cảm thấy sức khỏe tinh thần đi xuống so với năm 2020. Hơn một nửa miêu tả cảm xúc của bản thân là "cô đơn", "căng thẳng" và "mắc kẹt", theo Channel News Asia.

Dù phần lớn người tham gia khảo sát đều mong muốn có mối quan hệ tình cảm dài lâu, họ bày tỏ nỗi e ngại trước việc hẹn hò, gặp gỡ người mới. Nhiều người mất tự tin về bản thân sau hơn một năm dài ở nhà tránh dịch.

"Trước đây, tôi thường tham gia các sự kiện xã hội và tụ tập bạn bè. Thời gian giãn cách khiến tôi chủ yếu ở nhà và làm mọi thứ một mình. Giờ tôi cũng không muốn ra ngoài giao lưu hay hẹn hò, bởi tôi sống cùng bố mẹ và lo họ có thể nhiễm virus", J, một phụ nữ độc thân ngoài 30 tuổi tại Singapore, cho hay.

Không chỉ riêng ở đảo quốc sư tử, người trẻ trên toàn thế giới cũng đang chật vật trong việc hòa nhập lại đời sống xã hội. Lý do đằng sau sự ngần ngại này rất đa dạng, bao gồm sự bất ổn tinh thần, thậm chí rối loạn tâm lý, sau khi trải qua tổn thương trong đại dịch.

Sợ ra ngoài

Tại Mỹ, chứng lo âu xã hội (social anxiety) đã trở nên tồi tệ hơn ở nhiều với người trẻ hậu đại dịch. Đây là chứng rối loạn tâm lý được định nghĩa bởi nỗi sợ khủng khiếp trước suy nghĩ bị người khác nhìn hoặc đánh giá, theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia.

Sau thời gian dài quanh quẩn trong 4 bức tường, sự tự ti cực đoan ở những người gặp lo âu xã hội càng thêm trầm trọng, các chuyên gia tâm lý cho hay.

Garret Winton (22 tuổi, sống tại bang Florida, Mỹ) nhớ lại một buổi chiều tháng 5 khi anh cuộn tròn trên giường và đặt 2 ngón tay lên động mạch trên cổ. 130 nhịp/phút, anh đoán. Cơn hoảng loạn lần thứ 4 trong tuần đang ập đến.

Winton phát hiện mình mắc rối loạn lo âu khi học cấp 2. Lên tới đại học, anh đã phần nào kiểm soát được nỗi lo, nhưng rồi mọi thứ lại bùng phát trở lại trong đại dịch. Nhiều yếu tố đã khiến cơn hoảng loạn của anh thêm trầm trọng: sự cô lập, những ca trực điều dưỡng mệt mỏi và hàng loạt tin nhắn chưa trả lời từ bạn bè.

Khi Mỹ dần mở cửa trở lại, một bộ phận người trẻ lại phải lần nữa vật lộn với các triệu chứng của rối loạn lo âu. Họ đối mặt với những bất an mới, trở nên sợ không gian công cộng và ngại đi chơi với bạn bè, theo New York Times.

Đan xen cùng những cảm xúc trên là áp lực phải tận hưởng tuổi trẻ, trong khi đại dịch và chứng lo âu xã hội vẫn đang ngăn cản họ thực hiện những điều đơn giản nhất như gặp gỡ trực tiếp đồng nghiệp mới, hẹn hò hoặc tận hưởng thời gian cùng bạn bè.

"Khi cuộc sống dần trở lại, chúng ta có thể sẽ chứng kiến tỷ lệ người mắc chứng lo âu xã hội cao hơn so với trước đại dịch", Paula Yanes-Lukin, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Columbia, cho biết.

leftcenterrightdel
 Nevandria Page từng là người thích dạo chơi cùng bạn bè, nay cảm thấy lo sợ mỗi khi phải ra khỏi nhà. Ảnh: New York Times.

Trước giãn cách, Nevandria Page (25 tuổi) từng rất thích được đi ăn cùng bạn bè và khám phá những quán cà phê mới.

“Nhưng sau đó, khi phải ra ngoài, tôi thường bị lo lắng và hồi hộp, cảm giác như mọi người đang nhìn chằm chằm vào mình”, cô Page kể lại.

Cô sợ việc phải rời khỏi nhà. Gọi cà phê khiến cô lắp bắp. Khi để kiểu tóc mới, cô sợ bị người khác nhìn và đánh giá tới nỗi bật khóc.

“Tôi đã ở một mình trong suốt đại dịch nên có lẽ nỗi cô đơn đã bám theo tôi, cho dù giờ đây chúng ta đã có thể ra ngoài trở lại”, Page nói.

Khó khăn khi trở lại

Ảnh hưởng tâm lý của đại dịch Covid-19 rất đa dạng. Trong khi nhiều người cảm thấy tinh thần đi xuống trầm trọng trong giãn cách, một số khác lại có câu chuyện ngược lại.

Lauren Stevens (30 tuổi, sống tại Anh) chia sẻ với Mind rằng mình từng bị trầm cảm và rối loạn lo âu trước đại dịch, cho biết cô tận hưởng việc được làm những điều giản dị thường ngày trong thời gian giãn cách. Nhờ vậy, sức khỏe tinh thần của cô đã khá hơn.

Tuy nhiên, khi trở về bình thường mới, chứng lo âu xã hội của Stevens cũng tái phát. Cô bắt đầu lặp lại thói quen cũ: hủy lịch hẹn với người khác trước khi phải gặp mặt họ.

"Tôi suy nghĩ quá nhiều về việc mình phải nói gì, cư xử ra sao, rồi người khác sẽ nghĩ gì về mình", cô nói.

leftcenterrightdel
 Nhiều người cảm thấy lo sợ trước những tình huống xã hội mình phải đối mặt khi trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: CNBC.

Angelica-Jane Onyekwere (22 tuổi, sống tại Anh) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trước đại dịch, cô thường xuyên lên cơn hoảng loạn và cảm thấy kiệt sức. Thời gian giãn cách giúp cô sống chậm lại, tập trung vào bản thân và những sở thích của mình. Các cuộc gọi trực tuyến cũng khiến việc giao tiếp đỡ căng thẳng với cô.

Bởi vậy, khi hết giãn cách, Onyekwere sợ rằng chứng lo âu của mình sẽ thêm quay trở lại.

Theo nghiên cứu của tổ chức về sức khỏe tâm lý Mind với sự tham gia của 10.000 người Anh, phần lớn cho biết bản thân cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy hoặc đứng gần người khác. Trong đó, 1/6 người trẻ đã trải nghiệm cảm giác đau khổ tâm lý lần đầu tiên kể từ đại dịch.

Trước những phát hiện trên, ông Paul Farmer, giám đốc điều hành của Mind, cho biết: "Hậu quả về tâm lý của đại dịch sẽ kéo dài tới nhiều năm sau khi nới lỏng giãn cách".

Ông Farmer cũng lưu ý rằng hàng nghìn người có thể chịu ảnh hưởng lâu dài từ đại dịch, bao gồm cả sự mất mát, thất nghiệp, chấn thương tâm lý, hay khủng hoảng cuộc sống.

"Cần có sự hỗ trợ phù hợp dành cho người dân vào những thời điểm cần thiết nhất", ông kết luận.

Theo zingnews