Ảnh minh họa. 

Hầu hết các cặp vợ chồng mới có con đều nhận định rằng con cái là nguyên nhân khiến mối quan hệ vợ chồng thêm nhiều căng thẳng. Mức độ hài lòng với người bạn đời có thể giảm nhiều và tranh cãi sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Vấn đề này dường như rất phổ biến và các cặp vợ chồng ở mọi độ tuổi, thuộc mọi tầng lớp xã hội đều có thể bị tác động. Chúng tôi muốn chỉ ra cùng các bạn 5 vấn đề rất phổ biến mà các cặp vợ chồng gặp phải sau khi sinh con và cách thức bạn có thể giải quyết chúng.

1/ Vợ chồng có thể cãi vã nhiều hơn vì những gánh nặng nghĩa vụ phát sinh thêm sau khi có con

Trước khi có em bé, rất có thể cả hai vợ chồng đều đang làm công việc toàn thời gian. Nhưng bây giờ, một trong hai người phải là người chăm sóc chính cho em bé và gia đình, đồng nghĩa với việc hầu hết mọi việc nhà đều do người bạn đời của bạn gánh vác. Người chồng/vợ của bạn trở về nhà sau giờ làm việc mệt mỏi và rất có thể không có nhiều năng lượng để giúp bạn. Điều này khiến bạn căng thẳng và tức giận.

Giải pháp: Thay vì gây gổ và cãi vã về vấn đề đó, bạn có thể đề nghị người bạn đời làm một công việc cụ thể nào đó. Nêu ra một danh sách dài gồm tất cả các công việc cần làm sẽ không nhất thiết khiến người bạn đời của bạn tình nguyện làm chúng. Nếu bạn xác định một công việc cụ thể, cung cấp cho họ định hướng rõ ràng về những gì cần làm và cách thực hiện. Sau khi họ hoàn thành, hãy thử nói "cảm ơn"; đây không phải là một cách chúc mừng họ đã hoàn thành công việc mà để cho họ thấy bạn đánh giá cao sự giúp đỡ của họ như thế nào.

Ảnh minh họa.

2/ Bạn không còn nhiều thời gian dành cho bản thân và cho các mối quan hệ riêng của mình

Trước khi có con, bạn có thời gian để đi ra ngoài và tận hưởng bản thân. Nhưng bây giờ, đứa con đã chiếm tất cả thời gian và sự chú ý của bạn. Bạn bắt đầu quên mất việc dành cho mình những khoảng thời gian rảnh rỗi bên ngoài gia đình và mối quan hệ vợ chồng có thể không còn thắm thiết như xưa.

Giải pháp: Điều mà cả hai cần làm là dành thời gian xa nhau để duy trì sự tỉnh táo. Tìm một hoạt động bạn yêu thích và duy trì hoạt động đó một hoặc hai lần mỗi tháng. Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ cần phải giảm bớt kỳ vọng và dành ít thời gian hơn trước kia cho hoạt động yêu thích của mình.

Bạn cũng nên cố gắng cùng vợ/chồng mình đi chơi tối bất cứ khi nào có thể. Đơn giản chỉ cần nhờ một thành viên trong gia đình hoặc bạn thân trông hộ em bé trong khi bạn muốn ra ngoài hít thở bầu không khí yêu thương trước kia bên người bạn đời.

3/ Bạn lo lắng nhiều hơn về tiền bạc

Lo lắng về tài chính có thể bắt đầu từ những ngày đầu tiên của thai kỳ và tiếp tục tăng lên trong nhiều năm sau khi sinh con. Bạn không quen với việc phải nuôi một con người khác và việc suy nghĩ và tính toán tất cả các khoản chi phí có thể gây ra rất nhiều căng thẳng cho hai bạn.

Giải pháp: Nếu bạn có bạn đời, bạn nên bắt đầu tiết kiệm tiền trước khi sinh và quyết định ai sẽ là người chăm sóc chính. Bạn cũng nên quyết định xem một trong hai người sẽ nghỉ việc trong bao lâu. Đảm bảo kiểm tra thời gian nghỉ thai sản mà bạn được phép thực hiện cùng với bất kỳ khoản trợ cấp nào khác của nhà nước và công ty của bạn mà bạn có thể đủ điều kiện nhận.

Bạn cũng có thể thử chỉ sống bằng thu nhập của một người (vợ hoặc chồng) trong một thời gian trước khi sinh và cất riêng để tiết kiệm khoản thu nhập của người kia. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị cho các chi phí chăm sóc trẻ bổ sung và giúp bạn không mua những thứ không quá cần thiết. Mặt khác, nếu bạn là cha mẹ đơn thân, hãy tính toán thời gian bạn có thể dành cho công việc của mình. Nếu cha mẹ hoặc một người bạn của bạn có thể chăm sóc em bé trong khi bạn đi làm, thì bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí trông trẻ.

4/ Vợ/chồng bạn thường xuyên đưa ra những quyết định quan trọng mà không tham khảo ý kiến của bạn

Khi bạn đang ở trong một mối quan hệ nghiêm túc, các quyết định của bạn cũng có tác động đến người kia. Và điều tự nhiên là bạn sẽ phải đưa ra nhiều quyết định hơn khi em bé chào đời. Cả hai bạn cần phải thỏa hiệp nhiều lúc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ở nhiều cặp vợ chồng, một trong hai người quyết định một mình mà không hỏi ý kiến người kia, và đây là điều thường tạo ra xung đột.

Giải pháp: 3 chìa khóa để đưa ra quyết định chung là giao tiếp, tôn trọng và tin cậy. Bạn cần nói chuyện với người bạn đời của mình và hiểu quan điểm của họ. Khi làm điều đó, bạn cần phải thể hiện sự tôn trọng quan điểm đó và không chỉ trích. Ngoài ra, điều quan trọng là bạn phải đặt niềm tin vào vợ/chồng của mình khi họ ở trong những tình huống phải tự mình đưa ra quyết định và bạn phải tránh việc thể hiện sự phán xét của bạn với mọi quyết định của vợ/chồng mình.

5/ Người quen và bạn bè ít qua lại hay ít gọi điện hơn

Hầu hết những người thân quen với bạn trước đây bây giờ sẽ bắt đầu cư xử khác đi một chút khi bạn có em bé. Họ nhận ra rằng em bé sẽ là ưu tiên tối quan trọng với bạn và họ sẽ lùi lại một bước để không làm ảnh hưởng đến mối ưu tiên số một của bạn, dù có thể bạn thân bạn không thấy việc đó là cần thiết.

Giải pháp: Nếu bạn vẫn muốn và cần họ ở bên, bạn nên nói rõ với họ. Hãy cho họ biết chính xác những gì bạn cần trợ giúp. Nếu họ dường như không hiểu tại sao mãi mà bạn không gọi cho họ, hãy trò chuyện với họ. Nếu họ chưa có con, họ có thể không nhận ra cuộc sống của bạn thay đổi nhiều như thế nào sau khi sinh con. Và có lẽ, bạn sẽ không muốn thấy mọi người rời xa mình vì việc có một hệ thống hỗ trợ trong giai đoạn bạn mới có em bé thực sự là rất quan trọng.

Còn bạn, bạn đã từng gặp bất kỳ vấn đề nào ở trên với đối tác của mình chưa? Nếu vậy, bạn đã xử lý tình huống như thế nào?./.

Theo vov