Từ tháng 7/2021, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (Đồng Nai) phối hợp cùng Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Đồng Nai và khoảng 50 nhà chuyên môn tình nguyện phát triển dự án phi lợi nhuận “Chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT)”.
Các dịch vụ của dự án chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến/từ xa như khám và điều trị bởi các bác sĩ tâm thần, tham vấn và trị liệu bởi các chuyên gia tâm lý; tổ chức các chương trình huấn luyện kỹ năng ứng phó phòng ngừa SKTT; truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về SKTT.
So với nhiều dự án hỗ trợ SKTT, điểm đặc biệt của dự án này là can thiệp sâu, đa chuyên gia. Riêng về dịch vụ khám, điều trị, tham vấn, trị liệu tâm lý, nửa năm tính từ ngày mở đầu dự án đã có trên 1.000 thân chủ được hỗ trợ, trải khắp đất nước, nhiều nhất ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An…
Mỗi thân chủ được hỗ trợ xuyên suốt 3 - 12 lần để có giải pháp triệt để đối với vấn đề đang gặp phải. Những khó khăn phổ biến nhất là stress/khủng hoảng, các rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, các rối loạn dạng cơ thể hóa, tâm thần phân liệt, vấn đề hôn nhân, nuôi dạy con cái… Trong đó, lứa tuổi phổ biến là 18 - 55 tuổi. Đặc biệt, trong tổng số thân chủ có đến 2/3 là phụ nữ.
Lý giải cho con số này của giới nữ, thạc sĩ Bùi Ngọc Diễm (Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức) phân tích: “Theo khảo sát từ dự án và cảm nhận của cá nhân tôi, phụ nữ stress nhiều hơn. Ở Việt Nam, áp lực của người phụ nữ thường nặng nề hơn nam giới, dẫn đến những khó khăn về SKTT của họ nhiều hơn. Người vợ thường nhận lấy phần ở nhà lo cho con, để chồng ra ngoài làm kinh tế mặc dù có thể công việc của vợ thu nhập lại cao hơn chồng. Từ đó, người vợ ít được tiếp xúc với bạn bè, đồng nghiệp, hạn chế giao tiếp xã hội, đời sống tinh thần nghèo nàn, tù túng, những suy nghĩ lo lắng không được giải tỏa, càng chất chứa theo thời gian. Trường hợp nếu người phụ nữ vừa phải chăm con vừa phải tất bật với công việc thì áp lực càng dồn nén và không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân về thể chất lẫn tinh thần”.
Đầu năm 2022, trong báo cáo về tình hình lao động việc làm và tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động vào quý IV/2021, Tổng cục Thống kê cho biết tình trạng giảm thu nhập của nữ giới diễn ra nghiêm trọng hơn so với của nam giới.
Trong khi thu nhập bình quân của lao động nam ở quý IV/2021 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2020 thì ở lao động nữ giảm đến 14,6%. Thu nhập bình quân của lao động nam giới là 6,2 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,4 lần của lao động nữ giới (4,4 triệu đồng/tháng). Thu nhập giảm ít nhiều tác động tiêu cực đến SKTT và chất lượng sống của người phụ nữ vốn được gọi là “nội tướng” trong gia đình, từ đó ảnh hưởng đến tương tác với các thành viên khác.
Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất sâu rộng đến mọi mặt kinh tế xã hội và bất cứ ai cũng có thể tổn thương về SKTT. Ở Việt Nam, xét theo khía cạnh về giới thì người nữ phải gánh vác nhiều trách nhiệm, vừa phải làm việc ngoài xã hội, vừa phải làm việc nhà, nuôi dạy, chăm sóc con cái nhiều hơn nam giới; cộng với họ ít có cơ hội tiếp cận xã hội hơn nam giới nên có thể gặp khó khăn về SKTT nhiều hơn.
|
|
Dịch COVID-19 khiến nhiều chị em kiệt sức vì vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc con cái, vừa phải bảo đảm công việc để không mất đi thu nhập (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, cũng không nên vội cho rằng phụ nữ là “phái yếu” về SKTT hoặc an tâm rằng ở lứa tuổi khác, giới khác hoàn toàn ổn về SKTT. Bởi về nghiên cứu dịch tễ thì nam và nữ đều có những rối loạn tâm thần như nhau nhưng sự sẵn sàng nhận dịch vụ chăm sóc ở nữ cao hơn.
Nữ dám nói ra những vấn đề của mình hơn trong khi nam thường chủ quan mình khỏe mạnh, ít chấp nhận mình có bệnh hay có những tổn thương đến mức cần sự hỗ trợ. Khía cạnh giới chi phối rất nhiều cùng những yếu tố rào cản ngăn trở người đang gặp vấn đề về SKTT tìm đến dịch vụ.
Theo phunuonline