|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Nếu phép đo hạnh phúc bằng số năm chung sống thì có thể nói vợ chồng chị Thúy H. (ở trọ Q.Bình Tân, TP.HCM) khá hạnh phúc vì đã duy trì hôn nhân mười mấy năm; còn nếu hạnh phúc tính bằng khoảnh khắc thoải mái, bình an, tích cực thì còn phải… xét lại.
Chỉ là vợ chồng chị hay cự cãi, lớn tiếng, thỉnh thoảng có động tay động chân cấp độ nhẹ mà bao nhiêu năm chung sống là bấy nhiêu năm giằng co bởi chuyện lớn nhỏ.
Có những mâu thuẫn dai dẳng đến nỗi mỗi lần lên đỉnh điểm, chị H. hạ quyết tâm “chuyến này nhất định ly hôn” và liền đến văn phòng luật sư của người bạn để tư vấn thủ tục. Văn phòng dời địa điểm ba lần, mỗi lần chị H. ghé là mỗi chỗ mới mà vụ ly hôn cũng chỉ là mẫu đơn chưa điền, còn thập thò trong ngăn tủ.
Đơn ly hôn chẳng biết thảo làm sao, thử thách ngay từ đầu khi nói về nguyên nhân. Toàn chuyện nhỏ nhặt, chẳng đâu vào đâu, chẳng có tình tiết rõ ràng, cụ thể để mà kể, ngoài là vợ chồng sẵn sàng nổi cáu, xực nhau. Người này bệnh thì người kia lo. Khỏe lại là tiếp tục kình nhau và thêm chán ghét, bực dọc kiểu “biết vậy hôm đó ông/bà bệnh, tui không thèm chăm”. Người kia cũng không dễ xếp càng chịu thua, cũng cố gào: “Chết còn sướng hơn phải ở trong cái nhà này”.
Chuyện gia đình của chị Huyền P. (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng rối bời, nhưng xem ra còn có một vài nút thắt có thể kể và hình dung.
Chẳng hạn một trưa chị đi ngoài nắng về nhà bỗng lục tung ngăn đá tủ lạnh, lục mãi vẫn chưa tìm được thứ cần tìm, hồi lâu chị nhăn nhó, càu nhàu: “Đâu mất rồi, nhớ để đây rõ ràng mà!”. Đến khi chị hỏi: “Có thấy cây kem đâu không?”, ông chồng tạm ngưng lướt web quay sang cho biết ông đã ăn rồi.
Thái độ “vừa tỉnh vừa… bơ” cùng hành động tiếp tục cắm mặt vào màn hình khiến chị nổi cơn tam bành: “Biết người ta lục cây kem mà nãy giờ cũng không nói, làm người ta lục cả buổi. Trưa nắng về gặp toàn chuyện gì đâu…”. Ông chồng chưng hửng vì bị tấn công bất ngờ, vẫn dằn cơn tức xuống nói: “Em cần ăn kem thì anh đi mua cho. Có gì mà phải la ỏm tỏi”. Nghe chữ “la ỏm tỏi”, chị P. càng không giữ được bình tĩnh.
Chị không cần chồng đi mua đền cây kem vì dù có đi mua cũng không phải là cây kem đó, chị trách cứ chồng thờ ơ, không tâm lý, vợ thích gì muốn gì chẳng cần đếm xỉa tới. Ông chồng đỏ gay mặt, bỏ lên lầu, ném lại một câu: “Im miệng. Nói vậy mà không thấy vô lý hả? Sáng giờ ai làm gì động đến bà, tự nhiên kiếm chuyện?”.
Đây là một pha gây cấn nhưng may mắn được kết thúc sớm, nhiều pha khác kéo dài khiến hai bên không tiếc lời chỉ trích nhau, có khi còn lôi tên người lớn hai bên ra để chì chiết.
Nhiều cặp vợ chồng tương tác với nhau theo phong cách “cái bật lửa” khiến bạn đời thường rát mặt vì giận dữ. Đốm lửa từ cái bật lửa tuy nhỏ, không phừng phực, thiêu rụi ngay nhưng cứ xẹt lửa hoài sẽ hút hết ô-xy trong căn phòng kín, lấn chỗ của những lời nói, thái độ, cảm xúc dịu mát, ngọt ngào đáng lẽ vợ chồng trao nhau để khám phá đến cùng cảm giác hạnh phúc, tin yêu.
Tuy nhiên, có những người tự tin mình giỏi chịu đựng, giỏi nén lòng. Bực tức rất nhiều, cảm thấy bất bình người bạn đời rất nhiều nhưng cứ “ngậm bồ hòn làm ngọt” rồi nuốt luôn vào người dù biết chẳng tiêu hóa nổi “cục đường giả tưởng” đó.
Mà có nuốt được đâu, cứ vướng ở cổ. Họ lại đặt cho “cục tức” đó vô vàn mỹ danh như là hy sinh, nhẫn nhịn, là “cho yên cửa yên nhà”, “chín bỏ làm mười” hay “phản ứng cũng chỉ vô ích thôi”, “chuyện cũng chả đáng gì”… Thật ra họ có thể hiện cảm xúc nhưng chỉ với mình và bản thân đã lãnh đủ.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Sự uất ức dồn ứ lâu ngày hóa vôi hóa sạn, giết dần mòn tình cảm. Dần dà, họ quên cách thể hiện cảm xúc, như đứng nép một xó trơ mắt nhìn người kia qua lại trong nhà với tất cả hỉ nộ ái ố một chiều. Thật ra, tâm tư, nỗi lòng bên trong quẫy đạp cuồn cuộn nhưng người phối ngẫu không thể cảm nhận được và cho rằng họ thờ ơ, vô tâm hoặc coi khinh mình.
Trong khi đó người vào vai “đào thương” ngày càng cạn kiệt năng lượng, đâm ra nghĩ: “Tôi đã nhẫn nhục đến như thế mà anh vẫn quá lố, thôi thì hết cách”. Họ từng cho rằng nhẫn nhục cũng là cách?
Tương tác vợ chồng như một thứ ngoại ngữ mà quá lâu ngày không ôn luyện, người ta quên dần, nói không ra lời - viết không thành chữ - cười không tròn nụ. Và cuộc hôn nhân có còn chăng chỉ là phần xác. Khi đó, người này đã không còn xem người kia là bạn, chứ đừng nói là bạn đời. Họ không mảy may góp ý xây dựng và thay đổi mình để kéo gần khoảng cách, làm dịu lại mối quan hệ.
Khi chán ngán, tuyệt vọng, một ý nghĩ chực xâm chiếm họ là “chỉ có đổi người thì may ra…”. Trong khi hạnh phúc vợ chồng được tưới tắm, nuôi dưỡng bởi cảm xúc và cảm xúc đẹp mà ai cũng có thể tạo ra được, hai người đang hiện hữu này - mình và vợ/chồng mình - chắc chắn tạo ra được.
Theo phunuonline