Đã lâu, tôi không còn mua sách dạy nấu ăn nữa, vì nếu cần thì mọi thứ đã có sẵn và rất chi tiết trên YouTube, nên số sách bà cho, tôi sẽ mang về xem như kỷ vật của bà.

Chồng tôi cũng được bà cho một số bình đựng rượu bằng pha lê mà tôi biết anh sẽ nâng niu chúng như những báu vật vì anh rất quý các giá trị của gia đình. 

Trong số sách mang về, tôi lần giở nhẹ nhàng từng trang sách của cuốn sách dạy các món ăn Thái Lan. Bìa sách màu hồng, chỉ đơn giản đề tựa Thai Food. Tác giả người Anh, dạy nấu những món ăn Thái. Lần giở từng trang sách, tôi bắt gặp món mì xào thịt bò, đây là món châu Á bà nấu cho tôi ngày ra mắt đầu tiên.

leftcenterrightdel
Cuốn Thai's food (món ăn Thái) nằm lẫn các cuốn nấu ăn khác của má 

Tôi bất giác mỉm cười, món mì trứng xào của bà hôm đó rõ ràng là đã cứu đói tôi sau những ngày đi du ngoạn cùng chồng chưa cưới và thưởng thức món địa phương mà tôi chưa quen lắm.

Nhưng đánh giá khách quan thì món mì ấy không thể nào gọi là ngon được, nhất là với một người luôn chu toàn trong việc nấu nướng như bà. Mì hơi bị nhừ, do sách dạy là phải luộc chín trước rồi mới cho vào chảo xào. Đây là lỗi mà tôi cũng mắc phải do đọc những “bí quyết” nấu ăn của các chuyên gia ẩm thực kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. 

Thực tế, loại mì ấy chỉ cần ngâm nước cho mềm rồi xào thì vừa chín, không bị nhão. Tuy nhiên, món ăn gần gũi làm tôi cảm thấy không có khoảng cách với mẹ chồng. Nhìn lên kệ sách của bà, những cuốn sách nấu ăn bìa cứng xếp ngay ngắn toàn là của các tác giả dạy món ăn trên thế giới, nhưng chỉ có duy nhất cuốn này dạy nấu món châu Á.

Đúng như tôi dự đoán, nghe chồng tôi dẫn tôi về ra mắt, bà vội học ngay cách nấu món ăn gần gũi cho tôi dễ ăn, ngặt nỗi, sách dạy món Việt lúc ấy chưa phổ biến ở Anh, nên đây là cuốn sách tốt nhất bà có thể mua được.

Khổ thân bà, cuốn sách này lại do một đầu bếp dạy nấu theo trí nhớ, hoặc hướng dẫn theo phương pháp “thay thế” vì các nguyên liệu địa phương không thể kiếm ra được ở trời Âu, nên chỉ cần đọc qua là tôi đã thấy “sai sai”. Ngay cả việc dạy nấu cơm cũng làm tôi “choáng”.

Làm sao mà họ biết cách canh nước bằng lóng tay, tôi cũng thấy má chồng tôi chắt nước rồi “rửa gạo” (phương pháp từng gây “bão mạng”). Nhưng lúc đó gạo sắp thành cơm rồi nên tôi cũng không la làng, chỉ lẳng lặng ngồi thưởng thức món cơm hơi nhão. 

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

Tôi vẫn để bà nấu theo cách bà học được trên ti vi hay từ sách vở, vì dù cách làm có hơi “trái khuấy” so với cách tôi đã từng biết, thì món ăn vẫn ra lò và ăn được, nên tôi hạn chế “tài lanh” để bà khỏi mất hứng. Tuy nhiên, khi tôi nói để con trổ tài nấu món Việt cho má ăn, bà vô cùng hứng khởi thưởng thức và hỏi tôi cách làm. Lúc này, tôi mới từ từ chia sẻ những bí quyết mà các đầu bếp viết sách ở Anh khó có thể biết được, vì họ có “lăn lộn” qua xó bếp Việt như tôi đâu. 

Ngược lại, những món ăn Tây, dù tôi có đọc sách, xem ti vi hướng dẫn cách nấu, nhưng khi xem tận mắt cách bà rán đùi cừu, nấu xúp, tôi mới vỡ ra nhiều bí quyết. Hơn nữa, có lẽ nhờ “sao y bản chính” cách nấu của mẹ chồng, nên ông xã tôi lúc nào cũng được thưởng thức bữa ăn ngon lành, vì từ cách nêm nếm, trình bày, tôi đều học hỏi từ má chồng. 

Cuốn sách màu hồng đã được sắp ngay ngắn trên kệ, không biết tôi có học được công thức nấu ăn nào trong ấy không, nhưng nó sẽ nằm ở vị trí đó, dễ thấy nhất, để luôn nhắc tôi rằng tôi đã được nhà chồng chào đón, rồi yêu thương và sẽ mãi là như thế.

Theo phunuonline