Chào chị Hạnh Dung,
Em lấy chồng đã được 14 năm. 14 năm sống chung với anh ấy, em như sống trong địa ngục trần gian. Anh chơi cờ bạc thua lần này đến lần khác, em cũng cố gắng giúp anh bằng cách trả nợ thay.
Nhưng đến giờ anh đã lún sâu không bỏ được. Lần này, giác quan của người phụ nữ mách bảo em anh vẫn đang chơi thua và đang giấu diếm em điều đó. Em lo lắng lắm chị ơi. Chị giúp em với ạ.
|
Ảnh minh họa |
Em Hồng Nhung thân mến,
Không biết đây là lá thư thứ bao nhiêu mà các độc giả nữ hỏi về vấn đề cờ bạc của chồng mình. Đến nỗi mỗi lần nhìn thấy tiêu đề thư là Hạnh Dung thở dài. Thở dài vì xót xa, thông cảm, chia sẻ. Thở dài cả vì... tức giận, trách móc.
Câu chuyện của những bức thư này đều có một điểm rất giống nhau, đó là tất cả những người vợ đều cam chịu, hy sinh, và cố gắng trả nợ giùm chồng. Không biết em đã lấy từ nguồn nào để trả nợ? Từ thu nhập của em, tiền riêng của em? Em đã phải bán nhà cửa, đất đai hay chưa? Tình cảnh kinh tế của em đã tới lúc túng quẫn hay chưa?
Nếu em chưa đến mức như thế, thì Hạnh Dung vừa chúc mừng em, vừa... lo lắng giùm em. Bởi không biết rằng em có ý định tiếp tục trả nợ giùm chồng không? Và em có biết cái viễn cảnh cùng quẫn đang chờ đợi em phía trước hay không?
Không con bạc khát nước nào sẽ dừng lại khi còn có người trả nợ cho mình, em ạ. Còn được cung cấp tiền, còn được tha thứ một cách nhẹ nhàng, còn biết điểm yếu của những người thân là lo lắng, hy sinh cho mình, là họ còn chơi. Là họ còn vay nợ, là họ còn mù quáng nghĩ rằng sẽ có lúc họ gỡ lại được những gì đã thua.
Vậy nên Hạnh Dung chỉ có thể giúp em bằng lời khuyên: em hãy dừng mọi lo lắng chu cấp, trả nợ thay cho chồng lại. Hãy để anh ta tự lo những khoản nợ của mình. Kể cả khi anh ta nói sẽ bị giết, bị tù, bị mất việc... thì đó cũng là cái giá anh ta phải tự trả cho hành động của mình.
Em hãy cố gắng, bằng mọi cách có thể, lo tốt nhất cho mình và con cái. Hãy ngừng xót thương, lo lắng cho kẻ tự hại mình và hại người thân. Chỉ khi nào ở vào đường cùng, may ra anh ta mới tỉnh ngộ.
Hãy yêu thương bản thân và các con của mình nhé. Biết anh ta đang lao xuống dốc, bất chấp sự cố gắng hy sinh của vợ con, mà em vẫn ôm con lao theo, thì sẽ chẳng ai tán thành em đâu. Mà thương hại càng không.
Nghe thì có vẻ nhẫn tâm, phải không em? Nhưng nếu em không cứng rắn và cương quyết, thì khi em ngồi dưới đáy vực sâu, kéo theo cả con cái, ai sẽ là người có thể kéo mẹ con em lên?
Vả lại, người xưa có câu: "Thuốc đắng dã tật". Chồng em đang rất cần những liều thuốc đắng để biết sợ, biết mình sẽ mất gì nếu không tỉnh ngộ. Nếu em thật sự còn muốn cứu chồng, thì hãy cứng rắn lên, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM