Kính gửi chị Hạnh Dung,

Chồng em năm nay 52 tuổi, là phó phòng của một doanh nghiệp vận tải. Mấy tháng nay công ty khó khăn, anh thất nghiệp. Đã tìm việc ở nhiều công ty, nhờ người quen giới thiệu, đi nộp hồ sơ, phỏng vấn, đi quan hệ nhiều nhưng anh vẫn chưa tìm được việc làm mới.

Qua lời anh nói chuyện với bạn bè, em biết anh đã tìm tới những chỗ làm khác lương thấp hơn, công việc cũng không tốt bằng, nhưng người ta vẫn từ chối.

Chồng ở nhà, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nhiều. Lẽ ra anh có thể phụ em nhiều việc, nhưng anh vẫn giữ thói quen cũ: buổi sáng anh ra khỏi nhà, ăn sáng, cà phê với bạn bè. Trong khi đó, em vẫn phải lo chuẩn bị đồ ăn sáng cho 2 con, nhờ người đưa con lớn đi học (người này em phải trả tiền theo tháng), còn em đưa con nhỏ tới trường rồi mới tới chỗ làm.

Buổi chiều cũng vậy, nhiều khi anh còn theo bạn bè ăn ở ngoài, không về nhà ăn tối, hỏi thì anh nói vẫn phải duy trì quan hệ quen biết để tìm việc. Em muốn nói chồng phải thay đổi, phải phụ em, phải tiết kiệm… chứ cứ đi tìm việc theo cách cũ thì chắc cả năm nữa cũng chưa có, nhưng em sợ chồng tự ái.

Vốn trước đây anh là người có vị trí, em chỉ là nhân viên. Hiện em muốn nhận thêm công việc để có thêm thu nhập, nhưng chồng không chia sẻ việc nhà nên em không dám. Em không biết nói sao để chồng thay đổi, xin chị cho em lời khuyên.

Ngọc Đào (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Ngọc Đào thân mến,

Áp lực kinh tế phải được chia sẻ giữa các thành viên thì gia đình mới bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế, khi ông xã thất nghiệp, trụ cột của gia đình yếu đi, bà xã cũng phải khéo léo, tinh tế để vừa gánh vác thêm một phần gánh nặng vừa không làm tổn thương lòng tự trọng của chồng.

Trong lúc này, chồng em đang mặc cảm vì thất nghiệp, đang thất vọng vì lời từ chối của nhà tuyển dụng, đang bế tắc vì chưa tìm được cách giải quyết. Thêm một lời trách móc từ vợ có thể là giọt nước tràn ly.

Điều quan trọng nhất là giữ vững lòng tin vào khả năng của chồng. Lúc này, em cần động viên anh ấy, dù bao nhiêu người ngoài kia không hiểu, em vẫn là người hiểu chồng, tin rằng anh sẽ tìm được công việc phù hợp.

Vợ chồng ở tuổi này thường cũng đã có khoản tiền dành dụm. Đây là lúc phát huy hiệu quả của khoản tiền đó. Em hãy cân nhắc sử dụng một phần tiền tiết kiệm nhằm duy trì sinh hoạt của gia đình, để không khí trong nhà không quá căng thẳng.

Khi mọi sự tạm ổn, vợ chồng hãy cùng nhau bàn tính cho tương lai gần và tương lai xa. Với tương lai gần, em phân tích cho anh thấy bài toán thu chi đang nặng phần chi và nhẹ phần thu ra sao, rồi thử đề nghị chồng phương án khắc phục.

Chẳng hạn như khoản thuê người đưa đón con có thể cắt giảm, để anh phụ trách hay không? Rồi việc nhà anh có thể phụ em làm gì để em tăng ca, làm thêm?

Riêng chuyện ăn uống xã giao bên ngoài, đây là phần sĩ diện, cũng là thói quen của đàn ông, em nên can thiệp khéo léo để anh tự nhận ra cần phải tiết kiệm chứ không phải bấm bụng từ bỏ vì bị vợ “cắt kinh phí”.

Khi chồng bắt đầu biết quan tâm phụ giúp việc nhà, dù chỉ là việc nhỏ, em cũng nên thể hiện sự cảm kích để động viên, khích lệ anh. Tóm lại, lúc này em nên cố gắng giữ được tình cảm gia đình trước áp lực của tiền bạc, đừng để sự thiếu hụt tiền bạc làm cho gia đình lục đục, bất hòa.

Giữ được tình cảm đó, vợ chồng em mới có thể chạm tới những mục tiêu xa hơn, như bàn với chồng đi học thêm kỹ năng mới, chuyển hướng công việc hay thử thêm các cách tìm việc trên mạng internet, mạng lưới tuyển dụng trực tuyến… thay vì chỉ nhờ bạn bè quen biết. Điều cần nhất là đừng chỉ trích, đừng làm chồng mất mặt, chạm tự ái.

Nếu cả hai có thể cùng đồng cảm và chia sẻ áp lực, tình hình có thể được cải thiện, vợ chồng còn hiểu và đồng cảm, gần gũi yêu thương nhau hơn qua thử thách này. Chúc em kiên nhẫn và thành công.

Theo phụ nữ TPHCM