Chị Thanh Tâm thân mến!

Niềm tự hào lớn nhất của vợ chồng tôi là có 2 con trai ngoan ngoãn, mạnh mẽ, biết làm việc nhà, thích chơi thể thao, thỉnh thoảng được giải kỳ thi học sinh giỏi. Vì vậy mà nỗi niềm thèm con gái của vợ chồng tôi được an ủi phần nào, chúng tôi hoàn toàn mãn nguyện. 

Nhưng có một vấn đề làm vợ chồng tôi đau đầu cả tuần nay. Một hôm, chúng tôi vào phòng con trai thứ hai, cháu đang học lớp 11, thì phát hiện trong gầm giường có nhiều túi nilon được thổi căng, khi xì ra thì có mùi thuốc lá nặng mà chồng tôi bảo như thuốc lào. 

Chúng tôi không hỏi con ngay mà lặng lẽ nhờ người theo sát con thì thấy, buổi chiều, giữa ca học chính và học thêm, con và các bạn hay ngồi trà đá vỉa hè và con có hút thuốc lào.

Bố cháu là người không hút thuốc lá, chẳng hiểu thằng bé biết và thử nghiệm món này như thế nào. Vợ chồng tôi kìm nén không hỏi cháu ngay mà về nói chuyện với con lớn, đề nghị hai anh em trao đổi, bảo ban nhau trước. 

Nhưng con trai lớn của tôi lại bảo, "em đang khám phá bản thân, giống như ngày xưa con thích uống bò húc, bố mẹ cản thế nào cũng không nghe". Vì bò húc chỉ là một món đồ uống nên thực sự lúc đó vợ chồng tôi không nghĩ đó là một biểu hiện nổi loạn tuổi dậy thì của cháu.

 Còn hút thuốc lào lại là một điều hoàn toàn khác. Chúng tôi sợ cháu có thể tò mò thử nghiệm những thứ nguy hiểm hơn.

Nguyễn Thị Thu Ba (Hà Nội)

Chào chị Thu Ba!

Tình huống của anh chị là một thử thách trong việc làm cha mẹ, đặc biệt khi con đang ở tuổi dậy thì - giai đoạn nhiều biến động về tâm lý và hành vi. Chị đúng khi không phản ứng ngay tức thì với con. 

Điều này giúp tránh làm cho cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng và tạo rào cản giữa cha mẹ và con. Anh chị cần tiếp tục giữ thái độ bình tĩnh và thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe thay vì chỉ trích, chắc chắn con sẽ mở lòng và dễ tiếp nhận sự hướng dẫn, chỉ bảo hơn.

Việc cháu hút thuốc lào có thể bắt nguồn từ việc tò mò, áp lực bạn bè hoặc mong muốn khẳng định bản thân. Thay vì kết luận con nổi loạn, anh chị hãy cố gắng hiểu lý do đằng sau hành động này. 

Chị có thể hỏi con: "Mẹ thấy gần đây con thử hút thuốc lào. Con có muốn chia sẻ với mẹ điều gì không? Điều gì khiến con tò mò về nó?". Anh chị không nên đưa ra những lệnh cấm hoặc chỉ trích ngay từ đầu vì điều này dễ khiến con phản kháng. 

Thay vào đó, anh chị có thể chia sẻ cảm xúc lo lắng của mình khi biết con hút thuốc lào. Không phải cha mẹ không tin tưởng con, mà sợ rằng thói quen này có thể gây hại cho sức khỏe của con và dẫn đến những điều không mong muốn khác. 

Khi con cởi mở rồi thì anh chị có thể nói chuyện với con về tác hại của việc hút thuốc lá, thuốc lào. Anh chị hãy nhấn mạnh rằng không phải việc tò mò nào cũng tốt và việc thử nghiệm đôi khi có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng.

Để giảm thời gian con tụ tập với bạn bè ở vỉa hè, chị có thể khuyến khích cháu tham gia các hoạt động khác như chơi môn thể thao con thích, tham gia học nhóm hoặc những dự án thú vị ở trường, đơn giản hơn là dành thêm thời gian để cả gia đình cùng ăn tối, trò chuyện để tăng sự kết nối. 

Chị cũng đúng khi nhờ con trai lớn trao đổi với em, nhắc con khuyến khích em chia sẻ cảm xúc và nhấn mạnh rằng việc thử nghiệm không phải lúc nào cũng an toàn. Sau khi cả nhà nói chuyện cởi mở, hãy để con có thời gian suy nghĩ và tự điều chỉnh. 

Nhưng anh chị nên theo dõi sát sao để chắc chắn cháu không bị lôi kéo vào những thói quen nguy hiểm khác.

Ở tuổi dậy thì, trẻ thường mong muốn khẳng định bản thân. Điều này rất cần cha mẹ thấu hiểu. Vì vậy, hãy tạo không gian để con cảm thấy an toàn khi chia sẻ bất cứ điều gì. 

Con đang ở giai đoạn khám phá và học hỏi, những sai lầm nhỏ có thể trở thành bài học cho con nếu được hướng dẫn đúng cách. Điều quan trọng là duy trì mối quan hệ gần gũi và tin tưởng giữa cha mẹ và con.

Thanh Tâm