Tranh cãi về tiền bạc cũng đi kèm nhiều cảm xúc, từ đố kỵ, sợ hãi đến xấu hổ. Để giải quyết các tranh cãi liên quan đến tiền bạc, các chuyên gia tâm lý khuyên mỗi đôi vợ chồng hãy nhìn vào những cảm xúc đằng sau đó để hiểu bản thân và hiểu nhau hơn, từ đó đưa ra cách giải quết phù hợp.
Quyết định tài chính đi lệch hướng
Nhiều đôi vợ chồng cãi nhau vì không có mục tiêu chung về tài chính. Họ ưu tiên những thứ khác nhau, do đó cách tiêu tiền cũng khác nhau. Ví dụ, người này muốn có một kỳ nghỉ sang trọng còn người kia muốn tích cóp mua nhà. Lâu dần, cả hai vợ chồng đều bực bội với nhau.
Giải pháp: Mỗi người hãy dành thời gian suy nghĩ, vạch ra tầm nhìn về tài chính của bản thân, sau đó ngồi xuống và làm điều tương tự với nhau. Lưu ý, hãy làm điều này nhiều lần bởi theo thời gian, các ưu tiên, mục tiêu của bạn cũng thay đổi.
Không tuân thủ mục tiêu nào
Nhiều trường hợp đã thiết lập kế hoạch tài chính và cam kết thực hiện nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Thực tế, suy nghĩ là chuyện đơn giản, hành động để biến suy nghĩ đó thành sự thật mới khó. Khi những kế hoạch đưa ra không được thực hiện, cả hai vợ chồng dễ "tặc lưỡi", dần dần từ bỏ các mục tiêu của mình.
Giải pháp: Hãy đặt mục tiêu cụ thể và ngày tháng hoàn thành. Đừng chỉ nói "hãy tiết kiệm nhiều hơn" mà hãy nói "đến ngày này, chúng ta phải có được từng này tiền" và đưa ra cách thức cụ thể để đạt được mục tiêu đó.
Một người hay "vung tay quá trán"
Vấn đề này thường bắt nguồn từ việc thiếu trao đổi về tài chính. Một trong hai vợ chồng có thể không biết gia đình mình cần chi tiêu và tiết kiệm bao nhiêu, dẫn đến "vung tay quá trán".
Giải pháp: Hai vợ chồng cần đưa ra kế hoạch mua sắm và xem xét lại các khoản đã chi tiêu. Bạn cũng cần đưa ra các giới hạn để cả hai không tiêu quá nhiều tiền mà vẫn đảm bảo tôn trọng quyền cá nhân của nhau. Ví dụ, đưa ra một số tiền nhất định và cho phép nhau tiêu dưới số tiền đó mà không cần hỏi ý kiến. Nếu giao dịch vượt quá số tiền đó, hai vợ chồng phải trao đổi trước với nhau. Đừng quên thường xuyên theo dõi chi tiêu để đảm bảo mục tiêu này được thực hiện. Hơn nữa, sự thay đổi phải đến từ cả hai phía
Niềm tin cổ hủ về tiền bạc
Thời nay, vẫn nhiều phụ nữ tin rằng đàn ông phải lo chuyện tiền bạc nên không tự chuẩn bị tài chính cho mình. Vì niềm tin cổ hủ này, không ít đôi tình nhân từ chối nói về tiền, dẫn đến sự chủ quan về tài chính. Kết quả, đến lúc kết hôn, họ gặp khó khăn trong việc quản lý tiền và dễ cãi vã.
Giải pháp: Ngay từ khi còn hẹn hò, các đôi tình nhân hãy trao đổi với nhau quan điểm về tiền cũng như các trải nghiệm liên quan đến tiền. Hãy thử xem gia đình bạn suy nghĩ thế nào về tiền và xem những suy nghĩ đó ảnh hưởng tới bạn như thế nào. Những cuộc trò chuyện này sẽ giúp hai người tìm ra những điểm chung và hướng đi phù hợp để đạt được các mục tiêu tài chính trong tương lai.
Chỉ có một người giải quyết các vấn đề tài chính
Trong nhiều gia đình, một trong hai vợ chồng có thể không giỏi tính toán nên để toàn bộ việc quản lý chi tiêu cho người kia gánh vác. Đây chưa chắc đã là điều tốt bởi một mình quản lý chi tiêu cho cả gia đình rất dễ gây stress và kéo theo cảm giác hậm hực bạn đời, cho rằng mình phải làm quá nhiều.
Giải pháp: Chìa khóa là giao tiếp. Đừng ngại nói ra lo lắng của mình về vấn đề tài chính và yêu cầu sự hỗ trợ từ bạn đời nếu cần.
Theo vnexpress