leftcenterrightdel
 Con gái tôi không thích các bạn xì xào về mình (ảnh minh họa)
Một bà mẹ kể chuyện cô con gái nhỏ. Vào năm học lớp Bốn, một hôm đi học về bé thỏ thẻ với mẹ rằng rất thích làm… tổ trưởng. Thấy nguyện vọng của con cũng chính đáng, bà mẹ liền ghi vào phiếu liên lạc nhờ cô giáo chủ nhiệm xem xét, nếu thấy cháu có khả năng thì cho cháu làm tổ trưởng. Và thế là năm học đó, cô bé được làm tổ trưởng, làm rất tốt, được cô giáo chủ nhiệm tín nhiệm.

Tuy nhiên, đầu năm lớp Năm, bà mẹ rất ngạc nhiên khi thấy con gái từ chối chức tổ trưởng do các bạn đề nghị và trông cháu có vẻ buồn buồn. Hỏi mãi bé mới nói: “Con thích làm tổ trưởng, nhưng con không chịu được các bạn nói xấu sau lưng con”.

Bà mẹ ngạc nhiên lắm: “Sao con biết các bạn nói xấu sau lưng?”. Cô bé trả lời: “Hôm bữa xếp hàng, con thấy mấy bạn xầm xì rồi nhìn về phía con”.

Bà mẹ hỏi tiếp: “Nhưng sao con biết các bạn ấy nói xấu con?”. Cô bé khẳng định: “Nhìn cái miệng các bạn ấy nói con đoán biết ngay!”. Bà mẹ bật cười, nhưng rồi chợt nghĩ, có thể bằng một cảm giác nhạy bén nào đó, con mình đoán ra, hay cũng có thể nó nghe lời xầm xì râm ran từ trong đám bạn bè.

Chỉ là chuyện trẻ con, tuy nhiên, từ câu chuyện này dễ khiến liên tưởng đến tính "buôn chuyện" và thích bàn luận sau lưng người khác của con người. Nói cách khác đó là những thông tin mà nhân vật chính thường không được nghe (nếu có chỉ là nghe nói lại). Những thông tin kiểu này, nhiều khi vô tình gây nên những hệ luỵ mà có thể người nói ra (đôi khi một cách vu vơ) không nghĩ đến tác hại của nó.

Thói "buôn chuyện" hay thói nói xấu nhau hình thành từ rất bé, khi con người bắt đầu biết suy nghĩ. Người ta thấy, cứ có 2-3 người ngồi với nhau lập tức sẽ có chuyện nói về người khác.

Một đặc điểm nữa của "buôn chuyện" là nhiều khi vì những phát biểu vu vơ, tưởng là vô hại đối với ai đó, khi đến tai một ai đó lại được thổi phồng lên và thành có hại.

Thật ra, "buôn chuyện" sẽ tích cực nếu đó là những thông tin bổ ích cần thiết cho công việc hay muốn tìm hiểu về người khác và thậm chí là tìm hiểu ngay chính người đang nói chuyện với mình chẳng hạn. Đó là "buôn chuyện" biết chọn lọc, thông tin nào cần thiết hay không cần thiết, thông tin nào cần quan tâm, thông tin nào vô bổ. Đây là điều rất khó, phải là người bản lĩnh lắm mới phân biệt và chọn lọc thông tin bổ ích cho mình.

leftcenterrightdel
Nói chuyện, chia sẻ thông tin tốt là điều tích cực (ảnh minh họa) 

Có điều khôi hài thế này: Thường khi 2 người phụ nữ xầm xì to nhỏ, nếu là chuyện “bí mật” sẽ luôn được bắt đầu thế này: “Kể nghe biết vậy thôi nhé, đừng kể với ai”. Người đối diện do rất muốn được nghe liền đưa tay xin thề: “Không kể với ai đâu!”. Và thế là câu chuyện bí mật kia sẽ được loan truyền nhanh nếu đó là tin sốt dẻo, là câu chuyện tiếu lâm hay thông tin về một nhân vật nào đó mà ai cũng chú ý, muốn biết…

Giờ đây, khi có những công cụ Messenger, Zalo, Viber… không cần tụ tập, gặp nhau cũng "buôn chuyện" được khắp thế giới. Lập nhóm, inbox riêng tư, rỉ tai nhau những câu chuyện mà thật ra nó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của cá nhân ai trong nhóm. Thậm chí có người còn tự hào rủ nhau cùng “tám chuyện” từ văn hóa nghệ thuật, du lịch đến chuyện riêng tư bạn bè…

Ông bà xưa dặn dò (có lẽ ông bà biết rằng con cháu luôn thích "buôn chuyện"): “Chuyện nghe đâu bỏ đó, đừng nói đi nói lại đâm phiền!”. Và, người xưa kết luôn: “Họa từ miệng mà ra” , hay bên trời Tây họ cũng đúc kết rằng 3 thứ trên đời này không bao giờ lấy lại được là tên đã bay, lời đã nói và thời gian đã qua.

Rõ ràng, ở thời buổi mà thông tin là một tài sản đặc biệt thì việc chia sẻ là cần thiết… Thậm chí nhiều cha mẹ cho rằng con cái hoạt bát mới thành công. Thế nhưng, học nói cũng khó ngang bằng với học ăn, học ở. Biết nói rồi chưa chắc đã nói hay, không làm mất lòng người khác. Thì thôi, khi chưa đạt đến mức cao thủ võ lâm “khéo ăn khéo nói” thì hãy nói chầm chậm và chọn lọc trước khi nói. Người xưa cũng đã dặn kỹ rồi đó, ráng mà uốn lưỡi mấy lần (không yêu cầu đủ đến 7 lần đâu), bởi lời nói đôi khi vô tình mà thành chủ ý có hại cho ai đó...

Theo phụ nữ TPHCM