Ngày chưa lấy nhau, Khải - chồng tôi - đã nhờ tôi xin việc cho em và cháu của anh. Thật ra thời nay kiếm việc không quá khó. Nhưng em và cháu chồng không thích làm việc gần nhà, mà muốn đi xa vào thành phố lớn để… mở mang.

Mở đâu không thấy, 2 cậu trai vào ở lì trong phòng trọ của Khải cày game, chê chỗ này lương thấp, chỗ kia môi trường làm việc khắt khe. Đứa cháu mới tốt nghiệp cấp III còn yêu cầu làm bàn giấy hay văn phòng, chứ không làm việc tay chân. Mới làm 3-4 ngày chúng đã bỏ việc than khổ than nóng than mệt, tôi lại phải tìm việc khác, vì không thể để chúng ở nhà mãi. 

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

 

Khi chúng tôi kết hôn, về cùng một nhà, chuyện tìm việc cho con cháu trong họ dường như thành trách nhiệm của tôi. Khải cũng biết chuyện tôi không vui, nhưng anh chỉ nói tôi cố gắng nhờ anh em bạn bè xem sao, ngày chúng tôi cưới, cha mẹ lũ trẻ đã lặn lội từ quê vào dự. 

Không chỉ, tôi còn mệt vì chuyện bà con nhà nội mượn tiền. Hết cậu ruột đến dì ruột chú ruột, người mượn chục triệu đồng để đảo cái mái ngói vì sắp vào mùa mưa, người mượn mua xe cho con đi làm, người mượn sửa lại nhà... 

Thật ra mà nói, chồng tôi hiền lành, chịu khó. Là dân tỉnh nên anh cũng chắt chiu dành dụm, nhưng anh dành bao nhiêu gửi bố mẹ bấy nhiêu. Hồi đám cưới, anh hỏi bố mẹ số tiền hàng tháng anh gửi về, ông bà nói dùng hết rồi, Khải cần thì ông bà đi mượn rồi trả lại sau.

Tôi tính nói Khải đừng làm phiền ông bà, tiền đám cưới tôi có thể lo được, nhưng bố mẹ tôi không đồng ý. Bố mẹ tôi nói ít nhất thì chi phí bên nào bên đó chịu, nhà tôi không đòi thêm là tốt lắm rồi.

Cưới xong, 2 đứa còn nợ một ít nên phải dành dụm trả nợ. Cũng may chúng tôi không tốn tiền thuê nhà vì bố mẹ tôi lấy lại căn hộ cho thuê để 2 đứa ở.

Chiều nay đi làm về, Khải hỏi nhà còn bao nhiêu tiền, phải gửi bố mẹ một ít. Tôi nói chỉ còn mấy triệu đủ chi phí tháng này. Tôi ngạc nhiên vì tháng trước và tháng trước nữa, Khải cũng hỏi tiền gửi về. Có khi nào có vợ rồi mà Khải vẫn phải gửi tiền về như ngày trước?

Lúc nấu cơm tôi nghe Khải gọi điện cho ai đó mượn tiền, anh còn nhắc đến căn hộ chúng tôi đang ở, nói nhà là của cha mẹ tôi, không phải nhà anh. Tôi nói nếu anh không muốn mang tiếng ở nhờ thì trả tiền thuê nhà cho bố mẹ hoặc ra ngoài thuê nhà ngoài ở, anh quyết sao tôi theo vậy. 

Anh nói tôi đang lấn lướt và coi thường anh cùng gia đình anh, anh không có quyền quyết định chuyện gì. Tôi làm anh khó xử và mất mặt với gia đình họ hàng. 

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

 

Khải nói tôi là con một, sinh ra và lớn lên ở môi trường thành phố, họ hàng ở xa, láng giềng lạnh nhạt không lui tới nên không hiểu cuộc sống ở làng quê. Ngày anh còn bé, gia đình khó khăn, cô bác họ hàng người cho củ khoai, người cho con cá… Họ nhìn anh lớn lên nên giờ anh đâu thể từ chối khi họ nhờ.

Tôi thì chỉ thấy chồng cả nể. Người ta làm gì cho mình thì nhớ như in và luôn miệng nhắc ơn nghĩa. Dì cậu vào dự đám cưới, tôi mua vé tàu xe, mua áo quần giày dép và tặng quà mang về, chi phí ăn ở đều lo...

Tôi nghĩ Khải không nhất thiết cứ phải ghim trong lòng những ơn nghĩa đó. Có mang ơn hay không, tôi vẫn giúp mọi người trong khả năng, nhưng với vấn đề tiền bạc thì tôi từ chối, vì tôi muốn dành dụm mua nhà trả góp.

Cả buổi tối thấy anh nói chuyện điện thoại với mẹ chồng, hy vọng anh bớt cả nể và nói rõ kế hoạch dành tiền của chúng tôi với ông bà, để mai này không vướng lời ra tiếng vào.

Theo phụ nữ TPHCM