Chị Hạnh Dung kính mến,

Em đang gặp chuyện rất bối rối trong gia đình, không biết làm sao xử lý cho êm xuôi. Em có người chồng rất tốt, rất đàng hoàng, là người chồng điểm 10 theo đánh giá của bạn bè. Anh làm ra tiền, luôn chăm sóc vợ con, thích làm việc nhà, nấu ăn, sửa chữa, dọn dẹp...

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó, anh lại là người kỹ tính đến mức khó chịu. Anh nề nếp, chỉn chu và cũng không chấp nhận được lối sống phóng khoáng, bừa bãi của người khác.

Trong nhà em lại có một cậu em trai tính tình đúng như anh ghét, phóng khoáng, bừa bãi, bạt mạng. Dù cậu cũng là người tốt, nhưng lại có nhiều tính xấu mà chồng em không chấp nhận được.

Tuy nhiên, vì đó là em trai em, nên chồng em ráng bỏ qua và chỉ im lặng, giao tiếp cũng không nhiệt tình với em ấy. Rồi gần đây, khi em trai em bỏ vợ, một năm sau đưa về nhà một cô gái chung sống như vợ chồng, thì chồng em bắt đầu phản ứng ra mặt.

Cô gái nhìn thoáng qua cũng có thể biết nghề nghiệp trước đó là gì, qua cách trang điểm và ăn mặc. Tất cả những gì cô ấy thể hiện đều khiến chồng em khó chịu. Nhưng gia đình em thì lại mừng, vì từ khi có cô gái này, em trai em trở nên đàng hoàng, biết lo toan, gánh vác hơn.

Quen nhau một thời gian, 2 em mua nhà và chính thức sống với nhau. Hôm tân gia, em rủ chồng đi, nhưng anh từ chối. Cho đến sau vài lần đám giỗ, họp mặt gia đình, anh đều không tham dự, em bèn hỏi thẳng và nghe câu trả lời lạnh lùng của anh: "Loại đó không cùng bàn với anh".

Anh còn chỉ trích "loại phụ nữ" như thế và tỏ ra không chấp nhận cô ấy vào gia đình em, và tỏ ra thân thiện với em dâu cũ. Dần dần cả gia đình em cũng nhận ra sự vắng mặt thường xuyên của anh trong các sự kiện gia đình, và thái độ của anh với "vợ chồng" em trai.

Em nên làm gì để chồng em cư xử bình thường với em trai và người phụ nữ nó đang chung sống? Chứ như bây giờ, em thật sự thấy ngại ngùng và khó xử trước tất cả mọi người trong nhà.

Thanh Lam

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Bạn Thanh Lam thân mến,

Ông bà thường nói "Bàn tay có ngón ngắn ngón dài", anh em trong nhà cũng vậy, mỗi người một tính nết, có nghĩa là mỗi người một cuộc đời, một số phận, không ai giống nhau được. Nhưng dù gì đi chăng nữa, thì những ngón tay cũng là của chung một bàn tay. Nghĩa là dù có khác nhau bao nhiêu đi chăng nữa, thì điều quan trọng là vẫn yêu thương nhau, đùm bọc và đoàn kết với nhau.

Bạn có thể giải thích được điều này cho ông xã không? Bạn có thể nói với anh rằng, cậu ấy có thể không phải là ngón tay trên cùng bàn tay anh, nhưng với em, thì cậu ấy mãi mãi là ngón tay của gia đình em. Tình anh em không thể nào bỏ đi được.

Hãy nói với anh ấy rằng, nếu yêu thương và hiểu cho em, thì anh có thể góp ý được gì thì góp ý, còn không được thì hãy bỏ qua những điều khó chịu đó. Anh chỉ cần nhìn vào một điều duy nhất: làm cho vợ mình được bớt phần khó xử với gia đình.

Hơn thế nữa, sống trên đời sống nhiều sự phức tạp, tốt nhất là không phán xét ai bằng những cách sống, quan niệm sống của riêng mình. Với người em đó, cách sống ấy với cậu là thoải mái, và nếu nó chẳng làm ảnh hưởng đến ai, không làm hại đến xã hội... thì chẳng có cớ nào để bài xích cậu ấy.

Việc gia đình cậu ấy cũng là chuyện riêng của cậu ấy. Người vợ mà chồng em thấy tốt có khi lại có những điều không phù hợp. Người phụ nữ mới lại mang đến cho cậu ấy hạnh phúc và khiến cậu thay đổi tốt hơn, sao ta lại phản đối?

Cái cách chồng em nhận xét: Không ngồi cùng bàn... thật sự chỉ thể hiện một sự định kiến nặng nề và khó chịu. Con người ta xét ở một lẽ công bằng nào đó, đều đứng ngang nhau trong xã hội. Thậm chí, một người từng có nghề nghiệp không đàng hoàng, cuộc sống sai lầm... vẫn có quyền được yêu thương và tôn trọng, khi họ đã quyết tâm thay đổi mình. Không cho người khác cơ hội làm lại, chọn lựa cuộc sống tốt hơn, là sự ích kỷ và nhỏ hẹp.

Tất cả những điều đơn giản như vậy, em có thử trò chuyện và nói lý lẽ với chồng hay chưa? Một người "tốt" như em nhận xét, lẽ nào lại không có một tấm lòng cởi mở và bao dung hơn?

Nếu em đã từng cố gắng mà không thành công, thì chỉ còn một cách duy nhất: cái gì khó quá thì... bỏ qua. Việc anh ấy suy nghĩ và muốn hành xử như thế nào, thực chất chỉ ảnh hưởng lên anh ấy đầu tiên. Nó làm cuộc sống anh ấy bị bó rọ, làm anh ấy bị mất đi một vài người thân mà đáng ra anh ấy cũng có.

Em cũng chẳng việc gì phải thanh minh, giải thích về cách cư xử của chồng em với mọi người trong gia đình. Hẳn là mọi người cũng tự hiểu mà thôi. Em hãy cứ yêu thương và gắn bó với những người thân của mình. Thời gian sẽ làm người ta phải suy nghĩ lại và nhận biết điều sai của mình, nếu tất cả xung quanh đều đúng.

Theo phụ nữ TPHCM