Chị Hạnh Dung thân mến!

Vợ chồng em đến với nhau khi cả hai đều trải qua mất mát đổ vỡ. Em ly hôn, còn chồng em thì vợ mất để lại cho anh ấy 1 cô con gái 15 tuổi. Em rất thương con bé vì nghĩ con thiệt thòi, và em luôn cố gắng gần gũi, uốn nắn con như con đẻ của mình.

Nhưng không vì thế mà em đáp ứng mọi yêu cầu của cháu, bởi vậy em rất khó chịu khi bố cháu chiều cháu vô điều kiện. Năm nay cháu vào lớp 10, độ tuổi của cháu đã có thể tự lập và giúp gia đình được rất nhiều việc, nhưng chồng em lại không nghĩ vậy, làm gì anh ấy cũng sợ con mệt.

Cháu phơi quần áo cũng không để cháu làm một mình. Về quê em chơi, mang theo nhiều đồ em không mang được hết, nên bảo cháu xách ba lô quần áo của cháu, bố cháu cũng bảo nặng nó xách sao được. (Trong khi con của em mới lớp 4 đã phải làm nhiều việc hon như thế).

Không những vậy, chồng em còn rất chiều con. Anh đáp ứng tất cả những gì con muốn, dù đắt hay rẻ, dù mệt mỏi cỡ nào, chỉ cần con muốn, anh ấy cũng sẽ mua, sẽ làm. Một bộ truyện có giá lên tới 800.000-1.000.000 đồng, anh cũng sẵn sàng mua cho con.

Điều đáng nói là không phải chỉ mua 1-2 bộ, mà trên giá sách của cháu có khoảng 50 bộ như thế. Ngoài những việc đó ra, anh cũng không chú tâm uốn nắn con lời ăn tiếng nói. Cháu thường xuyên nói trống không với người lớn, ăn uống thì cứ bắt đầu ngồi xuống mâm là cháu chê món này nhạt món kia mặn (mặc dù cháu vẫn ăn rất nhiều), rồi dùng đũa gảy từ trên xuống dưới. Khi người lớn nói chuyện cháu luôn nói chen ngang và hỏi đủ điều.

Khi em góp ý, thì bố cháu lại nói cứ để rồi lớn lên chút nữa con sẽ hiểu, sẽ thay đổi. Em biết là cháu mất mẹ nên thiệt thòi, có gần gũi bố cũng là điều dễ hiểu. Nhưng em rất khó chấp nhận được việc hai bố con gối đầu lên đùi, ôm ấp, bế cõng, thậm chí là hôn má nhau.

Em nói với chồng em là con gái lớn rồi, nên giữ khoảng cách, mình thương con nhưng không nên như vậy… Nhưng chồng em vẫn bỏ ngoài tai. Làm bất cứ việc gì cho em, anh ấy cũng hỏi ý kiến con gái anh ấy. Nếu cháu đồng ý thì anh làm, còn không thì anh mặc kệ không để ý đến cảm xúc của em.

Vợ chồng em mới đăng ký kết hôn, nhưng chưa làm lễ cưới. Cháu đã có lần nói với em rằng "cô và bố cháu chưa cưới nhau thì cô chưa phải vợ bố cháu". Khi em nói với chồng là em muốn làm đám cưới, thì chồng bảo con không đồng ý.

Thật lòng em rất muốn được làm vợ một cách trọn vẹn, được biết cảm giác đeo chiếc nhẫn cưới trên tay là như thế nào, nhưng một ngày chồng em còn xem ý kiến của con là trên hết, thì mong muốn của em mãi mãi sẽ không thể thực hiện được. Em rất buồn, xin chị cho em một lời khuyên.

Thúy Phạm

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Thúy Phạm thân mến,

Một trong những cảnh gia đình mà mọi người cho là rắc rối, phức tạp, khó khăn nhất chính là cảnh "con anh, con em, đánh con chúng ta". Em giờ đã có phần nào cảnh đó với hai đứa con riêng của hai người rồi. Và khéo tương lai sẽ có trọn vẹn cảnh đó nếu em và chồng sinh con, mà không cùng ngồi lại trò chuyện, thống nhất với nhau về cách nuôi dạy con anh, con em và con chúng ta.

Chị thông cảm một điều với em là em đang gặp khó khăn rất lớn. Bởi vì, không giống như con em mới chỉ học lớp 4, còn nhỏ, còn biết nghe lời; con riêng của chồng em đang vào cái tuổi ẩm ương, khó chịu, khó dạy bảo, dễ tự ái, dễ nổi loạn.

Với một cô bé như vậy, lại gặp hoàn cảnh mất mẹ thiệt thòi, em và cô bé sẽ vô cùng khó khăn để có thể hiểu nhau, hòa hợp nhau, chấp nhận nhau, chứ đừng nói là thương yêu nhau. Nhất là khi, theo cách em kể, cô bé đó rất gần gũi, thân thiết với bố. Và như vậy, chắc chắn cô bé ấy sẽ chống lại việc san sẻ bố, nhường bố cho một người phụ nữ khác.

Với một hoàn cảnh như vầy, Hạnh Dung nghĩ là em đừng nên tìm mọi cách tác động trực tiếp, đặt những yêu cầu, mong muốn của mình một cách áp đặt vào cô bé. Cũng không nên làm khó chồng mình vì những mong muốn chủ quan của mình. Bởi, những điều em thích hay không thích, chưa chắc đã là đúng. 

Giả dụ như việc chồng em mua sách cho cô bé, nếu cô bé thích đọc sách đến như vậy, thì việc chồng em có đủ khả năng mua và mua cho cô bé, dù có là bao nhiêu cuốn, cũng không có gì là sai. Thời buổi này, một đứa trẻ thích đọc sách, quả là điều đáng mừng nữa là khác.

Em nói rằng em không đáp ứng mọi điều kiện của bé, nếu nó vô lý, Hạnh Dung tán thành. Nhưng sau đó, em dùng từ uốn nắn bé, nghe thật nặng nề. Nếu chủ đích đó của em không kín đáo và thiếu tế nhị, em gặp phản ứng của bé là điều đương nhiên. Thêm vào đó, chưa gì em đã so sánh giữa con em và con anh, rằng con em phải làm này làm kia, con anh thì thế kia thế nọ, Hạnh Dung nghĩ đó là một điều hoàn toàn không nên vào lúc này.

Điều em cần làm hiện nay chưa phải là uốn nắn, dạy dỗ bé, mà hãy làm sao cho cả hai hiểu nhau, mở lòng với nhau, trò chuyện, tâm sự, chia sẻ được với nhau đã. Và tác động của em vào bé phải được tiếp nhận một cách tự nhiên và tình cảm, chứ không phải là sự áp đặt của người lớn hay thông qua bố cô bé.

Ngay cả chồng em, em cũng đừng cố gắng thay đổi anh ấy theo cách mình muốn, như lại nhờ sự bắt buộc, cằn nhằn, khó chịu, thậm chí lên án, trách móc, phê phán họ. Em sẽ thất bại nếu dùng cách này. 

Hãy tìm cách bước vào cuộc sống của nhau, gần gũi, trò chuyện, chia sẻ với nhau trước. Với chồng, em cũng phải có những tâm sự, bàn bạc, thống nhất với cách dạy dỗ cả hai đứa trẻ, chứ không chỉ là con anh. Không chỉ con gái anh cần một người mẹ, mà con trai em rồi cũng sẽ tới lúc cần sự dìu dắt, chỉ dẫn của một người cha.

Làm sao để có được những yêu thương chung, quy tắc chung, chỉ dẫn chung để tất cả cảm thấy mình là một gia đình, mình đang không bị phán xét, chỉ trích, chê bai, mà là được chiều chuộng, yêu thương và giúp đỡ.

À, có thể em sẽ phản ứng với hai chữ "chiều chuộng" Hạnh Dung dùng ở đây. Nhưng Hạnh Dung luôn nghĩ: trẻ em là để được yêu thương và chiều chuộng. Đứa trẻ nào lại không thích được chiều chuộng. Chiều chuộng không sai, nếu biết liều lượng, mức độ. Khi đứa trẻ cảm thấy mình được yêu thương và chiều chuộng đúng cách, nó sẽ muốn làm chúng ta - những người mà nó nghĩ là cha mẹ của nó - được vui lòng.

Theo phụ nữ TPHCM