Chị em mơ hoàng tử. Mày râu mơ giai nhân. Rốt cuộc, người chúng ta lấy phải thường chỉ là một gã đàn ông hay một người nội trợ. Bi kịch là, giữa những hỷ - nộ - ái - ố trong đời sống, hôn nhân có khi là lời ru ngủ mỗi người. Chỉ chồng mình, vợ mình là hoàng tử, là giai nhân. Cứ thế cho lành lặn, cho tự hào, cho đi về mãi mãi có nhau. Và chớ bao giờ rơi vào hai tình huống dưới đây.
Coi chừng ảo tưởng về hôn nhân
|
Ảnh minh họa từ internet |
Nhiều năm trước khi cưới vợ, Nguyễn Quang Tuyến (quận 3, TPHCM) luôn mơ về cuộc hôn nhân tuyệt vời với người anh yêu. “Tụi tôi sẽ thức dậy, ăn, ôm ấp, ngủ thêm, ôm một chút nữa, rồi đi dạo vòng vòng. Ngày qua ngày, tôi ước ao như vậy. Cuối cùng, giấc mơ của tôi cũng thành sự thật. Nhưng mà…”, anh chia sẻ.
Cả hai bị lôi tuột ra khỏi những tưởng tượng của mình khi có đứa con đầu tiên, rồi đứa thứ hai, thứ ba. Họ không còn có nhu cầu đi cà phê cùng nhau, không thể ngủ thêm vào các ngày cuối tuần, không có cách nào ngồi xem trọn vẹn một bộ phim, một cuốn sách mà không “xảy ra chuyện”.
Có những đêm mệt mỏi đến mức người này còn không nghe được tiếng chúc ngủ ngon của người kia.
“Hồi đó, tôi hay ngạc nhiên sao người ta lại không hạnh phúc với người bạn đời? Điều đó có vẻ dễ dàng với tôi và tôi tin chắc mình sẽ hạnh phúc mãi mãi với công thức cứ cư xử tốt trong hôn nhân”, anh Tuyến viết trong tin nhắn khi chúng tôi hỏi thăm về 15 năm anh sống đời vợ chồng.
Cũng giống như giấc mơ được sở hữu một căn nhà, giấc mơ hôn nhân của anh không diễn ra như mong đợi dù chị nhà là một người phụ nữ tuyệt vời. Chị chăm chỉ, tình cảm. Tuy nhiên, dù anh chị vẫn trung thành với “công thức” tôn trọng và cư xử tốt với nhau, nhưng những điều tưởng tượng đẹp đến nỗi khiến cả hai quá hụt hẫng với thực tế và không thể sẵn sàng tách mình ra khỏi nó.
Dù rằng người thân, hàng xóm ai cũng thấy họ đang có một cuộc sống tốt đẹp bên nhau, nhưng bản thân họ lại không thỏa mãn nếu chiếu theo giấc mơ. Anh thú nhận, ảo tưởng trong hôn nhân khiến chúng tôi không còn nhận ra những hạnh phúc giản dị. Ví dụ, chỉ cần dừng lại mọi thứ để dành thời gian cho nhau.
Khi trao đổi với các bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới, về hôn nhân, chúng ta dễ nhận thấy những trường hợp như vợ chồng anh Tuyến là không ít. Họ luôn mong đợi hôn nhân là một cuốn phim lãng mạn, cảm xúc. Họ tưởng tượng hôn nhân là một cuộc hẹn hò không bao giờ kết thúc theo như những gì mà các phương tiện truyền thông đã mô tả.
Ít ai ngờ rằng, hôn nhân không phải là một chuyến dã ngoại. Nó không bao giờ hoàn hảo như chúng ta hình dung trong giấc mơ của mình.
Thế nhưng, nếu hiểu rằng vợ chồng là đôi bạn đồng hành tựa vai nhau cho một chuyến đi dài mỏi mệt, bạn sẽ thấy vui hơn và được an ủi hơn. Nếu cả hai cùng thấu hiểu thì hôn nhân không bao giờ rơi vào cơn “sốc nhiệt” trước những tưởng tượng không có trong hiện thực.
Trường hợp như anh Tuyến còn ở mức “độ cay” thấp, bởi dù sao người bạn đời vẫn OK! Rất nhiều cặp vợ chồng đã vỡ mộng khi nhận ra: chả có ai người là người phù hợp 100% và mãi mãi cả. Những tưởng tượng về hôn nhân, những kỳ vọng đến đây có thể là ác mộng.
Hôn nhân đâu phải “một thoáng… livestream”
“Lấy vợ/chồng là chọn mẹ/ba cho con mình” - điều căn bản các cụ thường dạy bảo, thời chúng ta lại hay quên! Nó thể hiện qua thái độ thiếu trách nhiệm khi người ta đến tuổi lập gia đình; dễ dãi, hời hợt trong chuyện dựng vợ, gả chồng.
|
Ảnh minh họa từ internet |
Chúng ta đều đã đọc từ các thế hệ đi trước rằng việc kết hôn với một ai đó là do sắp đặt của người lớn. Truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vốn đã không còn duy trì trong xã hội hiện đại, thế nhưng, giờ thì ta đã có thể hiểu tại sao những cuộc hôn nhân của ông bà, cha mẹ lại thường viên mãn đến phút cuối cùng.
Có lẽ, nền nếp gia đình và bóng dáng “bàn tay” người lớn trong các cuộc hôn nhân ngày xưa đã là một bước sàng lọc có trách nhiệm “chọn mặt gửi vàng” cho con cháu.
Bây giờ, tự do tìm hiểu, thậm chí sống thử, nhưng nhiều cặp đến cận ngày cưới vẫn chưa hề có ý niệm gì về một kế hoạch dài hơi để xây dựng tổ ấm trong tương lai. Họ thường chỉ chú tâm cho những tính toán chi ly trong lễ cưới, tiệc rượu và sự xuất hiện rình rang trước bà con, thiên hạ.
Những “đám cưới 4.0” vừa livestream chưa “ráo like”, thì cũng vừa kịp banh tuồng. Chưa kể, chuyện có cậu ấm, cô chiêu ngày mai bước lên xe bông, hôm nay vẫn đỏ đen nơi trường gà hay quần quật trong sới bạc. Tất cả nghe có vẻ “tiểu thuyết xã hội” nhưng ít nhiều tồn tại trong xã hội hôm nay.
Phần đông còn lại, ngay cả lớp trí thức trẻ, lại thiếu một trách nhiệm lớn hơn khi không xét đến thực tế mỗi con người đều có lý tưởng khác nhau. Đừng quên rằng, quyết định chung sống với ai đó nghĩa là chúng ta đang chia sẻ quan điểm sống với người ta.
Nhiều đôi uyên ương yêu nhau nhưng chưa từng nghĩ đến những điều rất cơ bản cho cuộc sống hôn nhân của mình. Bạn có sẵn sàng tránh “trò chơi đổ lỗi” vẫn thường xảy ra trong đời sống lứa đôi? Bạn có chấp nhận sai sót của người khác và nỗ lực cải thiện bản thân và động viên, an ủi nhau trong mọi tình huống bế tắc?
Thay vì trở thành gánh nặng của nhau, điều nên làm là cả hai phải hỗ trợ lẫn nhau? Bạn có sẵn sàng tránh áp đặt quyền sở hữu trên cuộc sống của người bạn đời? Lạ lẫm với những gợi ý này, chứng tỏ bạn đang còn thiếu trách nhiệm!
Trách nhiệm trong hôn nhân còn đòi hỏi điều tốt nhất chúng ta nên làm cho nhau là tránh xa mọi tranh cãi. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp chúng ta tránh lãng phí năng lượng của từng người.
Một cách chịu trách nhiệm khác đó là không cho phép những tiêu cực hoặc sai sót của bản thân ảnh hưởng đến người bạn đời của mình.
Bên cạnh nỗ lực nhiều hơn để hâm nóng mối quan hệ hôn nhân từng ngày, vợ chồng cũng cần ý thức chia đều trách nhiệm cho nhau nhằm giúp giảm căng thẳng và các áp lực của cuộc sống.
Nhiều người trượt dài trong hôn nhân vì họ không đủ bản lĩnh để thực hiện cam kết lâu dài về trách nhiệm với con cái và người phối ngẫu. Có người sa vào hôn nhân để “khắc phục” hay trả thù một đổ vỡ trước đó lại càng tệ với bản thân và người khác hơn.
Những vấn đề, dẫn chứng trên để thấy rằng, nếu ta đang rơi vào hoặc chưa ý thức đủ trong mối quan hệ hiện nay, thì bạn hãy chậm lại, xem xét kỹ lưỡng hơn về quyết định hôn nhân. Trong trường hợp “ván đã đóng thuyền”, bạn hãy sẵn sàng thay đổi.
Trách nhiệm với đời sống gia đình cho chúng ta thấy cả hai thái cực quá kỳ vọng vào hôn nhân hoặc ngược lại không thèm mảy may quan tâm vun đắp hạnh phúc gia đình, đều đưa đến những thương tổn không thể cứu vãn. Tất cả đều là thái độ vô trách nhiệm với bản thân và người khác.
Một lần nữa, xin chậm lại hoặc tỉnh táo ngoảnh lại, bởi biết đâu ta đang xây ngôi nhà trên cát một cách vô thức!?
Theo phunuonline.com.vn