Đang mệt mỏi vì công việc không thuận lợi, thu nhập giảm mà giá cả tăng chóng mặt, tôi lại nhận được điện thoại của anh trai. Anh thông báo: “Bố mẹ tính tuần sau đi du lịch Phú Quốc, chú lo một nửa chi phí gửi về nhé”.

Tôi bất ngờ hỏi: “Tháng trước bố mẹ mới đi chơi rồi mà, giờ lại đi nữa hả?”. Anh ậm ừ bảo: “Thì chú biết tính bố rồi đó, giờ biết phải làm sao. Anh cũng đang kẹt tiền, tháng sau chị sinh cháu nữa. Thôi thì gắng mỗi đứa một ít chứ ông bà già rồi, sau này lại hối hận”.

Tôi hiểu suy nghĩ của anh trai nhưng thấy bất lực với sự đòi hỏi từ bố mẹ mình.

leftcenterrightdel
 Nếu như cuộc sống khá giả, tôi chẳng tiếc gì nhưng gánh nặng gia đình trên vai làm tôi bế tắc trong khi bố mẹ liên tục đòi hỏi. (Ảnh minh họa)

Nhà tôi có hai anh em trai đều tay trắng lên thành phố lập nghiệp. Bố mẹ ở quê buôn bán thịt heo đủ chi tiêu, không cần con cái chu cấp. Nhưng bố có tính sĩ diện, thấy người ta có cái này cái kia đều muốn có trong khi điều kiện kinh tế không dư giả.

Mỗi lần về quê bố thường than, chưa bao giờ được ăn tôm hùm, cua hoàng đế, rồi chưa có ghế mát xa… Nghe bố nói thế, hai anh em cũng góp tiền đi mua về nhưng lòng nặng trĩu vì tiền sữa cho con không đủ.

Tôi đi làm công nhân còn vợ ở nhà chăm con nhỏ, nhà thuê và chưa có xe máy. Vợ chồng anh trai buôn bán có khá khẩm hơn nhưng phải nuôi ba đứa con, vẫn thuê nhà để ở.

Từ ngày chúng tôi lập gia đình, hầu như bố mẹ không giúp đỡ về tiền bạc lẫn chăm con. Thỉnh thoảng, bố gọi điện lên nói muốn mua từ xe đạp địa hình để tập thể dục, nồi chiên không dầu, máy mát-xa, thay bếp từ, lắp điều hòa… hai em anh đều cố gắng thu xếp để lo cho bố mẹ.

Nhưng càng ngày, bố mẹ thích sống hưởng thụ giống như hàng xóm có con cái thành đạt giàu có. Tháng trước, bố đi kể với mọi người sắp đi chơi xa, hai đứa con trai lo hết chi phí rồi mới báo cho anh em tôi.

leftcenterrightdel
 Tôi có bất hiếu không khi thấy áp lực mệt mỏi mỗi khi bố mẹ đòi hỏi. (Ảnh minh họa)

Đợt đó, tôi phải đi vay tiền góp với anh trai gửi về cho bố mẹ. Quả thật, gia đình tôi sống rất tằn tiện, thắt chặt chi tiêu để dành dụm mua nhà, gia đình anh trai nợ nần làm ăn cũng vất vả. Tôi chỉ mong bố mẹ hiểu cho con, nếu không đáp ứng bố lại nói xa nói gần: “Con cái không quan tâm, nhìn con nhà người ta mà ao ước”.

Năm ngoái, bố nằng nặc đòi tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày cưới rình rang để mời họ hàng. Anh em tôi ngăn cản, bố giận dỗi nói sẽ tự làm mà không cần chúng tôi hỗ trợ. Nhưng sau đó, do dịch bệnh kéo dài nên kế hoạch không thực hiện được.

Nếu như cuộc sống khá giả, tôi chẳng tiếc gì nhưng gánh nặng gia đình trên vai làm tôi bế tắc, trong khi bố mẹ liên tục đòi hỏi. Rất may, vợ tôi luôn động viên: “Bố mẹ có tuổi rồi, vất vả cả đời giờ lo được gì thì lo, nhà mua trễ vài năm cũng được, tụi mình còn trẻ còn phấn đấu được mà”. Dù vợ nói thế nhưng tôi biết cô ấy cũng nặng lòng khi phải tính toán từng bữa ăn, sữa cho con cũng chọn loại rẻ nhất.

Bố mẹ vợ tôi lại khác, ông bà làm nông thu nhập không cao nhưng thứ gì cũng gói ghém gửi lên cho con cháu. Suốt cả mùa dịch, gia đình tôi sống nhờ vào thực phẩm ông bà ngoại gửi lên hàng tuần. Mỗi lần về quê, biếu chút tiền hay quà ông bà lại gạt đi không lấy, nói để đó mà nuôi con, mỗi lần như vậy, ông bà đều khiến tôi ứa nước mắt.

Theo phụ nữ TPHCM