Tiền đâu đám cưới bây giờ?
Nguyễn Ngọc Minh (27 tuổi), ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM và bạn gái yêu nhau hơn 1 năm. Chàng trai hiện có công việc ổn định tại một công ty đa quốc gia, còn người yêu vừa ra trường, đi làm trong lĩnh vực bất động sản. Trước đó, 2 người chưa từng đề cập tới chuyện cưới vì nghĩ còn đang dành dụm, tích góp mua nhà.
Nhưng từ đầu năm đến nay, mỗi lần đi du lịch cùng nhau, người yêu hay hỏi Minh "khi nào mình cưới?". Nghe câu này, chàng trai bối rối nên trả lời cho qua.
Tuy nhiên, từ giây phút đó, mối quan hệ của 2 người dần xa cách, bạn gái Minh bắt đầu lạnh nhạt. Trăn trở mãi, chàng trai cũng tìm được nguyên do, cô ấy giận vì nghĩ mình không thật lòng, yêu đương cho vui chứ không nghiêm túc trong mối quan hệ.
Quen nhau thời gian lâu, nhiều bạn trẻ quyết định về chung nhà để xây dựng mái ấm. LĂNG HƯƠNG
Còn với Bùi Hoàng Đan (29 tuổi), làm việc tại đường Nguyễn Thị Định, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức, TP.HCM, chàng trai đã chia tay mối tình gần 10 năm với lý do không thể làm đám cưới như mong muốn của bạn gái.
"Người yêu đề cập rất nhiều lần về chuyện cưới, nhưng mình tự hỏi tiền đâu đám cưới bây giờ?", Đan nói và cho biết rất áp lực vì chi phí cho đám cưới lên đến cả trăm triệu đồng. Gia đình ở quê làm nông, Đan từ lúc đôi mươi đã đến TP.HCM lập nghiệp, mỗi tháng gửi tiền về nhà phụng dưỡng cha mẹ.
"Cả hai rất thương nhau, mình nói với bạn gái chờ thêm 1, 2 năm nữa đủ tiền sẽ làm đám cưới. Nhưng cô ấy nói lỡ khi đó mình tìm được người khác hoàn hảo hơn thì sao? Không tìm được tiếng nói chung, cả hai đường ai nấy đi", Hoàng Đan kể lại.
Câu chuyện của Ngọc Minh, Hoàng Đan không còn xa lạ. Khi yêu nhau một thời gian đủ lâu, người trẻ thường hỏi nhau "khi nào mình cưới?" thể hiện mong muốn về chung nhà với "nửa kia". Tuy nhiên, nếu một trong hai chưa sẵn sàng vì nhiều lý do và không thực sự khéo léo trả lời, câu hỏi này rất dễ gây chia rẽ các cặp đôi.
Vậy khi nhận được câu hỏi này, bạn trẻ nên xử lý như thế nào? Và thời điểm nào thích hợp để cả hai cùng nói về chuyện kết hôn?
Nhiều bạn trẻ đau đầu khi người yêu đề cập đến chuyện cưới hỏi. HUỲNH NHI
Kinh tế vững vàng thì mới cưới?
Chị Hồng Mũi Nghía (34 tuổi), ngụ tại đường Bắc Hải, Q.Tân Bình, TP.HCM, đã lập gia đình hơn 3 năm và có 2 con, cho rằng ở độ tuổi 20 - 25, nhiều bạn trẻ chưa xác định khi nào cưới vì còn lo cho gia đình, công việc, học hành. Đến khi lớn tuổi hơn một chút, mọi thứ dần ổn định, hầu như ai cũng nghĩ đến mối quan hệ nghiêm túc, nếu hai người cảm thấy muốn chăm sóc, có trách nhiệm với nhau thì nên bàn chuyện kết hôn.
"Mình nghĩ thời điểm đề cập đến chuyện cưới hỏi là khi gia đình hai bên có sự chuẩn bị về kinh tế, vốn làm ăn. Cảm thấy vừa đủ thì cưới được rồi, còn đợi đến khi có nhà, xe, mọi thứ hoàn hảo hết thì chắc ngày cưới còn lâu và xa lắm", chị Nghía bày tỏ, đồng thời nói đám cưới hiện nay hầu hết phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình, nhưng nếu thương nhau thì cả hai cùng cố gắng.
"Nếu người yêu đề cập đến chuyện cưới xin mà mình chưa sẵn sàng, hãy thật lòng nói cho họ biết những điều bạn nghĩ, đang gặp khó, áp lực thế nào để cùng cảm thông, làm sao để người hỏi không bị tổn thương. Có thể cho một mốc thời gian cụ thể để cả hai cùng phấn đấu", chị Nghía chia sẻ.
Chờ khi đủ tuổi, mối quan hệ chín chắn hơn là lời khuyên của nhiều người trước ý định kết hôn của bạn trẻ. HUỲNH NHI
Còn anh Nguyễn Lê Trung Hiếu (34 tuổi), ngụ P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, đã lập gia đình hơn 7 năm và đang có cuộc sống hạnh phúc, cho biết khi bước chân vào hôn nhân, tâm thế cần sẵn sàng, đủ nhường nhịn, tôn trọng nhau. Ngoài ra cũng cần thêm sự tự tin, bản lĩnh đối mặt với khó khăn.
"Sau khi tốt nghiệp đại học, mình và vợ quen nhau 4 năm. Khoảng 1 - 2 năm đầu là đã xác định sẽ cưới, nhưng phải đi làm thêm thời gian nữa để chuẩn bị về mặt kinh tế. Khi đã thấy sẵn sàng, tự tin thì quyết định kết hôn", anh Hiếu chia sẻ và nói quan trọng bạn phải có sự đồng lòng, cùng nhau vượt qua... sóng gió.
Trong cuốn sách "Khi nào - Bí mật khoa học của thời điểm hoàn hảo" của tác giả Daniel H Pink (người Mỹ). Ông đề cập đến thời điểm chúng ta nên kết hôn như: chờ cho đến khi bạn đủ tuổi, hoàn thành việc học và mối quan hệ trở nên chín chắn.
Ông giải thích không có gì ngạc nhiên rằng những người kết hôn khi còn rất trẻ thường có khả năng ly hôn cao hơn. Chẳng hạn, theo một phân tích của nhà xã hội học thuộc Đại học Utah, Nicholas Wolfinger thì một người Mỹ kết hôn ở tuổi 25, khả năng ly hôn ít hơn 11% so với người kết hôn ở tuổi 24. Nhưng kéo dài quá lâu sẽ có một nhược điểm. Vào độ tuổi khoảng 32, thậm chí sau khi làm chủ được các vấn đề về tôn giáo, giáo dục, vị trí địa lý và nhiều yếu tố khác thì tỷ lệ ly hôn vẫn tăng ít nhất 5% mỗi năm trong một thập kỷ sau đó.
Theo Thanh niên