Chị Hạnh Dung kính mến,
Em lấy chồng hơn 10 năm. Vợ chồng em ở riêng, chỉ có cuối tuần, giỗ chạp hay có việc đột xuất mới ghé thăm ba má chồng. Em có cái mũi rất nhạy. Mỗi lần ghé nhà, em phát hiện phòng ngủ của ba má chồng có mùi rất nồng.
Trước đây em nghĩ chắc người lớn tuổi nào cũng có mùi đặc trưng như thế, nhất là khi các cụ hay dùng cao xoa bóp, dầu cù là, rồi tích trữ nhiều đồ đạc, lại hay đóng kín cửa nên không thoáng khí.
Thế nhưng gần đây, khi vợ chồng em mời ba má đi du lịch thì phòng khách sạn của ba má ở cũng lập tức xuất hiện mùi nồng đặc trưng kia. Việc này rõ ràng đến mức mấy đứa con em cũng nhận ra.
Em đem thắc mắc hỏi má chồng thì bà ngại ngùng tiết lộ: đó là mùi mồ hôi của ba chồng em, bởi lâu nay ông không chịu dùng dầu gội, sữa tắm, xà bông gì cả. Mỗi lần tắm, ông chỉ xối vài ca nước. Ông cũng không thích tắm gội thường xuyên, quần áo mặc thay vì mỗi ngày mỗi giặt thì ông lại thích mặc 1 bộ 2-3 ngày. Bà hỏi thì ông bảo sợ bà giặt mệt.
Về lý do không chịu dùng xà bông, sữa tắm, ông nói tại tay ông dị ứng mỹ phẩm. Tuy nhiên, theo nhận định của má chồng thì lý do lớn nhất dẫn tới tình trạng này là do ông… lười tắm gội.
Bà đã thử thuyết phục nhưng không ăn thua. Em nghe kể thời trẻ, ba chồng rất chú trọng vẻ bề ngoài, luôn sạch sẽ, thơm tho, ăn mặc chỉn chu, đầu tóc láng mượt. Không hiểu sao đến giờ, khi đã ngoài 80 tuổi, ông lại như vậy.
Má chồng em tính chịu đựng chuyện này suốt đời, nhưng em nghĩ biết đâu chị Hạnh Dung sẽ có cách. Mong chị giúp má chồng em.
Ngọc Hà (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Ngọc Hà thân mến,
Đọc thư em mà Hạnh Dung tủm tỉm cười hoài. Nếu má chồng em mà biết con dâu để ý quan tâm ba má như vầy, chắc bà vui lắm. Chuyện ba chồng em không phải là hết cách, nhưng quan trọng là em với má phải bàn làm sao để ông không… mắc cỡ, không tự ái rồi “quê quá khó huề”, vì dù sao đây cũng là chuyện tế nhị của riêng ông.
Đầu tiên, đồng ý với má chồng em rằng, rất có thể chồng bà không chịu thường xuyên tắm gội, thay đồ là vì không thích làm điều đó. Thật ra nhiều người già, đặc biệt là đàn ông, khi có tuổi thường ít quan tâm đến vẻ ngoài. Mắt mũi kèm nhèm, tay chân yếu khiến thao tác trong nhà tắm sẽ khó khăn hơn.
Khác với người trẻ, người già thường sợ lạnh, sợ nước khiến họ không còn nhu cầu tắm gội nhiều. Người già sức đề kháng kém hơn, nên có thể lúc trẻ không mắc các chứng dị ứng nhưng đến già thì da dẻ lại nhạy cảm…
Nếu sợ ba chồng tự ái, vợ chồng em có thể tìm cớ thuyết phục ba má chồng cùng đi khám sức khỏe định kỳ, trong đó có chuyên khoa da liễu. Nếu ông thực sự bị bệnh ngoài da, bác sĩ sẽ có cách điều trị. Còn nếu ông không có bệnh, vợ chồng em có thể nói riêng với bác sĩ chuyện không thích tắm gội của ông, nhờ bác sĩ cho lời khuyên. Biết đâu “bụt chùa nhà không thiêng”, vợ con nói không nghe nhưng khi bác sĩ khuyên thì ông sẽ nghe theo.
Hiện trên thị trường có nhiều loại dầu gội, sữa tắm dạng lành tính, không chứa nhiều hóa chất; em có thể mua tặng ba má chồng. Nếu sợ tay tiếp xúc mỹ phẩm khi tắm, có thể mua găng tay y tế để ông sử dụng.
Ngoài ra, vợ chồng em cũng nên xem lại thiết kế phòng tắm của ba má có phù hợp với người già chưa. Nếu chưa thì gọi thợ đến chỉnh sửa; chẳng hạn như nếu sàn quá trơn, không có tay vịn, không có ghế ngồi để tắm thì phải bổ sung, thay đổi.
Trong thư em không nói rõ là hiện ba má chồng sống với ai. Nếu chỉ có ông bà ở với nhau mà ông năm nay đã ngoài 80 thì cũng nên cân nhắc việc thuê người giúp việc đỡ đần chuyện cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, đêm hôm có người trong nhà cũng sẽ yên tâm hơn, mà ông cũng không phải ngại bà vất vả.
Giữ cho nhà cửa, thân thể sạch sẽ cũng là cách để sống vui, sống khỏe. Chúc gia đình em luôn vui vẻ, ấm êm.
Theo phụ nữ TPHCM