Kính gửi chị Hạnh Dung,
Gia đình em hiện có 3 thế hệ: ba má chồng năm nay đều trên 80 tuổi, vợ chồng em và 2 đứa con.
Thời gian gần đây, những mâu thuẫn trong nhà đều xuất phát từ ông bà. Vợ chồng em đi làm, các cháu thì bận học, việc chăm sóc ông bà trong thời gian tụi em không có ở nhà do người giúp việc lo.
Má sức khỏe tốt hơn ba, bà hay nói nặng, chì chiết chồng. Ba thì sau lần bị tai biến nay người đã yếu, nằm xuống ngồi dậy ba luôn muốn có người đỡ. Nhưng mỗi lần như vậy, má lại nói: “Hồi hôm tui thấy lúc không có ai, ông tự ngồi dậy mạnh ù hà, mắc gì đâu phải đỡ”. Người giúp việc đem tô cơm tới cho ba, ông kêu nhiều quá, má cũng nói: “Bây (người làm) bỏ đó cho ổng đi, than nhiều vậy chớ rồi cũng hết sạch hà”.
Tới lượt má hay than tối mất ngủ, ba liền cà khịa: “Bà ngủ ban ngày rồi, tối ngủ chi nữa”. Cứ vậy, ông bà gây nhau, cự cãi lặt vặt suốt ngày, đợi con cháu về là thay phiên nhau kể tội người kia.
Má nói ba làm khổ vợ con, làm được đồng nào đi nhậu nhẹt chơi bời chi cho tai biến, giờ nằm một chỗ còn bày đặt yêu sách. Em biết má ức lòng vì những chuyện hồi xưa.
Ba má cứ lời qua tiếng lại vậy, người giúp việc họ cũng ngại, không người nào làm được lâu dài, cứ làm vài tháng là tìm cớ xin nghỉ. Thằng con em thì than: “Bà nội cứ bắt con làm quan tòa phân xử đúng sai vầy hoài con ngán quá, chắc dọn qua nhà bạn con ở cho đỡ mệt đầu”.
Có thời gian em ở nhà lo cho ông bà, chính em cũng thấy loạn não. Vợ chồng trẻ cãi nhau còn dễ làm lành, chứ ông bà già trên 80 cả rồi thì rất khó khuyên nhủ.
Ngày qua ngày, ba má chồng em cứ hục hặc từ chuyện ăn uống, tắm giặt. Thậm chí ba nói muốn ăn món này, má liền làm ngược, bắt phải ăn theo ý má. Mâu thuẫn cứ vậy nổ ra. Em không biết cách nào để giải quyết.
Thủy Lâm (TPHCM)
Em Thủy Lâm thân mến,
Có vẻ má chồng em đang tận dụng ưu thế để trả đũa ông chồng từng bắt mình phải chịu nhiều ấm ức trong quá khứ. Có thể ngày trước ba chồng em ở “kèo trên”, nhiều lần áp bức vợ. Nay ông già yếu nằm một chỗ, trong khi bà còn có thể đi tới đi lui, bà liền “trả đũa” ông cho bõ tức.
Tình huống này cũng khá phổ biến với nhiều cặp vợ chồng già. Khi đoạn cuối của hôn nhân có tình trạng “đổi ngôi”, tưởng sẽ là sự bù đắp xứng đáng, nhưng rồi lại hóa thành sự chỉ trích thường xuyên, ồn ào vì những cuộc cãi vã lặt vặt.
Những nỗi khổ tâm trong quá khứ được dịp hiện hình qua những lời chì chiết trách móc, khiến người ở thế yếu phải chịu tủi cực mà đành bất lực. Sức khỏe đã giảm sút, gia cảnh còn thêm nặng nề, mệt mỏi, ảnh hưởng đến con cháu.
Để gỡ rối cho gia đình, em có thể cân nhắc sắp xếp để ông bà bớt chạm mặt nhau, bớt đụng độ mâu thuẫn. Ông bà ở riêng phòng hoặc ở với các con, tách 2 người ra, chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ, thăm hỏi.
Khi ở riêng, mỗi người có những mối bận tâm riêng, ví dụ xem ti vi, tập vật lý trị liệu, tập thể dục với hội bạn hoặc lo chăm cây cối, gặp gỡ bạn già. Trong 2 người, má đang có sức khỏe tốt hơn; em có thể nói chuyện với má, hướng má vào việc giữ gìn sức khỏe, sống vui với con cháu, đừng cằn nhằn chồng chi cho mệt thêm.
Má thương con cháu, sẽ tránh bớt những chuyện khiến con cháu đau đầu. Em cũng nên sắp xếp để má có thể ra ngoài, giao tiếp xã hội. Ngay cả việc đi khám chữa bệnh cho má, cho ba cũng là những dịp để giảm bớt việc người này tập trung quá mức vào người kia, đối chọi, chỉ trích.
Điều quan trọng ít người trẻ nhận ra là: người già chính là tấm gương cho thấy trước tương lai của mình. Rất có thể, tuổi già của vợ chồng mình cũng sẽ như thế. Biết vậy để mình sống trọn vẹn với tình yêu, hạnh phúc của mình và đừng “để dành” những mâu thuẫn lặt vặt đến cuối đời, chờ “mai mốt rồi biết”.
Hãy sống cho ngày hiện tại, cho hạnh phúc hôm nay và kiên nhẫn với ba má. Chúc em thu xếp ổn thỏa việc nhà.
Theo phụ nữ TPHCM