Chi Hạnh Dung thân mến.

Chị cho em hỏi là ba và má vợ của em trai bằng tuổi em. Em có thể gọi họ bằng cô chú hoặc anh chị, và em xưng lại là tôi, chị thấy có được không vậy chị?

Nguyễn Thanh Thảo

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Em Thanh Thảo thân mến, 

Một câu hỏi ngắn, và có vẻ đơn giản, nhưng thật sự khiến Hạnh Dung thấy rất thú vị. Bởi những tình huống éo le thế này có khá nhiều trong cuộc sống, và nó cũng khiến nhiều người phải đau đầu suy nghĩ.

Trong những trường hợp như thế, nhiều người đã phải thốt lên ganh tỵ với một vài ngoại ngữ phổ biến trên thế giới. Chẳng hạn như tiếng Anh. Cô, dì, chú, bác, anh, chị gì cũng "you" và "I" hết, đơn giản và dễ dàng biết mấy. Còn tiếng Việt, thật sự là... nhức đầu.

Biết làm sao được, nhức đầu một chút, nhưng cũng biết bao nhiều người nước ngoài ngỡ ngàng và thú vị, dù cũng phải bứt tóc, bứt tai vì sự phong phú của ngôn ngữ chúng ta.

Trả lời câu hỏi của em, Hạnh Dung nghĩ, quan trọng là cách đối xử với nhau giữa những người từ xa lạ trở thành họ hàng thân thuộc. Trước tiên là sự chân tình, tôn trọng, và hơn nữa là thương yêu quý mến nhau. Khi có được những tình cảm thật sự rồi, thì việc xưng hô ra sao trở nên hết sức đơn giản.

Nhưng tình cảm như thế nào thì cũng phải có cách thể hiện. Nếu thuận với truyền thống, lễ nghĩa thì cứ xưng hô đúng theo thứ bậc của gia đình, vì cái tình có trong đó nên chuyện ấy cũng trở nên tự nhiên, không khó chịu gì. Còn nếu như còn thấy ngượng ngập, vướng mắc, thì thẳng thắn bày tỏ, xin phép một tiếng về cách xưng hô khác, để cả hai cùng thấy thoải mái, nhẹ nhàng là được.

Tuy nhiên, có một điều Hạnh Dung "tiết lộ" với em để em tham khảo, là Hạnh Dung từng thấy nhiều gia đình có những vai vế thứ bậc và tuổi tác không "ăn khớp" nhau như gia đình em, thế nhưng, khi thấy những người "trong cuộc" xưng hô với nhau đúng như truyền thống, thì hầu như chẳng ai cười cợt gì họ, trái lại có nhiều người còn khen "Gia đình nề nếp ghê".

Theo phụ nữ TPHCM