Sau khi đọc bài viết Bà ngoại viết tâm thư “cảnh cáo” con: “Phải coi đây là việc nghiêm trọng”, tôi càng thêm quyết tâm không cho con dùng điện thoại thông minh khi tuổi còn nhỏ.
Xung quanh vấn đề cho con sử dụng điện thoại hay không, tác giả Cát Tường đưa ra quan điểm: Việc sử dụng cái gì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, tùy từng hoàn cảnh... Trong gia đình, việc nuôi dạy trẻ cần phải có được sự thống nhất về phương pháp. Không thể cha mẹ làm một đằng, ông bà lại làm một nẻo.
Là một người mẹ rất quan tâm đến môi trường, điều kiện sống cũng như những chia sẻ liên quan đến việc giáo dục con trẻ, tôi đồng tình với cách nhìn nhận của tác giả. Tuy nhiên, với những gì đã trải nghiệm, tận mắt chứng kiến, bản thân tôi đặt ra một nguyên tắc: "Trẻ con nhà tôi không được phép tự do dùng điện thoại".
Để thực hiện nguyên tắc này, ngoài thời gian đi làm, khi trở về nhà vợ chồng tôi sẽ thay phiên nhau dành thời gian để tương tác, trò chuyện, bày trò chơi với hai con.
|
Hoạt động thể chất lành mạnh giúp trẻ phát triển tốt hơn là sa đà xem điện thoại (ảnh minh họa) |
Có lần tôi đã tranh luận với một người bạn về tác dụng và tác hại của việc trẻ dùng điện thoại quá sớm. Bạn tôi nói: "Không cho con sử dụng điện thoại thì nó sẽ tụt hậu so với bạn bè. Con của mình nhờ xem điện thoại sớm nên giờ biết nhiều lắm. Biết những nhân vật hoạt hình nổi tiếng, biết những trào lưu, tên bài hát mà đến bố mẹ mình còn chưa biết...".
Tôi trả lời: "Thực ra, những thông tin mà con bạn biết, nó không phải là tri thức. Nếu cứ xem nhiều, con bạn có thể biết rất nhiều, biết trong nháy mắt nhưng khả năng tìm tòi, lập luận để chuyển hóa thành kiến thức, vốn sống cá nhân sẽ là rất ít. Cứ lặp đi lặp lại mỗi một việc xem và lướt như vậy, bộ não của con bạn sẽ lười ghi nhớ, phân tích và tổng hợp, chính điều này khiến các con chậm phát triển, kém thông minh hơn".
Bản thân tôi không cực đoan đến nỗi dị ứng với điện thoại, tuy nhiên tôi không ảo tưởng về sức mạnh của thế giới mạng. Điện thoại, suy cho cùng nó cũng chỉ như các thiết bị điện tử khác, là phương tiện và công cụ hỗ trợ cho nhu cầu học tập và giải trí của con người. Muốn sử dụng công cụ ấy hiệu quả thì người dùng phải có kỹ năng, tư duy. Các con tôi, 1 bé đang học mầm non, 1 bé học lớp Một, chúng hoàn toàn không đủ khả năng để chắt lọc thông tin hay lựa chọn kênh giải trí đảm bảo an toàn, nội dung phù hợp với lứa tuổi.
Tôi rất lo lắng và phiền lòng nếu vì một lý do, một sự lơ đễnh nào đó mà các con tôi trở nên sa đà, nghiện ngập thiết bị điện tử. Để cách ly các con với chiếc điện thoại, mỗi ngày, vợ chồng tôi phải cố gắng rất nhiều. Nhưng chúng tôi càng mệt mỏi, tốn sức hơn khi bà nội bọn trẻ rất nghiện điện thoại. Bà lướt ngày lướt đêm. Có nhiều lúc, các con tôi muốn chơi với bà nội, nhưng bà lại chỉ ôm chiếc điện thoại xem TikTok, đọc tin tức giải trí.
Còn nhớ những ngày đầu mới được chồng tôi sắm tặng chiếc điện thoại mới, bà chỉ xem những video hướng dẫn nấu ăn, trồng cây, bảo quản đồ đạc, bài trí nhà cửa. Dần dần, bà "lấn sân" sang theo dõi những clip quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng rồi đặt mua dùng thử.
Dạo gần đây, bà liên tục cập nhật những thông tin về những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội rồi mang vào kể trong bữa ăn hay cuộc trò chuyện gia đình. Từ một người phụ nữ sạch sẽ, chu đáo, nhẫn nại, dành hết tâm sức để chăm sóc chồng con, bây giờ, bà vì nghiện điện thoại mà bỏ bê nhà cửa, chẳng tha thiết cháu con. Bà chuyển sang hướng ngoại cả trên mạng lẫn ngoài đời.
Trên Facebook, bà kết bạn không sót một người nào trong họ hàng. Hễ ai đăng ảnh gì bà liền vào bấm like, khen xinh đẹp, thả tim. Ai viết trạng thái gì, bà cũng lập tức vào bình luận.
|
Trẻ con trong gia đình sẽ "lây nhiễm", đòi coi máy khi người lớn sử dụng điện thoại quá nhiều (ảnh minh họa) |
Mỗi ngày sau khi ăn sáng xong, bà sẽ ngồi xem điện thoại đến trưa. Đầu giờ chiều, bà cũng dành hơn một tiếng để quẹt, lướt. Chiều tối, trong lúc tôi đi làm về tất bật cơm nước, dọn dẹp, tắm rửa cho các con thì bà đi ra xóm rôm rả phổ biến những thông tin bạo lực, cướp, giết, bóc phốt... vừa cập nhật được trong ngày.
Thấy bà sử dụng điện thoại không đúng mục đích, tôi bàn với chồng "tịch thu", chúng tôi lén đổi chiếc điện thoại thông minh bà đang dùng bằng một chiếc “cục gạch” chỉ có chức năng nghe gọi. Chồng tôi nói anh đem nó đi sửa vì lỡ làm rơi, bể màn hình, nhưng anh thợ nói nó hỏng luôn rồi. Bà lập tức giận chúng tôi và cả anh thợ, suốt mấy hôm không chịu nói chuyện, tương tác cùng ai...
Lạm dụng điện thoại đâu chỉ hại cho trẻ em, chính người già cũng rất dễ rơi vào tình trạng ức chế, mất ngủ và suy giảm sức khỏe. Tuần trước, bà than suốt với vợ chồng tôi dạo này mẹ đau mắt, ê ẩm, ăn uống khó tiêu...
Đổi được chiếc điện thoại thông minh sang "cục gạch" rồi, nhưng chúng tôi chưa thấy đó là cách hợp lý. Phen này, vợ chồng tôi hạ quyết tâm cai điện thoại triệt để cho bà với các kế hoạch cụ thể. Sau đó chồng tôi hứa sẽ mua điện thoại cho bà, nhưng áp sát nhắc nhở bà không lạm dụng, kẻo ảnh hưởng tới đàn cháu.
Tôi rất mong muốn, trong gia đình, người già, trẻ con thay vì suốt ngày say sưa, cặm cụi, dán mắt vào màn hình xanh lét để dõi theo những tin tức xô bồ thì sẽ quay sang dành thời gian trò chuyện, tương tác, chơi đùa vui vẻ cùng nhau.
Cháu ngoan, bà khỏe. Được thế thì còn gì bằng!
Theo phụ nữ TPHCM