Bà nội tôi có gần 10 đứa cháu trai gái, nội ngoại. Thế nhưng trong mắt bà dường như chỉ có mỗi cậu đích tôn nhà bác cả là đứa cháu yêu quý nhất.
Nói như vậy không có nghĩa là bà ghét bỏ gì chúng tôi, chỉ là những gì tốt đẹp nhất, ngon lành nhất bà đều dành cho đứa cháu này. Thậm chí dành toàn bộ sự nuông chiều, ưu ái chỉ vì mấy chữ cháu đích tôn.
Các cụ ngày xưa nói cấm có sai bao giờ, con ghét là con nên người. Quả thật trong từng ấy đứa cháu thì chỉ có ông anh họ này của tôi là mãi vẫn cứ chẳng ra đâu vào với đâu.
Khi còn nhỏ, anh họ tôi chán học bà liền đồng ý ngay và luôn. Bà nói rằng nếu đã không thích thì cố cũng không được. Những đứa cháu còn lại của bà bét nhất cũng tốt nghiệp đại học, giỏi nhất đã có bằng tiến sĩ.
Lúc hơn 20 tuổi, anh họ tôi không muốn đi làm công ăn lương, mà nói cho đúng thì cũng chẳng có cơ quan nhà nước hay tổ chức tư nhân nào sẵn sàng nhận một lao động không muốn làm việc như anh. Bà nội liền gom góp hết tiền nọ để của nả kia để hùm vốn cho cháu đích tôn làm ăn. Chưa được nổi 1 năm đã mất cả chì lẫn chài, còn sinh ra thêm một núi nợ. Ấy vậy mà bà nội tôi thay vì trách móc lại thương xót thằng cháu làm ăn không gặp thời gặp vận.
25 tuổi, bố tôi xin mãi mới được cho anh một công việc nhỏ, không phải mất nhiều công sức chỉ cần đi làm đều đặn nghiêm túc. Lương bổng không quá xuất sắc nhưng còn hơn là không kiếm được đồng nào. Làm được hơn một năm, cả dòng họ tôi thở phào nhẹ nhõm yên tâm chắc hẳn lần này cậu ấm đã tu chí làm ăn yên ổn rồi thì ngay tháng sau, anh họ tôi tuyên bố nghỉ việc. Lý do là mệt không muốn làm!
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa đó là bà nội tôi hoàn toàn ủng hộ. Bà liên tục khó chịu với bố tôi vì giới thiệu cho cháu vàng cháu bạc của bà công việc nặng nhọc. Dở khóc dở cười hơn nữa, bà ngỏ ý trách móc bố vì đã xin được công việc văn phòng cho tôi nhưng lại bắt cháu đích tôn của bà phải đi làm lao động chân tay. Bà hoàn toàn quên mất việc trong lúc cháu yêu của bà chơi bời lêu lổng thì tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc.
Có vài lần, anh họ tôi cũng dẫn người yêu về nhà ra mắt nhưng bà đều bĩu môi chê. Cô thì thấp bé quá, cô thì mặt mũi không sáng sủa lắm, cô thì gia đình không môn đăng hộ đối… Cứ cô nào bà chê, anh họ tôi liền chia tay ngay lập tức để vừa lòng bà. Phải nói rằng, riêng cái khoản nhất nhất nghe lời bà thì đám cháu chúng tôi không đứa nào bằng ông anh họ này cả.
Vậy là hơn 30 tuổi, anh họ thân yêu của tôi vẫn không công ăn việc làm, không vợ con gì hết. Hằng ngày, anh họ tôi bình minh lúc giữa trưa, đợi bà nội già lọm khọm nấu cơm cho ăn. Ăn xong anh đi xách xe đi chơi ở đâu đó chẳng ai biết. Tối về nhà lại tiếp tục chờ cơm của bà nội. Ăn xong leo lên phòng dính chặt lấy cái máy tính hoặc cái điện thoại.
Hôm vừa rồi giỗ ông nội tôi. Tất cả con cháu đều tề tựu đông đủ. Mẹ tôi có ngỏ ý với anh họ về việc có muốn đi làm công nhân ở nhà máy sản xuất bánh kẹo không. Nói là làm công nhân nhưng việc nhàn hạ, lại là làm việc nhà nước nên cũng có nhiều chế độ đãi ngộ…
Mẹ vừa nói dứt lời, bà nội tôi đập tan tành cái bát đang ăn cơm. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng nhìn về phía bà.
- Chị nói cháu tôi phải đi làm công nhân à?
- Mẹ! Việc rất nhàn mà lại là việc làm ổn định lâu dài, con nghĩ là phù hợp với cháu nó…
- Tôi không cần chị phải tham gia. Con dâu đúng chỉ là người ngoài. Anh chị thì giỏi rồi, xin hết việc làm đàng hoàng cho cháu nọ đến cháu kia. Chỉ riêng thằng bé này là anh chị ghét bỏ nó đúng không? Tôi không cần, tôi di chúc hết tài sản cho nó, nó cả đời ăn không hết.
Bố tôi nóng mặt, không nói không rằng đứng dậy ra thắp hương cho ông nội rồi dắt vợ con về nhà. Trước khi ra khỏi cửa, bà nội còn nói với theo rằng đừng bao giờ vác mặt về đây nữa.
Thật ra không cần bà nói, tôi hiểu bố sẽ không bao giờ quay lại nữa. Mẹ tôi hơi áy náy nhưng bố gạt phắt đi, ông cho rằng vợ mình chẳng sai ở đâu hết!
Tôi nhìn ngoái lại ông anh họ mình, mặt vẫn dán chặt vào cái điện thoại xịn xò mới ra mắt cách đây không lâu. Một đứa có thu nhập vào dạng khá như tôi cũng chẳng bao giờ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn như vậy chỉ để mua một phương tiện liên lạc. Chẳng cần nghĩ cũng biết chiếc điện thoại đó từ đâu mà ra. Tôi lắc đầu ngao ngán rồi ra đánh xe vào đưa bố mẹ về nhà.
Mạn Ngọc