Mấy tháng nay tôi thường nhận những cuộc video call của bà sui. Trước kia chúng tôi rất hiếm khi giao tiếp, thậm chí 2-3 năm trời bà chẳng hỏi han chúng tôi một câu.

Bà đến chơi nhà con trai - con dâu (cách nhà tôi một quãng đường ngắn) cũng chẳng thèm qua nhà tôi. Thế mà nay bà chăm gọi điện, lại còn video call, vừa nói chuyện vừa thấy mặt nhau nữa chứ.

Tôi hạnh phúc khi nhìn các con hạnh phúc, và bà thông gia có lẽ cũng muốn như thế (Ảnh minh họa)
Tôi hạnh phúc khi nhìn các con hạnh phúc, vàbà sui có lẽ cũng muốn như thế (ảnh minh họa)

 

Thực ra mối quan hệ thông gia của chúng tôi không xấu, mặc dù không mặn mà như những gia đình khác. Chỉ là chúng tôi hiếm khi trực tiếp liên hệ với nhau, mà phần lớn thông qua các con. Chẳng là, sau khi kết hôn, con rể tôi sống ở quê vợ, tức là gần nhà chúng tôi, để tiện cho công việc của 2 đứa.

Đây chính là nguyên nhân mà gần đây bà sui chăm chỉ kết nối với tôi. Bởi, cứ sau vài câu xã giao hỏi thăm, bà lại kể lể chuyện của ông bà. Nào là ông bà đau ốm suốt, nào là buồn chán suốt, nào là mong chúng nó ở sống cùng cho khuây khỏa tuổi già, mà chúng không chịu.

Sau đó, bà lại than rằng nếu vợ chồng chúng chịu về với ông bà, thì đi làm tuy có xa hơn nhiều, nhưng ông bà sẽ đầu tư cho thêm vốn làm ăn. Cuối cùng, bà nhờ vợ chồng tôi khuyên các con, để chúng thu xếp về ở bên nội.

Thấy bà yêu cầu nhiều lần, tôi cũng lựa lời hỏi con gái. Ông bà cũng chỉ có cậu con trai một, tâm lý chung là ai chẳng muốn gần con và cháu nội. Nhưng con gái tôi kiên quyết: “Chồng con chưa muốn chúng con về đó, vì ảnh không muốn con phải sống với bố mẹ chồng khó tính. Mẹ chồng con rất... vô lý, đứa em gái chồng thì hỗn láo”.

Tôi đã nhiều lần nghe con gái tâm sự về những ấm ức khi về nhà chồng có công có việc. Tôi hay khuyên con nên nhẫn nhịn, vì 1 năm cũng chỉ về nhà chồng có mấy dịp giỗ tết, sinh nhật ông bà, cố gắng cư xử sao cho êm đẹp. Nhưng nay nghe con kể chuyện con rể như thế, tôi càng không biết phân bua gì với bà sui, chẳng lẽ nói là con trai bà không muốn về nhà cha mẹ!

Đặc biệt, con rể tôi còn biết rằng bà sui “vô lý” ở chính việc bà có 2 người con gái, thì bà đều không ủng hộ việc về sống chung với nhà chồng. Bà rất cưng chiều con, không muốn con chịu cảnh làm dâu ấm ức khổ sở.

Con gái lớn của bà thứ lấy chồng đã 9 năm, tết nào bà cũng giữ con gái, con rể và các cháu ngoại đến tận chiều 30 mới "thả" cho về nhà nội. Lại còn chuyện cô con gái út hỗn hào. Qua lời kể của con gái tôi, cô em út đã lấy chồng nhưng bà không cho đi làm dâu.

Thế thì, sao bà lại cứ khăng khăng muốn con gái tôi phải chịu khổ? Chẳng phải con gái bà cũng có bổn phận làm dâu nhưng đang "trốn" hay sao?

Ở với ông bà, do được nuông chiều nên cô út rất ngang bướng, "khinh cả thế giới". Con tôi đã nhiều lần bị tổn thương bởi những lời nói "xóc óc". Bà sui thì luôn chê bai con tôi kém cỏi, cứng đầu, hay cãi lại bà... 

Đôi lúc tôi trộm nghĩ, bà sui không dạy con gái tử tế, lễ độ với anh chị em trong nhà, sao lại đòi hỏi người ta dạy con gái ngoan cho bà "mang về dùng"?

Nghĩ thế, nhưng tôi hiểu cha mẹ nào chẳng xót con, ai cũng muốn con có cuộc sống an nhàn, thảnh thơi, hạnh phúc. Nhưng khổ một nỗi, nhiều bà mẹ con coi mình là vàng ngọc và nâng quá cao, rồi coi con người khác là đất đá và "dìm tận đáy". Tôi hay nghĩ, muốn hưởng quả ngọt thì phải gieo điều thiện lành trước đã, phải không?

Theo phụ nữ TPHCM