Cả nhóm đang họp thì chị Hà bước ra, nói: “Đang làm gì đây?”. Giọng chị khá trịch thượng, khác hẳn không khí nghiêm túc và cởi mở của cuộc họp. Anh Thái - chồng chị, cũng là sếp của chúng tôi - nói: “Anh đang triển khai công việc cho các bạn”. Chị Hà dừng mắt lại nơi Thảo - cô gái xinh xắn nổi bật trong nhóm, rồi nhìn chồng, nói: “Anh về ăn cơm”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khi ấy là 10g30 sáng, ai cũng biết không phải giờ cơm. Chị nói rồi đứng đó như tỏ ý phải kéo được chồng về thì mới rút. Khi vợ chồng anh Thái đi khuất, nhóm nhân viên lại thở dài. Chuyện lạ, nhưng đã quá nhàm với chúng tôi - những người theo anh từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Rào cản lớn nhất chúng tôi chứng kiến trong sự nghiệp của anh Thái chính là vợ anh. Họ yêu nhau thời sinh viên, rồi chị trót có thai. Chị Hà phải nghỉ học để sinh con, rồi sinh liền tù tì thêm 3 đứa con sau đó. Nhà anh Thái rất giàu nên họ không nặng gánh tài chính. Nhưng sự kiện vợ phải bỏ đại học để sinh con như khiến anh Thái hàm ơn suốt đời.

Đó là lý do duy nhất có thể lý giải cho sức chịu đựng phi thường của anh với vợ.

Dù anh Thái là người kiếm tiền, cơ ngơi của vợ chồng cũng do ba má anh cho, nhưng chị Hà mới là chủ gia đình. Tất cả phụ nữ đến gặp anh Thái đều phải thông qua một cuộc “chào hỏi" với chị. Chị có thể gọi anh Thái chạy lên sân thượng lấy quần áo đang phơi hay chạy ra sân khiêng mấy chậu cây, dù vị khách anh đang tiếp là chủ đầu tư hay khách hàng quan trọng.

Vậy nhưng anh Thái vẫn phải thường xuyên tiếp khách tại nhà, vì chị Hà từng chạy xe máy đến công ty làm ầm lên vì anh: “không nghe điện thoại của vợ con”. Sau vài lần, anh Thái và cả nhân viên của anh cũng nhận ra chị Hà luôn cần có anh trong tầm mắt. Hễ anh gặp nữ thì dù có ngồi ở công ty hay tại phòng họp của công ty khác, chị Hà cũng sẽ bất ngờ xuất hiện để khách hiểu rằng anh đang có vợ và vợ anh uy lực thế nào.

Chúng tôi từng bất bình với anh Thái khi anh để vợ xen vào những cuộc gặp công việc. Những nhân viên thân cận “xăm mình" phân tích cho anh biết “vợ anh phách lối là do anh"; rằng anh là người biết lý lẽ, anh biết truyền cảm hứng cho nhân viên, cho khách hàng, nhưng tại sao anh không dùng những năng lực đó để “cải hóa" vợ mình hay ít nhất là cũng bảo vệ những vị khách của mình khỏi sự quá quắt của vợ.

Anh nói, vì anh là người tỉnh. Nếu anh từ chối những đề nghị “về ăn cơm", “lên sân thượng lấy đồ” hay “ra sân khiêng chậu cây" giữa cuộc gặp công việc, vợ anh sẽ to tiếng hơn, bất chấp hơn. Nếu anh không làm việc tại nhà hoặc tắt định vị để chị Hà không thể tìm đến những nơi anh đang làm việc thì chị có thể phá tam bành nhà cửa, bất chấp sự sợ hãi của các con.

Anh Thái cho rằng, sự “hợp tác” của anh với vợ là cách tốt nhất để bảo vệ khách, bảo vệ các con, cũng là để bảo vệ vợ anh khỏi những hành vi mất kiểm soát hơn, xấu xí hơn.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Tôi nói, anh không phải là đang bảo vệ, mà đang dung dưỡng. Anh nói anh hiểu ý chúng tôi. Rất nhiều người, thậm chí cả ba mẹ anh cũng khuyên anh “ly hôn cho đỡ khổ". Nhưng chính anh hiểu, anh sẽ không sung sướng nổi khi vợ mình phát điên vì cô độc, vì không có ai để “cắt cơn" những lúc nổi lên những nhu cầu kiểm soát phi lý.

Anh nói: “Các bạn có một người bạn đời khỏe mạnh, các bạn sẽ sống rất rạch ròi bằng lý lẽ, bằng phân công việc nhà, việc con cái. Nhưng nếu chồng/vợ đau ốm, những lẽ công bằng kia sẽ không còn hợp lý nữa. Thì tôi cũng vậy, với tôi, Hà là người khổ nhất, bởi cô ấy không bình thường. Tôi phải đưa vợ đi điều trị tâm lý, nhưng đường còn dài lắm. Trong lúc vợ chưa khỏe thì tôi phải chấp nhận sống một cuộc hôn nhân khác người ta thôi".

Chúng tôi lặng người. Một phụ nữ quá quắt, giận dữ bất chấp, nhưng qua lời kể của người chồng đầy yêu thương, chợt trở nên dễ hiểu và dễ cảm thông. Anh Thái nói, anh không ngại để người ta nhìn thấy hoàn cảnh của mình, bởi muốn giấu cũng không được, chi bằng mình cứ sống bình thường. Sống thả lỏng, chân thành, chấp nhận những khiếm khuyết của mình và có cách của riêng mình để “chữa trị", hóa giải những khó khăn đó. Anh chọn sống vậy và bình thản sống vậy.

Nghe đến đó, chúng tôi không còn thấy anh Thái đáng thương, khổ sở nữa. Chỉ thấy anh thật vững vàng, bền bỉ và trách nhiệm với những gánh nặng đời mình. Không biết rồi “đường dài" đó sẽ đưa anh về đâu. Nhưng với tâm thế của một trái tim đầy yêu thương, tôi tin chắc lòng anh luôn thanh thản, nhẹ nhõm. Bởi anh đã sống trọn vẹn với những gì anh chọn và yêu. 

Theo phụ nữ TPHCM