Đồng quan điểm với tác giả bài viết Ăn nhờ điện thoại, ti vi - thói quen nhỏ, tác hại lớn, tôi xin chia sẻ câu chuyện khiến vợ chồng tôi rối trí, đứng ngồi không yên.
Hôm đó, khi nghe tin nhà trường yêu cầu đưa con đi bệnh viện khám, mặt vợ tôi sa sầm. Trong mắt cô ấy trước đó, con gái là vàng ngọc, không thể mắc bệnh gì. Cô ấy luôn khẳng định con hiểu hết mọi chuyện, chỉ chậm nói một chút, nên kiên quyết không dẫn con đi gặp bác sĩ. Có lần cô ấy giận khi mẹ tôi nói: "Hay con đưa cháu đi bệnh viện nhi đồng khám thử. Chứ lỡ tự kỷ thì khổ...".
Chỉ 3 ngày sau khi con vào học lớp mầm, cô giáo gọi điện thoại hẹn vợ tôi vào gặp. Không biết cô giáo nói gì mà về đến nhà, vợ tôi tỏ vẻ không vui.
Tôi hỏi vợ không nói, song cô ấy dứt khoát chuyển trường cho con. Trường mới cũng mời vợ tôi lên, nhưng lần này cô ấy bận việc nên tôi đi thay. Gặp tôi, cô giáo thẳng thắn: “Con anh chị gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp. Cháu có xu hướng chơi một mình, không tập trung. Anh chị nên đưa cháu đi khám để tìm nguyên nhân”.
Hôm sau, tôi cùng vợ đưa con gái tới bệnh viện nhi đồng. Qua vài đợt kiểm tra, bác sĩ kết luận con gái tôi có bất thường về tâm lý. Bác sĩ hỏi sinh hoạt hàng ngày của con, vợ tôi khai thật. Tôi nghe mà giật mình. Từ lúc con 9 tháng, để dụ con ăn, vợ tôi đã mở điện thoại cho con xem. Mỗi ngày, vì để con nằm im chơi không phá rối mẹ làm việc, vợ tôi cho con gái làm bạn với cái điện thoại hoặc mở chương trình thiếu nhi trên tivi. Ở độ tuổi tập nói, tập quan sát thì con tôi chỉ biết ôm cái điện thoại xem hình ảnh và nghe tivi nói.
Tôi điếng người nhìn vợ, thấy cô ấy cúi mặt ôm con như biết lỗi, tôi chỉ còn biết thở dài. Nuôi dạy con cái là việc chung của vợ chồng nhưng lâu nay tôi lại phó thác hết cho vợ.
Là giáo viên, tôi cấm học trò dùng điện thoại trong giờ học, thỉnh thoảng tôi còn gặp riêng từng phụ huynh nhắc nhở con em. Thế mà, với đứa con gái bé bỏng của mình, thay vì mỗi ngày cùng hoạt động, trò chuyện cùng con, tôi chỉ ôm con, hôn con và bế con vài lần.
Mấy năm nay, để có thu nhập nuôi gia đình và tiền trả góp căn hộ chung cư, tôi "chạy sô" dạy thêm ở 2 trung trung tâm trong quận. Ngoài giờ lên lớp ở trường, lịch dạy của tôi kín mít các tối trong tuần, Thứ 7 và Chủ nhật cũng chỉ trống vài tiếng di chuyển. Tôi cứ nghĩ việc kiếm tiền ở độ tuổi còn sung sức cần đặt ưu tiên hàng đầu.
|
Con gái tôi làm bạn với điện thoại miệt mài (ảnh minh họa) |
Sau hôm đưa con đi khám, tôi bắt đầu sắp xếp lại lịch làm việc của mình. Nhận nhiệm vụ đưa con đi học buổi sáng, tôi bỏ bớt các lớp dạy thêm ca 2 buổi tối để về sớm. Nhờ về sớm, tôi kịp đọc sách, kể chuyện con nghe trước giờ con ngủ. Cuối tuần tôi dắt con đi nhà sách chọn mua nhiều thể loại truyện tranh, mua thêm các thẻ tranh vẽ con vật, trái cây, xe cộ... rồi ba con ngồi chơi trò đoán hình, đoán đồ vật.
Tôi theo sát vợ trong công cuộc cai điện thoại cho con. Những ngày đầu không có điện thoại làm bạn trong bữa ăn, con bỏ bữa, quậy phá, khóc lóc làm nư. Vợ tôi có lúc buông xuôi, nên lại mở điện thoại cho con xem. Quan sát qua camera giờ con ăn, tôi gọi điện về cảnh báo vợ.
Tôi đã nói chuyện với vợ thật nhiều, chỉ ra tác hại của việc cho con làm bạn với điện thoại quá sớm. Nếu có thể thì tôi không mong muốn con tôi tiếp xúc với điện thoại trước lúc cháu 9 tuổi. Mỗi ngày, tôi ấn định cho con xem các chương trình thiếu nhi vào giờ cố định trong vòng 1 tiếng. Tôi hoặc vợ ngồi xem với con, giải thích cho con hiểu thêm nội dung của hình ảnh.
Trong vòng vài tháng, con gái chuyển biến rõ rệt. Tuy con không chịu nói nhưng ánh mắt đã linh hoạt, vẻ mặt lanh lợi hơn. Con chủ động mang sách đòi ba mẹ đọc, hăng hái chỉ vào hình ảnh con vật, trái cây. Kề cận bên con suốt 6 tháng trời, tôi rơi nước mắt khi nghe con gọi “ba ơi!”.
Thật ra, tôi đã hơi liều khi không mang con đến trường đặc biệt dành cho trẻ chậm nói, tự kỷ. Sau 1 năm dạy dỗ con, khi con tôi chậm rãi ráp từng tiếng lại thành câu ngắn.
Tôi nhận ra, lý thuyết luôn khác xa thực tế. Chỉ người trong cuộc mới biết chính xác con cái cần gì. Khi các con còn bé, chưa biết gì thì đã được ấn vào tay chiếc điện thoại thông minh để con cọ, quẹt ra hình ảnh chớp nhoáng và nhanh chóng đắm chìm vào đó. Nếu các bậc cha mẹ yêu thương con, đặt nhiệm vụ nuôi dạy con lên hàng đầu thì sẽ biết cách cùng học cùng chơi với con theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, chứ không giao con cho điện thoại rồi đổ lỗi "bận lắm".
Theo phụ nữ TPHCM