Tôi theo cô bạn đến phòng công chứng ngoại thành có việc. Vừa đến nơi đã thấy phía trong có tiếng tranh cãi ồn ào, chính xác thì không phải tranh cãi vì chỉ có một bà dì chừng sáu mươi một mình nói, đối diện là một cô gái còn khá trẻ, chừng hai mấy tuổi, xung quanh bà còn mấy người nữa.
Đang rảnh nên chúng tôi hóng chuyện và biết bà dì là bên bán nhà. Sáng nay anh con trai đầu của bà chở bà đến làm thủ tục mua bán, cô gái hai mấy tuổi kia là người mua.
Cách nay 3 tháng, cô gái hỏi mua nhà của bà, đặt cọc xong xuôi, đến khi ra công chứng mới biết giấy tờ bị trục trặc do cách nay hơn chục năm, chồng bà mất nhưng bà chưa làm thủ tục chia thừa kế. Nay muốn làm thì phải được ba đứa con đồng ý.
Bà có 3 đứa con, 1 gái đầu và 2 trai sau. Họ đồng ý ký giấy tờ với điều kiện họ cũng phải được chia phần. Tiền cọc đã nhận, bà không bán nữa thì phải đền cọc. Hơn nữa không bán nhà thì bà lấy tiền đâu trả cho khoản nợ vay làm đám cưới con trai đầu.
Hồ sơ đã xong, nay ra công chứng, bà bỗng dưng đắn đo, chừng như không muốn bán nữa. Bà sợ bán nhà rồi, phải chia 5 xẻ 7 số tiền, tuổi già của bà sẽ khó khăn. Hiện tại con gái lấy chồng xa, con trai lớn năm nay 32 tuổi nhưng vẫn đang ở với bà sau khi ly hôn vợ.
Chở mẹ đến nơi, từ đầu đến cuối anh chăm chú vào điện thoại chơi game. Mẹ kể chuyện nhà, chuyện hôn nhân của anh, anh thờ ơ như đang nghe chuyện ai.
Bà thở dài: “Ly hôn xong nó cứ nằm lì ở nhà, tiền nạp thẻ chơi game cũng xin mẹ, tiền cà phê cũng xin mẹ. làm đâu cũng mấy tháng là nghỉ với những lý do công việc vất vả, phải tăng ca... Nay thì nói đợi có tiền sẽ mua xe mới rồi đi xin việc làm...”
|
Tiền nạp thẻ chơi game cũng xin mẹ, tiền cà phê cũng xin mẹ. Cứ làm đâu được mấy tháng là cậu xin nghỉ (ảnh minh hoạ) |
Nghe bà tâm sự, cô gái nói cô có thể lấy lại tiền cọc, không mua nữa. Nhưng bà thở dài: “Trước sau gì cũng phải bán, thôi thì bán sớm, cho chúng nó mỗi đứa một ít cho yên!”
Bà nói vậy, nhưng trong lời nói cũng thấy, bà còn không biết liệu mình có được yên?
Chuyện của bà làm tôi nhớ đến dì út. Dì út tôi có 2 con; 1 trai, 1 gái. Hải, con trai dì lấy vợ ở cách nhà hơn 20km. Con gái và cháu ngoại đang ở cùng dì, vì con rể đi làm xa.
Không biết vợ chồng dì đã bao giờ nói sẽ để lại ngôi nhà cho Hải chưa, mà cậu ta thường nói với mọi người mai mốt ngôi nhà ấy sẽ là của cậu. Hải thường xuyên về nhà xin tiền dì, đòi chị gái mỗi tháng đưa cho cậu ta một khoản, coi như tiền chị gái đang thuê nhà của Hải.
Dì thấy con trai quá đáng, dì quát mắng thì Hải thẳng thừng: “Nhà cửa tài sản của bố mẹ sau này không cho con thì cho ai, chị gái lấy chồng như bát nước hắt đi, trông mong gì? Bố mất rồi, phần của bố đáng lẽ phải chia cho con, mẹ ở nhà cũng nên trả tiền thuê cho con chứ!”
Hải nói mẹ và chị gái đang ở trong ngôi nhà rộng rãi, trong khi cậu ta phải “chui gầm chạn”. Cậu muốn được mẹ chia cho ít nhiều để có thể đưa vợ con ra ngoài thuê nhà ở. Cuối cùng chịu không nổi cảnh ngày ngày bị con trai hành, dì đành bán bớt vườn.
Nhưng khi cầm tiền, Hải lại đổi xe, mua này sắm kia, đưa vợ con đi du lịch. Kế hoạch thuê nhà ra ở riêng của cậu như chưa hề tồn tại. Khi hết tiền, Hải lại quay về kể khổ…
Dì tôi bán nhà cầm tiền mà lòng buồn rười rượi. Tôi nhận thấy, dì tôi hay bà dì ở phòng công chứng đều có hoàn cảnh chung là quá nuông chiều con cái, nên đám con thay vì tự lập thì sinh ra lười biếng, ỷ lại. Chưa một ngày trả ơn, báo hiếu, nhưng họ lại đòi hỏi, đợi được thừa hưởng gia tài của cha mẹ.
Lúc này các bà mẹ còn nhà, còn vườn, khi bán xong chia hết thì họ sẽ trông mong bám víu vào đâu?
Theo phụ nữ TPHCM