Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em có cô bạn đang khủng hoảng vì muốn lấy chồng mà không tìm ra người phù hợp. Bạn em bằng tuổi em, 32 tuổi, người nước ngoài, nhưng làm việc ở đây đã 6 năm. Cô ấy rất yêu mến công việc, cuộc sống Việt Nam và luôn khẳng định sẽ ở lại định cư lâu dài. Chỉ có một vấn đề khó giải quyết: bạn muốn tìm một người chồng - người có thể chia sẻ việc chăm sóc nhà cửa, con cái; đồng hành trong cuộc sống.

2 đứa thân nhau nên em biết bạn đã đầu tư công sức “săn chồng” từ 3 năm nay rồi, cũng đã có một vài mối quan hệ tốt đẹp nhưng không bền lâu.

Bạn xinh đẹp, trẻ hơn tuổi, thông minh, là người rất nghiêm túc và luôn có kế hoạch rõ ràng cho mọi chuyện. Sau nhiều lần thất bại, gần đây cô ấy kể với em về một mối quan hệ tốt đẹp đang được cả hai phía bắt đầu. 

Tình cờ, em phát hiện “đối tác” tình cảm của cô ấy là chính cấp trên của em. Hồi đầu em cũng không tin, vì sếp em đã có gia đình, có 2 đứa con và người vợ hiền lành. Vợ sếp dù chỉ lo việc nội trợ ở nhà nhưng cả trung tâm nơi em làm việc đều biết và rất quý mến chị ấy. Thỉnh thoảng, chị ấy vẫn gửi bánh, trái cây lên văn phòng cho mọi người.

Vậy mà nay có vẻ như sếp đang nghiêng ngả trước những cuộc tấn công của cô bạn em. Không biết sếp có hiểu được mục tiêu của cô bạn em hay không. Em thì biết, bạn không hề mong muốn một mối quan hệ đơn thuần “tay ba” hay hoa lá cành cho vui. Bạn không muốn chỉ là người ngoài luồng. Bạn chắc chắn biết sếp đã có gia đình và cuộc săn này là để cô ấy chiếm lấy vị trí chính thất trong nhà sếp.

Em rất muốn làm một việc gì đó để cô ấy hay sếp dừng lại. Em không muốn chứng kiến bất kỳ kết quả nào của “cuộc săn chồng” này. Em có nên gặp chị vợ sếp hay nhắn tin cảnh báo cho chị ấy? Em làm vậy có đúng không, công bằng không?

Nhật Linh (TPHCM)

leftcenterrightdel
 

Em Nhật Linh thân mến,

Em đang đứng giữa 2 ngả đường: một là trung thành với bạn thân, để cô ấy tự do chiến đấu và giành lấy phần thưởng chung cuộc của cô ấy; hai là không thể “thấy chết mà không cứu”, khoanh tay đứng nhìn gia đình sếp tan vỡ, mình không đành lòng.

Nỗi phân vân của em chứng tỏ em là người tốt, biết suy nghĩ, cân nhắc thấu đáo mọi chuyện. Câu chuyện này vốn thuộc về 3 người: sếp em, vợ sếp và bạn thân của em. Nếu thực sự em muốn can thiệp, em cần xác định rõ mục tiêu. Khi biết chắc mục tiêu, em sẽ tìm được cách can thiệp.

Dù việc mình nhúng tay vào chưa chắc đã giải quyết được chuyện gì, nhưng với một mục tiêu tốt đẹp, rõ ràng, em có thể sẽ có động lực để tiến hành. Còn không, mình sẽ làm rối tung mọi chuyện lên mà không giúp được ai cho tới nơi tới chốn cả.

Em hãy dành thời gian suy nghĩ và tìm kiếm thông tin cho đầy đủ. Ví dụ, cuộc hôn nhân của sếp em đang thế nào, bản thân ông ấy có phải là người tốt hay chỉ đang lợi dụng bạn em? Về gia đình sếp, 2 đứa nhỏ bao nhiêu tuổi? Vợ sếp là người cẩn thận, mềm mỏng, có thể bình tĩnh lắng nghe mọi chuyện rồi tìm cách hiệu quả để giữ chồng hay vợ sếp là kiểu người nóng nảy, bất chấp lợi hại, chỉ muốn làm theo ý riêng?

Khi đã hiểu tương đối về từng người, em sẽ quyết định được nên giúp ai, nên giữ gìn điều gì. Ví dụ, nếu em muốn gìn giữ gia đình sếp, người em nên nói chuyện trước tiên có thể chính là sếp của em, tránh cho ông ấy cái bẫy ảo tưởng, cảnh báo ông ấy về những đổ vỡ chắc chắn sẽ xảy ra. Chuyện này có thể làm em thấy áy náy với cô bạn thân. Nhưng nếu em thành công, ít nhất một gia đình 4 người sẽ được giữ gìn nguyên vẹn.

Còn nếu em mặc kệ, bạn em có thể sẽ “săn” được chồng, nhưng đổi lại là một gia đình có thể tan vỡ, chỉ còn lại 4 con người đau khổ, mà bạn em chưa chắc đã được hạnh phúc thực sự.

Chuyện thật khó khăn, nhưng nếu là mình, Hạnh Dung sẽ vì một hạnh phúc đang có thật, vì những đứa trẻ cần cha mẹ, gia đình. Mong em cân nhắc kỹ và có quyết định đúng đắn.

Theo phụ nữ TPHCM