Cô Hạnh Dung ơi,

Cháu lỡ có thai với người bạn cùng lớp. Nhưng bạn ấy và cháu nói thật là chẳng có tình cảm gì cả. Chỉ là chuyện lỡ trong chuyến đi du lịch của nhóm bạn thôi. Bạn ấy thì đang thích người khác cơ.

Giờ bạn ấy nói nếu cháu muốn sinh con thì cưới, bạn ấy sẽ chịu trách nhiệm làm cha. Nhưng chuyện tình cảm thì không nói trước được. Ba mẹ cháu thì muốn cháu cưới, để sinh con cái cho đàng hoàng với bên ngoài. Còn sống được hay không sống được với nhau, tính sau.

Chị cháu và cô cháu thì nhất quyết phản đối, nói cháu bỏ thai và quên đi lỗi lầm này, để làm lại từ đầu mọi việc. Thậm chí là phải quên anh ta luôn đi, vì rõ ràng là giữa hai tụi cháu không có tình cảm gì.

Cháu thì vừa muốn giữ đứa con này, vừa muốn bỏ. Cháu không tự tin lắm để có thể làm mẹ khi cháu học chưa xong, cả cháu và anh ấy chưa có gì trong tay cả. Gia đình anh thì khá giả và nói có thể chu cấp cho cháu nuôi con... Nói tóm lại là mỗi người một ý, ý nào cháu thấy cũng có phần có lý, có phần sai.

Cháu nên nghe theo lời của ai đây, thưa cô?

Hoàng Dung

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Cháu Hoàng Dung thân mến,

Đây là cuộc đời cháu, hạnh phúc của cháu, số phận của cháu, cháu không thể nghe theo lời khuyên của ai, mà phải nghe chính bản thân mình, cháu ạ. 

Tất nhiên, trước khi nghe chính bản thân mình, cháu cũng nên lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người. Là bởi vì cháu còn nhỏ, theo cô suy đoán, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa có nhiều kinh nghiệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình, làm vợ, làm mẹ... Vì vậy cháu hãy lắng nghe tất cả mọi người, để tham khảo và có được một phần sự trải nghiệm từ kinh nghiệm của người khác. Rồi từ đó mới đủ tỉnh táo và sáng suốt để "lắng nghe" chính bản thân mình, với những cân nhắc, chọn lựa và tình cảm. 

Thật ra, trong lời tâm sự của cháu, cô đã nghe thấy cháu đang lắng nghe chính mình: Cháu không thấy tự tin lắm để có thể làm mẹ trong hoàn cảnh này. Hoàn cảnh đó là gì? Là cháu và cả người bố của đứa trẻ đều còn đi học, đều đang sống nhờ gia đình, chưa tự làm chủ được cuộc sống của mình.

Cuộc đời mình còn chưa thể làm chủ được, thì làm sao có thể chịu trách nhiệm được về cuộc sống của một con người nữa sẽ ra đời. Đành rằng gia đình hai bên trong lúc này hứa rằng sẽ không bỏ rơi cháu và đứa trẻ, sẽ chu cấp cho hai mẹ con, thế nhưng một cuộc đời, không chỉ là đời cháu, mà cả đời của một đứa trẻ, không đơn thuần là cần có đủ cái ăn, cái mặc. 

Như vậy thì mọi việc sẽ phải bắt đầu xuất phát từ cái điều mà cháu cần suy nghĩ chín chắn: cháu và người bạn trai đó có đủ những điều kiện để cho đứa trẻ không bị thiếu thốn hay không? Điều kiện đó, như cô nói, chắc chắn không chỉ là cơm ăn, áo mặc hay thậm chí là cả ngôi nhà.

Đứa trẻ đó cần tình yêu thương của bố và mẹ, cần sự mạnh mẽ can đảm, dám chịu trách nhiệm về đời sống vật chất và tinh thần của con trong cả một thời gian rất dài, ít nhất là cho tới khi đứa trẻ đó tròn 18 tuổi. Đứa trẻ đó cần một môi trường sống hiền hòa, êm đềm và bao bọc để nó hiểu rằng nó ra đời trong sự mong chờ yêu thương của nhiều người, và hơn cả là của người mẹ và người cha.

Trong trường hợp bất khả kháng, như là người cha đó không thể cho bé tình yêu thương, sự chăm sóc, hy sinh, bảo vệ mạnh mẽ nhất và cao nhất, thì cháu có đủ khả năng bù đắp cho đứa trẻ những phần thiếu hụt đó hay không - chính là điều cháu cần phải suy nghĩ cho kỹ.

Việc gì làm cũng cần có lý trí, tỉnh táo và sáng suốt. Không thể chỉ quyết đoán bằng cảm xúc được, nhất là trong một trách nhiệm lớn lao thế này.

Cô Hạnh Dung không thể giúp cháu chọn A hay chọn B được. Chỉ có thể giúp cháu điều duy nhất là lời khuyên: Khi cháu sinh ra một đứa trẻ, thì cháu phải chuẩn bị cho bản thân một cuộc đời tốt nhất, mạnh mẽ nhất, trưởng thành nhất, cháu mới có thể mang lại hạnh phúc cho con mình.

Theo phụ nữ TPHCM