Chị Hạnh Dung kính mến,
Tôi và bạn trai quen nhau 2 năm. Anh là người chững chạc, đàng hoàng. Gia đình anh có bố mẹ đều là nhà giáo, cuộc sống chuẩn mực, nghiêm túc. Cả hai đều đã về hưu và sống khiêm tốn bằng lương hưu. Ông bà đều không dùng mạng xã hội.
Gia đình tôi thì lại không được trọn vẹn. Bố mẹ ly hôn khoảng 10 năm trước. Tôi đã lớn, đã đi làm, không cần sự trợ cấp của bố, nên cũng ít liên hệ với bố. Giờ bố tôi đã có gia đình khác và con nhỏ.
Mẹ tôi sau ngày ly hôn thì thay đổi rất nhiều. Lúc đầu bà buồn khổ lắm, nhưng được bạn bè tư vấn, bà trở nên khác hẳn. Bà đi hát với nhau, học khiêu vũ, du lịch. Trang cá nhân của bà toàn những chuyện vui của mình. Thỉnh thoảng bà còn đăng những bài thơ mong ngóng một tình yêu...
Người yêu thường tránh tiếp xúc với mẹ tôi. Từ ngày quen nhau đến giờ, anh chỉ đến chào mẹ tôi 2 lần. Anh tỏ ý băn khoăn về việc không biết làm sao để bố mẹ hai bên gặp nhau mà bố mẹ anh không bị sốc.
Đặc biệt, khi tôi nói với anh, rằng mẹ tôi chỉ có một mình. Khi cưới nhau, tôi muốn chúng tôi về sống chung để mẹ bớt buồn. Nhà đó cũng được mua bằng tiền của chung hai mẹ con. Tôi vẫn đang trả góp nhà, anh không phải ngại mang tiếng ở rể.
Cứ tưởng nói thế là yên tâm mọi bề cho anh, thì anh bảo rằng mẹ tôi mà buồn nỗi gì, không có chúng tôi bà còn dễ tung tăng hơn. Cách sống của bà không phù hợp để trở thành một bà ngoại gương mẫu. Anh đề nghị chúng tôi sống ở nhà anh, hoặc ra ngoài thuê nhà cho đến khi gom được tiền mua nhà riêng.
Tôi nói với anh, tôi không thể vừa trả góp nhà cho mẹ, vừa cùng anh mua nhà được, thì anh thản nhiên bảo: "Nhà mẹ ở thì để mẹ tự trả. Mẹ còn đi làm, tiết kiệm xoay sở khéo léo lại thì đủ tiền trả thôi".
Nghe anh nói, tôi bị sốc thật sự. Tôi biết mẹ rất buồn vì chuyện ly hôn, vì bố lỡ có con với người khác nên mẹ buộc lòng phải chấp nhận chia tay. Bà có làm gì thì cũng chỉ để khỏa lấp nỗi buồn mà thôi. Nhiều đêm thức dậy, thấy bà hốc hác, mắt sưng vì khóc, tôi thương mẹ vô cùng.
Giờ đây, người yêu đặt tôi vào tình thế gần như phải bỏ mẹ, thực lòng tôi không làm điều đó được. Mà bỏ anh thì tôi cũng không dám, vì tôi đã đi quá giới hạn với anh. Anh là người đàn ông đầu tiên của tôi.
Tôi phải làm sao đây, chị Hạnh Dung?
Mỹ Xuân
Em Mỹ Xuân thân mến,
Em khen người yêu chững chạc, đàng hoàng, khen gia đình người yêu chuẩn mực nghiêm túc. Mang những điều đó ra so sánh với hoàn cảnh riêng của mình, em hình như mất tự tin vào bản thân, vào người thân của mình, đến mức không nhận ra điều sai của người yêu em trong cách nghĩ, cách đối xử với mình và gia đình mình.
Đành rằng trong mối quan hệ của hai người, để xảy ra chuyện gì là có phần lỗi của cả 2. Nhưng một người đàn ông trưởng thành, sinh ra trong một gia đình nhà giáo nề nếp, chắc cũng phải biết đến điều nên giữ gìn cho người yêu của mình.
Thêm vào đó, việc phán xét cách sống của cha mẹ người yêu một cách phiến diện, thiếu hiểu biết, lắng nghe cũng là một điều không có người đàn ông chín chắn nào lại làm. Kể cả trong trường hợp điều anh ta nói là sự thật đi chăng nữa, thì khi nói ra, anh ta cũng phải cân nhắc đến sự tổn thương của người mình yêu.
Tuy nhiên, điều Hạnh Dung khuyên em cần phải suy nghĩ và cân nhắc về tình yêu này, chính là sự lạnh lùng, ích kỷ của anh ta, khi yêu cầu em bỏ rơi mẹ ruột của mình để lo toan cho cuộc sống riêng của hai người.
Em có thể cảm thấy mình thất thế mà không dám bênh vực mẹ, không dám bảo vệ mẹ, dù em biết mẹ như thế nào. Nhưng để đến nước nghe một người đàn ông mà bỏ mẹ bơ vơ một mình, liệu tình cảm và lương tâm của em có yên ổn?
Hãy mạnh dạn nói chuyện rõ ràng với người yêu, để anh ta điều chỉnh, có cái nhìn đúng đắn, cảm thông, và hơn nữa, phải thấy xuất hiện trong con người anh ấy sự tôn trọng tối thiểu với người thân của em, thì cuộc sống của em sau này may ra mới an lành, hạnh phúc.
Theo phụ nữ TPHCM