Cô Hạnh Dung quý mến,

Cháu có một người bạn gái hay nói đúng hơn là một đồng nghiệp. Ngày trước tụi cháu làm việc, ngồi cạnh nhau, nên bạn ấy biết nhiều thứ trong công việc của cháu, vì bạn ấy hay lén nhìn vào máy tính của cháu.

Rồi một ngày kia, bạn ấy làm đơn tố cáo cháu vì một vài điều mà bạn ấy nói là phát hiện cháu làm sai. Tuy nhiên, không ai thèm để ý đến những tố cáo của bạn ấy, vì cháu vốn là người làm việc xuất sắc nhất team.

Chính bạn ấy, sau đó bị đuổi việc vì gian lận trong công việc. Còn cháu, một thời gian sau cũng chuyển đến một công ty khác có tầm cỡ lớn hơn, và cháu có một chút vị trí trong công ty đó.

Tình cờ, cháu gặp bạn ấy đến công ty của cháu. Nhìn thấy cháu, bạn ấy rất đon đả, chào hỏi cười nói như chưa từng có chuyện gì. Hóa ra bạn ấy đang muốn nộp đơn xin vào công ty của cháu.

Tối về, cháu thấy bạn ấy vào xin kết bạn với cháu trên FB, cháu cũng chấp nhận, vì nghĩ chuyện đã qua, thôi cho qua luôn. Thế nhưng những bạn bè cháu từng biết chuyện thì kêu ầm lên, nói cháu khùng mới kết bạn với người như vậy, và khuyên cháu nên báo với công ty về quá khứ của bạn ấy, để công ty không nhận vào một người xấu tính như thế.

Cháu thì không tính làm thế, vì nghĩ chuyện quá khứ đã qua, bạn ấy sau những vấp ngã chắc cũng phải rút ra được bài học cho mình. Có lẽ bạn ấy cũng đã thay đổi và không như trước nữa. Sao mình phải làm cho bạn ấy mất cơ hội, phải không cô?

Thế nhưng bạn bè cháu thì bảo là "Non sông dễ đổi, bản tính khó dời". Chẳng ai thay được cái tính xấu đâu... Bạn ấy lại xin vào làm ở vị trí cũng liên quan tới công việc của cháu.

Cháu nghe nói mãi, thấy phân vân trong lòng lắm cô. Cháu nên xử sự thế nào? Có nên kết bạn với bạn ấy? Có nên cảnh báo với công ty? Có nên đề phòng bạn ấy hay không? Xin cô cho cháu lời khuyên.

Quỳnh Hoa

Cháu Quỳnh Hoa thân mến,

Đành rằng ông bà ta có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” để nói về sự tha thứ với những người đã từng gây nên lỗi lầm. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng, câu đó là dành cho người biết ăn năn, hối cãi. Dựa trên cách mà người bạn của cháu quay lại để kết thân cháu, thì cô chưa nhìn thấy sự ăn năn, hối cải của cô ấy thể hiện như thế nào.

Sau những điều mà bạn ấy đã gây ra, bạn cần phải nhận thức rằng mình đã làm một việc rất sai trái với cháu. Và bây giờ, nếu muốn quay lại xây dựng tình bạn, thì phải trên một cái nền hoàn toàn trong sáng. Điều đó có nghĩa bạn ấy phải chủ động là người hóa giải được câu chuyện không hay năm xưa.

Không một lời xin lỗi, không một lời giải thích, chỉ đơn giản là giả vờ như chưa từng có gì xảy ra, và lơ luôn mọi chuyện - điều này khiến cô nghĩ tới một tính cách vô trách nhiệm hơn là sự ý thức về lỗi lầm của mình.

Tình cờ gặp cháu ở đây, có lẽ cũng biết rằng cháu có vị trí, nên cô ta mới tìm cách kết thân: đây là sự kết thân có mục đích rõ ràng. Vậy cháu nghĩ sự kết thân này liệu có mang đến điều gì tốt đẹp cho cháu? Thậm chí, với tính cách xấu xa như vậy, có gì đảm bảo rằng nếu vào làm việc bên cạnh cháu, bạn sẽ không lặp lại những hành vi đó một lần nữa vì sự ganh ghét đố kỵ?

“Cải mồ cải mã ai đi cải tính nết”, thực sự, việc thay đổi tính cách của một con người không phải là một việc dễ dàng. Với nhiều người, phải cần đến một biến cố rất lớn cũng như một hình phạt dai dẳng, sâu sắc mới có thể dần thay đổi được tính cách của họ. Có người còn cần cả cuộc đời mới có thể nhận thức được sự sai trái của bản thân. Đó chính là lý do mà xã hội loài người tồn tại luật lệ cũng như hình phạt.

Chính vì thế chính trong mối quan hệ của mình, nếu cháu không đặt ra các ranh giới, không biết đề phòng để bảo vệ bản thân, quá dễ dàng bỏ qua cho những kẻ hãm hại mình, cháu sẽ rất dễ bị lợi dụng và giẫm đạp.

Riêng với việc người bạn này đang xin vào công ty của cháu, có nên báo với công ty về quá khứ của bạn ấy hay không là điều cô nghĩ cháu cần cân nhắc thật kỹ. Những gì xảy ra giữa cháu và bạn ấy là những chuyện riêng của cháu và quyền chọn lựa kết bạn hay không của cháu. Tuy nhiên, với công việc, sự nghiệp riêng của mỗi người, ai cũng có quyền có cơ hội riêng, nếu mình "ra tay" triệt tiêu cơ hội của người đó, liệu có phải là hành xử của một người tử tế?

Cháu có thể có những cách khác, vừa giúp cháu cảm thấy mình có trách nhiệm với nơi làm việc, vừa thẳng thắn với người bạn này: Trò chuyện một lần với cô ấy về những điều đã xảy ra trong quá khứ, cảnh báo cô ấy về việc cô ấy cần phải thành thật trong CV của mình về việc từng bị đuổi việc...

Cháu cũng có thể nói chuyện với người có trách nhiệm của công ty - người quản lý nhân sự, về những điều cháu chắc chắn biết được trước kia, để họ có hướng tìm hiểu và quyết định.

Cháu cũng có thể để cho mọi việc diễn ra tự nhiên, nếu cô ấy thật sự có năng lực và được nhận vào. Nhưng tự mình tránh xa và đề phòng cô ấy, để bảo vệ chính bản thân mình...

Cho cô ấy cơ hội hay không là tùy vào suy nghĩ và quyết định của cháu, cháu nhé.

Theo phụ nữ TPHCM