Kính gửi chị Hạnh Dung,
Nhà em có 4 người - vợ chồng em cùng các con 21 tuổi và 19 tuổi. Hiện nay, 2 con em thuê nhà sống riêng và không nhìn mặt ba.
Chồng em nóng tính. Em biết dù trong tâm anh là người tốt, nhưng anh không biết cách nói chuyện với con cái.
Chồng em cũng có thời gian nghiện rượu và bài bạc. Khi con gái lớn của em bắt đầu vô lớp Mười, có lần anh đã đánh con và đuổi con ra khỏi nhà. Con gái em xin qua nhà dì ở tạm rồi ở luôn.
Học xong phổ thông, con đi làm, có chút tiền, con thuê nhà ra sống riêng. Chuyện xảy ra với con trai út của em cũng vậy.
Con trai đã có ý muốn bỏ nhà ra sống riêng như chị, nên một lần vợ chồng em cãi nhau, con đã nói không muốn sống ở nhà nữa, rồi dọn đồ ra ở với chị gái luôn tới giờ.
Em biết nhà của 2 đứa, nhưng bao nhiêu lần đến gặp con, năn nỉ con về nhà, chúng đều không về.
Con gái em nói không chấp nhận ba, muốn em ly hôn. Chồng em hiện tại cũng đang bệnh gan, ốm yếu, phải vô ra bệnh viện thường xuyên để chữa bệnh. Anh cũng hối lỗi, đã bỏ thói quen chơi số đề, cá độ.
Cha mẹ chồng em rất buồn về chuyện 2 đứa cháu nội không nhìn mặt cha, cũng không về thăm hỏi nhà nội. Ông bà cứ thúc giục em phải kêu 2 đứa nhỏ về, nhưng em đã làm hết cách.
Chị chồng em nói cứ cắt hết tiền bạc, thiếu tiền đói ăn, tự tụi nhỏ sẽ phải về nhà. Thật lòng em cũng có cho con chút tiền, khi tụi nhỏ thiếu tiền ăn, tiền nhà.
Em cũng đã nói với con rằng, ba có lỗi, nhưng giờ ba sửa lỗi rồi, ba không còn gây gổ, bài bạc nữa. Nhưng các con em không tin. Em không biết làm sao để các con tha thứ cho ba và trở về nhà?
Diễm Thùy (TPHCM)
Em Diễm Thùy thân mến,
Đôi khi mình phải nghĩ thoáng ra một chút chứ không nên cứ mãi húc đầu vào đá. Làm đi làm lại mãi một việc theo cùng một cách thì khó trông mong kết quả tốt hơn.
Em thử nghĩ xem chuyện gì là chính: con ở chung nhà với cha mẹ hay là con khôn lớn nên người? Mục tiêu nào quan trọng nhất? Khi đã xác định rồi, sẽ dễ chọn cách làm hơn.
Con ở chung với ba mẹ hay ở riêng đôi khi chỉ là chuyện hình thức. Lớp trẻ thích ở riêng vì nhiều lý do. Người lớn thích con cái ở chung nhà dễ dạy dỗ, quản lý.
Xét cho cùng, cha mẹ muốn con ở chung là để có thể bảo bọc, chăm lo cho con, dạy con nên người.
Con em chọn sống riêng, nhưng nếu em có thể quan tâm đến con, chăm lo việc học hành, sinh hoạt của con để con trưởng thành thì vẫn tốt. Còn hơn ép buộc con về nhà để rồi lại không giải quyết được các mâu thuẫn trong nhà.
Em nên giữ liên lạc với con, thường xuyên chuyện trò, trao đổi. Con út đang tuổi học, em nói chuyện với con gái, để chị Hai nhắc em, giúp em học hành.
Đừng để các con sa vào chơi bời, lãng phí thời gian, bỏ lỡ cơ hội tương lai. Những việc này khó, nhất là trong hoàn cảnh các con ở riêng, nhưng bây giờ chỉ có em mới làm được.
Em hãy thể hiện sự tôn trọng đối với quyết định của con, đồng thời để các con biết nhà của ba mẹ luôn rộng cửa đón các con về.
Ai đó ở ngoài có thể đơn giản nghĩ chỉ cần cắt tiền là tụi nhỏ sẽ phải về nhà. Song nếu máy móc áp dụng, có thể hậu quả khó kiểm soát hơn.
Em không nên gắn chuyện các con về nhà với chuyện con phải tha thứ cho ba. Có những chuyện tuổi trẻ không suy nghĩ như mình, cần đợi thời gian và quan trọng hơn là cần sự chủ động từ phía chồng em.
Mỗi bên cần nhận ra lỗi của mình, cần chủ động hàn gắn gia đình. Trong lúc này, em là người nắm giữ sợi dây kết nối giữa 2 phần của gia đình đang tạm tách rời nhau.
Hãy khéo léo giữ chắc mối dây này, giúp gia đình qua cơn sóng gió. Chúc gia đình em sẽ tái hợp trong tương lai gần.
Theo phụ nữ TPHCM