Chị Hạnh Dung thân mến,

Con trai tôi năm nay đã 29 tuổi, nhưng chưa có người yêu. Trước đây cháu cũng có vài mối tình nhưng đều tan vỡ, sau đó cháu sống khép kín, nói hết tin vào con gái thời nay.

Gần đây, tôi thấy cháu thường hay kể về một phụ nữ đã có chồng con. Cô ta hơn con tôi vài tuổi, có một con trai 6 tuổi. Theo lời cháu thì cô ta không hạnh phúc. Chồng vũ phu, ghen tuông và hay chửi mắng, đánh đập cô ta.

Nghe cháu kể là cô ta đang nỗ lực làm việc, để có kinh tế vững vàng rồi ly hôn, giành quyền nuôi con. Mới quen nhau vài tháng mà tôi thấy cháu biết nhiều về cô ta và hay nhắc cô ta, tôi thấy không yên tâm.

Tôi sợ con tôi không có kinh nghiệm, sẽ bị người phụ nữ kia quyến rũ. Tôi sợ nếu cô ta thường xuyên kể lể với con tôi mà bị chồng bắt gặp, thì sẽ có chuyện không hay cho con tôi. Tôi cũng sợ đây là cái bẫy mà người phụ nữ kia và chồng giăng ra để tống tiền con trai tôi.

Nói chung là từ mấy hôm nay, tự dưng tôi cứ vẩn vơ lo lắng, nhất là khi nghe con tôi khen cô ta xinh, trẻ như con gái chưa có chồng, ăn nói thông minh, hoạt bát có duyên. Con tôi còn nói cô ta chu đáo, biết hỏi han chăm sóc chứ không như con gái thời nay, chỉ biết đòi hỏi người khác quan tâm tới mình...

Tôi nên làm sao để ngăn ngừa hậu họa là con tôi có tình cảm với phụ nữ đã có chồng con? Có nên nói thẳng mọi lo lắng của tôi hay chỉ âm thầm theo dõi nhắc nhở? Tôi có nên tìm hiểu về người phụ nữ kia và cảnh báo cô ta không được dụ con mình?

Hoàng Hà

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Hoàng Hà thân mến,

Có vẻ như chị đang lo lắng quá sức cho con trai mình rồi đó. Bởi chỉ mới vài câu chuyện con kể về một người phụ nữ, mà chị đã tưởng tượng ra đến 3 tình huống xấu sẽ xảy ra với con mình, từ một mối quan hệ có thể chỉ là xã giao mà thôi.

Trong cuộc sống có khi có những tình huống quen biết như vậy, khi một người đang cô đơn và muốn được nói ra cho nhẹ nỗi lòng, một người thì biết thông cảm và lắng nghe. Họ kết nối một cách tự nhiên từ tình người, thậm chí là tình chị em mà thôi.

Tuy nhiên, có thể những điều lo lắng cũa chị sẽ thành hiện thực nếu cả hai cùng để cho những cảm xúc thông cảm, giúp đỡ ban đầu đi quá xa, và lạc mất mục tiêu trò chuyện, chia sẻ, cảm thông của mình.

Rất cần ở đây một người bạn, người thân, tỉnh táo nhắc nhở nhẹ nhàng, nếu thấy câu chuyện có chiều hướng phát triển theo chiều hướng mà chị đang lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, sự nhắc nhở phải hết sức khéo léo và tế nhị.

Chị có thể tiếp tục lắng nghe câu chuyện của con, đưa ra cho con những lời khuyên nhẹ nhàng, chỉ dẫn con cách cư xử trong những trường hợp tế nhị thế này: nếu ta chưa biết rõ về gia đình họ, chưa hiểu rõ câu chuyện từ hai phía và hơn nữa, chính ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề gia đình... thì tốt nhất là đừng đổ thêm dầu vào lửa, đừng có những lời khuyên hay chia sẻ khiến mọi việc có thể xấu hơn.

Chị cũng nên nhắc con một cách nhẹ nhàng rằng, đừng biến mình thành một người thứ 3 trong một mối quan hệ gia đình đang gặp khó khăn. Họ cần phải có sự sáng suốt để tự giải quyết vấn đề của mình.

Hãy nhắc con đừng để một mối quan hệ thân thiết có thể gây nên những hiểu lầm vừa gây hại cho họ, vừa có thể có hại cho chính bản thân mình, nếu như người chồng là kẻ hay ghen tuông, nóng nảy...

Việc chị gặp người phụ nữ kia hoàn toàn chưa cần thiết. Hấp tấp, vội vàng chỉ có thể làm cho mọi việc rối ren thêm, khiến con chị khó xử và tự ái, khiến người phụ nữ kia bị xúc phạm.

Nói chung, Hạnh Dung nghĩ rằng những gì chị đang lo lắng chưa chắc đã là hiện thực. Tất nhiên, phòng bệnh vẫn tốt, nên chị hãy dừng ở mức nhắc nhở con, và theo dõi sự phát triển của mối quan hệ này.

Hy vọng rằng chính con trai chị cũng hiểu mình cần phải làm gì. Điều này phụ thuộc vào sự tỉnh táo, vững vàng và hiểu biết của con trai chị rất nhiều. Những điều đó cháu sẽ tiếp nhận được từ chị và mọi người thân trong gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM