Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có những group riêng trên Facebook hay Zalo, Viber… Ngày tết, hình chụp gia đình nhiều, nhiều người không thích đưa lên trang cá nhân mà đưa vào nhóm hay trang riêng của gia đình để người trong nhà coi với nhau, bình luận rôm rả rồi tải về lưu trữ theo nhu cầu.

Hình ảnh, video, các bình luận sôi nổi, những icon mặt cười, thả tim… thật là vui nhộn. Những bức hình gia đình đông đủ, các ông bà anh chị lớn tuổi như cây cao bóng cả nhắc nhở con cháu sống đoàn kết yêu thương nhau.

Hình ảnh đẹp của gia đình Việt ngày tết
Hình ảnh đẹp của gia đình Việt ngày tết (ảnh minh họa)

 

Thế nhưng, sự đời không đơn giản, đằng sau những tấm hình gia đình đôi khi là những chuyện không vui.

Có nhà 10 anh chị em, bàn tay có ngón ngắn ngón dài, có người khá cũng có người túng. Có người nhà to, biệt thự thì cũng có người còn ở nhà thuê… Sau khi cha mẹ qua đời, anh chị em bất hòa vì những tranh cãi quanh việc xử lý tài sản như thế nào với “9 người 10 ý”.

Ngôi nhà lớn của cha mẹ ngay mặt tiền phố sầm uất. Cho thuê mỗi tháng 70 triệu đồng. Chia đều mỗi người 7 triệu. Giỗ chạp, người anh cả có điều kiện hơn nên đứng ra tổ chức, anh chị em ai có thì góp, không bắt buộc. Ấy vậy mà những lần đám giỗ thường có lời ra tiếng vào, gây tranh cãi. Chủ yếu xoay quanh việc nên bán nhà cha mẹ rồi chia nhau hay để yên như vậy lấy tiền thuê nhà chia nhau mỗi tháng.

Phe ủng hộ việc bán nhà là những người còn khó khăn. Trong đó có 3 người không chỉ chưa có nhà, mà còn nợ nần. Nhiều cuộc họp gia đình diễn ra, cuối cùng ngôi nhà được bán đi, chia ra mỗi người được 3 tỉ đồng. Vấn đề quan trọng còn ở chỗ, bàn thờ cha mẹ được đưa về nhà ai?

Là trưởng nam, người anh cả có điều kiện hơn nên nhận phần mình ít một chút, nhường phần chênh cho em kế, bởi sau đó em kế nhận lãnh trách nhiệm đưa bàn thờ cha mẹ về nhà, và còn lý do trong tương lai anh cả sẽ định cư nước ngoài. 

Chỉ vậy thôi mà bắt đầu chia 2 phe: “ly  khai” và “chính thống”. Căng thẳng gia tăng khi thông tin nhà về tay chủ mới được sửa sang lại và phân ra cho thuê mỗi tháng được 200 triệu đồng. Phe “chính thống” trách phe “ly khai” nôn nóng, vội vàng, không suy nghĩ trước sau.

Phe “ly khai” lập một trang Facebook kéo “chiến hữu” về, đăng tải những hình ảnh và những dòng trạng thái cho mọi người vào bình luận. Tất nhiên là những bình luận không thiện chí với phe “chính thống”.

Trong phe “ly khai” cũng có vài người không đồng tình với những hình ảnh thiếu tích cực này nhưng không bày tỏ quan điểm, chỉ im lặng quan sát.

Một ngày, xuất hiện dòng trạng thái khá nặng nề phê phán phe “chính thống” một cách ác ý, tuy tồn tại chưa đến 2 phút, sau đó xóa đi nhưng đã được “ai đó” chụp hình màn hình và chuyển tiếp nhanh đến tất cả mọi người trong gia đình, con cháu dâu rể 40 người. Hố chia rẽ càng khoét sâu, đào rộng ra...

Bát nước đổ đi rồi. Đám giỗ gần nhất chỉ có phe “chính thống” tề tựu ăn uống. Phe “ly khai” quyết không tham dự; đã vậy, trên trang Facebook của phe “ly khai” còn thêm những dòng trạng thái, bình luận nặng nề, không thiện ý.

“Cuộc chiến” chưa có hồi kết khi người anh cả mong muốn tổ chức một cuộc họp gia đình trước khi định cư nước ngoài với mục đích hàn gắn 2 phe. Thế nhưng 2 phe vẫn bất đồng cho đến khi anh cả xuất ngoại. Cuộc họp gia đình có người chủ trì là anh cả xem ra còn lâu mới thực hiện được.

Gia đình cũng là nơi người ta dễ cảm thông, tha thứ cho nhau (ảnh minh họa)
Gia đình cũng là nơi người ta dễ cảm thông, tha thứ cho nhau (ảnh minh họa)

 

Biết bao tình huống khá phức tạp mà con người giờ đây vì có trang mạng xã hội có thể quy tụ, kết nối tình thân thì lại mang ý nghĩa chia rẽ. Nhiều người kể, hồi chưa có mạng, trong gia đình có chuyện bất hòa nhưng ít lộ liễu, công khai, Có nói xấu nhau nhưng nghe qua rồi bỏ. Bây giờ, chỉ cần gõ phím, mọi bực mình tuôn ra, nhanh như chớp, có người ghi được và chuyền nhau, nói trong inbox không "đã", chuyển sang bình luận bên ngoài. 

Xem ra, ngay trong nhóm riêng của mỗi gia đình đôi khi còn khó có tiếng nói chung, huống hồ bên ngoài xã hội. Ai cũng biết, thường thì người ta nhận ra sai lầm của mình lúc đã không còn cơ hội sửa chữa. Tuy nhiên, con người cũng có tâm lý dễ tha thứ cho nhau. Chỉ cần một bên biết nói lời xin lỗi và một bên biết cảm thông thì nhiều chuyện được giải quyết gọn nhẹ.

Lý thuyết thường rất dễ dàng học thuộc lòng, nhưng thực hành không bao giờ là ngày một ngày hai, mà đôi khi cả một quá trình. Ăn dễ, ở khó là vì thế!                         

Theo phụ nữ TPHCM