2 tháng trước, má gọi 4 anh em tôi đang sinh sống, làm việc ở mọi miền đất nước về giải quyết việc gia đình. Ba tôi đã mất được 1 năm, má tôi muốn làm lại giấy tờ nhà đất đứng tên bà, nhân đó chia đất đai cho anh em tôi.

Cuộc họp gia đình nhanh chóng được tổ chức. Má tôi thông báo kế hoạch chia đất của bà. Theo bà, thì tổng diện tích đất đai sẽ được chia làm 6 phần. Riêng tôi, vì là con trai trưởng, nên tôi sẽ được nhận 2 phần, một phần đất để gia đình tôi sinh sống, một phần để xây nhà thờ, hương hỏa cho cha mẹ, về sau các con tôi sẽ nối tiếp việc thờ cúng ông bà, tổ tiên.

Má tôi luôn đánh giá cao con gái út, vì tin cô ấy là người hiếu thuận nhất nhà (Ảnh minh họa)
Má tôi luôn đánh giá cao con gái út, vì tin cô ấy là người hiếu thuận nhất nhà (ảnh minh họa)

 Vừa nghe xong kế hoạch, Ngọc Trinh, cô em gái út của tôi liền phản ứng gay gắt. Theo cô, bây giờ luật đất đai mới cho phép tài sản chia đều cho các thành viên trong gia đình, bao gồm cả quyền thừa kế. Cho nên, cứ chia đều số đất cho đủ 5 thành viên, đại diện cho 5 gia đình. Cô cho rằng phần đất của má tôi, sau này bà qua đời thì cũng sẽ phải chia đều cho 4 đứa con. Các con đều do cha mẹ sinh ra, nên tài sản của cha mẹ thì các con được hưởng. Tôi là trưởng nam, việc phải thờ cúng cha mẹ, tổ tiên là việc đương nhiên, không có lý do gì được ưu ái cả.

Nói tóm lại, dù các thành viên khác đều đồng thuận với kế hoạch của má tôi, thì Ngọc Trinh nhất định không bằng lòng, cô không ký bất cứ giấy tờ nào liên quan, cho đến khi mọi người phải đưa ra những giải pháp khác để cô hài lòng mới thôi.

Việc chia đất, chia luôn tình anh em là bi kịch bấy lâu nay của rất nhiều gia đình. Không hiếm những trường hợp từ mặt nhau, cầm dao rượt chém nhau vì mâu thuẫn. Một gia đình bị truy sát chỉ vì một mâu thuẫn đất đai từ nhiều chục năm trước mà báo chí đưa tin vừa qua là một ví dụ đau lòng. Gia đình tôi chưa đến mức cãi nhau, từ mặt nhau vì đất đai, nhưng vụ này khiến tôi kinh ngạc. Có đến 2 bất ngờ xảy đến mà tôi không lường trước được, không chỉ chuyện từ cô em út của tôi mà cả từ vợ tôi.

Vợ tôi trước nay luôn nhắc nhở tôi cần để ý tới các em, đặc biệt là 2 cô em gái, vì 2 cô khôn ngoan, lại có tính ích kỷ. Vợ tôi nói, bình thường có thể không sao, nhưng khi có việc gì đó liên quan đến quyền lợi, nhất định nhà sẽ có... biến.

Tôi không bằng lòng với ý kiến của vợ. Xưa nay mối quan hệ chị dâu em chồng, chị chồng em dâu vẫn là mối quan hệ “dè chừng, nhìn mặt nhau mà sống”, nên tôi nghĩ những nhắc nhở của vợ xuất phát từ định kiến “giặc bên Ngô” mà thôi. Vả lại, tôi thực lòng yêu thương và lo lắng cho 2 em gái hơn là cậu em trai, vì các em là nữ giới, yếu thế hơn anh em tôi, mặc dù các cô đều lấy chồng giàu có, cuộc sống đủ đầy, sung túc.

Ngọc Trinh là em gái út, từ bé đã hay đau ốm, tính tình chảnh chọe, nhưng tôi thương em nhất. Học xong cấp III, tôi chấp nhận từ bỏ theo đuổi đại học với ngành nghề mơ ước của mình để lao vào cuộc sống, kiếm tiền giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Riêng Ngọc Trinh, chính tôi đã đi làm nuôi em ăn học suốt mấy năm cấp III và 4 năm đại học. Ngay việc lo một khoản tiền lớn giúp em có một công việc lý tưởng như hiện nay cũng do vợ chồng tôi chắt bóp. Tôi nghĩ vợ tôi không ưa cô em út của tôi, chính vì cô ấy cũng phải can dự vào việc lo cho em ăn học và việc làm.

Nhưng vợ tôi nói cô út không hề có ý hàm ơn công sức nuôi ăn học của vợ chồng tôi, mà cô ấy tin rằng việc đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng tôi, những người làm anh, làm chị.

Điều đáng nói là, trước nay má tôi vẫn luôn đánh giá cao đứa con gái út. Theo bà, em là đứa giỏi giang, hiếu thuận nhất nhà, luôn lo lắng cho các thành viên khác trong gia đình, luôn chu đáo và hào phóng. Má còn bảo vợ tôi là hay xét nét các em. Có lần má thẳng thừng nói vợ tôi tham lam, chỉ luôn tìm cách chia rẽ gia đình chồng để giành lợi về phía mình. Vậy nên khi cô em út “hiện nguyên hình”, má tôi sốc, bà nằm mệt mấy ngày liền.

Em gái tôi tin rằng chúng tôi hi sinh cho cô là trách nhiệm đương nhiên (Ảnh minh họa)
Em gái tôi tin rằng chúng tôi hi sinh cho cô là trách nhiệm đương nhiên (ảnh minh họa)

 Má tôi lo vợ tôi sẽ quyết liệt đòi chia đất theo hướng có lợi cho chúng tôi, chứ đời nào một người ham của như thế lại chịu để yên. Tôi cũng lo vợ tôi sẽ “làm đến cùng”, và chuyện chia đất nhà tôi sẽ vô cùng mỏi mệt.

Nhưng cuối cùng lại không phải thế. Vợ tôi hoàn toàn đồng ý và vui vẻ với những cách giải quyết của em út trong cuộc chia chác tài sản này. Nàng nói điều khiến tôi vô cùng cảm động: "Em chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải được hưởng phần đất đai hơn người khác của nhà chồng, và cũng không hề mong được chia phần ở nhà cha mẹ ruột. Với em, những gì ta có được là may mắn trong cuộc đời, và vừa đủ".

Vợ tôi còn giải thích, bấy lâu vợ cố gắng cảnh báo tôi về sự thay đổi của lòng người, để tôi không quá sốc mà thôi. Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, ta sẽ nhận ra rằng không có việc gì xảy ra mà khiến ta ngạc nhiên nữa. Hãy đón nhận ngay cả những tổn thương bằng thái độ bình thản để sống tốt hơn mỗi ngày.

Theo phụ nữ TPHCM