Từ một tỉnh xa xôi miền ngoài, vợ chồng tôi vào Nam lập nghiệp, mang theo 2 đứa con nhỏ và vài vật dụng chẳng đáng giá. Làm đủ nghề lao động tay chân, may nhờ siêng năng, chịu khó, cuộc sống dần ổn định, chúng tôi mua được căn nhà ở một quận vùng ven. Ngăn ra thành 2 phòng trọ cho công nhân thuê, mỗi tháng chúng tôi cũng có vài triệu tiền chợ.
Những năm sau này, gia đình tôi sống bằng việc thu mua phế liệu, chủ yếu là nhôm sắt vụn, về đổ ở trước cửa nhà, phân loại rồi mang bán. Nghề này cực nhọc, lấm lem, bị kim loại cứa đứt tay chân như cơm bữa. Con trai lớn xong đại học, chồng tôi quyết định đổ tiền dành dụm ra để “chạy việc” cho con ở một cơ quan. Lương tuy thấp, nhưng ổn định, về lâu dài rất tốt, đấy là quan điểm của anh.
Con gái nhỏ của tôi cực kỳ chịu khó, từ thời học trung học đã đi làm thêm ở quán phở, dạy kèm cho các em nhỏ để tự trang trải. Lên đại học, con bé hầu như chẳng cần bố mẹ đóng khoản tiền nào. Thấy con gái tất tả làm thêm, chẳng còn thời gian để nghỉ ngơi, bạn bè, tôi nhiều lúc xót ruột, khuyên con hãy tận hưởng tuổi trẻ của một thiếu nữ, nhưng chồng tôi gạt đi. Anh cho rằng, con gái phải siêng năng mới trưởng thành. Hỏi tại sao con trai thì được ưu ái, chồng tôi tức giận: "Sau này nó thừa kế hương hỏa của gia đình, chăm lo cho chúng ta lúc về già, không phải vậy sao?".
|
Nhìn gia đình hàng xóm sống đơn giản nhẹ nhàng mà tôi ao ước (ảnh minh họa) |
Tôi chỉ mong con gái đừng phải suy nghĩ quá nhiều về sự thiên vị của bố. Cuộc sống hàng ngày của gia đình tôi rất tằn tiện, khiêm tốn, sinh hoạt gói ghém, ăn uống tiết giảm ở mức tối đa. Trời thương, nên các con tôi ngoan, không đòi hỏi chê bai gì, dễ nuôi dễ sống. Nhưng có một lần, con gái tôi qua cô Hoa hàng xóm chơi, được họ mời ăn cơm chiều, về con cứ tấm tắc mãi rằng bên đó họ cũng đi làm bình thường, mà sao khác lắm…
Xéo phía đối diện, vợ chồng con cái nhà chị Hoa tình cờ cũng trạc tuổi với các thành viên gia đình chúng tôi. Nhìn lối sống của người ta mà ao ước. Họ rất thoải mái, mua đủ vật dụng, vài ngày lại thuê người giúp việc theo giờ, nhờ một bác xe ôm quen đưa đón con vào buổi chiều. Chồng tôi hay nhìn qua và lắc đầu, tỏ ý chê bai hàng xóm không biết sống, chỉ quen hưởng thụ, có biến cố gì là… chết chắc.
Mỗi khi thấy nhà chị Hoa đi ra ngoài ăn tối cuối tuần, hay tổ chức sinh nhật cho con, là chồng tôi ra vào khó chịu, nghĩ rằng họ chẳng hơn ai mà bày đặt, chưa phú quý đã sinh lễ nghĩa.
Thế nhưng, mùa dịch COVID-19 mấy năm trước phải ở yên trong nhà, gia đình chị Hoa vẫn sống tốt, thậm chí còn mang qua đặt trước sân lối xóm bịch gạo, chục trứng, bó rau… mua được từ quê để chia sẻ cùng mọi người. Trong khi đó, chúng tôi vì không thể ra đường thu gom phế liệu, đành sống bấm bụng qua ngày, âm thầm nương vào mấy lần cứu trợ của nhà nước…
Vừa rồi, chồng tôi về thăm quê, và đột ngột đòi… cất nhà trên mảnh đất nhỏ vốn từ lâu bỏ hoang. Tôi ra sức can ngăn, cho rằng cả năm họa hoằn mới về một hai lần, đi lại xa xôi tốn kém, nên việc xây nhà là lãng phí. Mình cũng không hề có dự định về quê sống tuổi già. Thay vì thế, cải tạo lại ngôi nhà lụp xụp đang ở chẳng phải tốt hơn sao?
Chồng tôi gạt đi: "Ở thành phố có ai quen thân mà phải sắm sửa. Còn ở quê, bà con dòng họ nhìn vào, sẽ thấy ta đi làm ăn ở xứ người có của ăn của để. Chẳng phải mát mặt mẹ cha, ông bà đó sao!".
Nói là làm, chồng tôi khăng khăng dốc túi xây cất nhà. Vô tình, cùng thời điểm đó, bên chị Hoa cũng bắt đầu sửa nhà. "Con cái lớn rồi, cần chỗ ngủ riêng, sẵn gia cố cái sân thượng nhỏ để trồng cây uống trà", chị Hoa vui vẻ trò chuyện. Tôi nhìn căn nhà khang trang mát mẻ của họ, nghĩ tới việc chồng đã ở quê mấy tháng, mọi việc lớn bé ở đây đều mặc vợ.
Thi thoảng chồng gọi video, cho tôi xem tận cảnh “ngôi nhà mặt mũi” của anh ở quê, rồi thúc giục vợ nhanh chóng gửi thêm tiền. Anh dỗ dành tôi rằng sẽ có chỗ để nghỉ ngơi hưởng thụ mỗi lần về quê, tha hồ mà sống ảo. Nhiều khi đang chở mấy bao phế liệu cồng kềnh ngoài đường, nhọc sức mang vác lên xuống, tôi chỉ ước gì chồng bớt sĩ diện để tôi được tận hưởng cuộc sống mỗi ngày như gia đình chị Hoa, chứ không phải cắc củm lo cái tương lai xa vời chồng đang vẽ ra.
Vài buổi rảnh rỗi, tôi ngồi hóng mát trước sân, ngó qua nhà hàng xóm, thấy vừa tủi thân vừa chạnh lòng. Cùng bằng tuổi nhau, mà họ an nhàn tươi tắn. Sự thong thả trẻ trung không phải do giàu có, mà vì biết sống cân bằng, không đặt nặng những điều phù phiếm như chồng tôi…
Theo phụ nữ TPHCM