Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ mức độ hài lòng hay mâu thuẫn, xung đột trong một mối quan hệ. Tình trạng hạnh phúc hay bất hạnh trong hôn nhân cũng thay đổi theo thời gian. Để đi đến quyết định đưa nhau ra tòa ly hôn, vợ chồng phải cân đong, đo đếm rất nhiều thứ. Người ta nói “bảy lần đo, một lần cắt” là vậy, tức là quyết định dừng hay bước tiếp với nhau vô cùng hệ trọng, không thể khinh suất, vội vàng.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trong những nguyên nhân khiến vợ chồng lần lữa ly hôn, không thể bỏ qua yếu tố “nghĩa vợ chồng”. Ngay cả những trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình thì cái nghĩa với người phối ngẫu vẫn luôn hiện diện, dù nhiều hay ít. Trong sâu xa, người mắc lỗi không chung thủy cũng hiểu “bỏ bồ vẫn dễ hơn bỏ vợ hoặc chồng mình”. Trên thực tế, không hiếm cặp sau ly hôn đã quay lại với nhau, do thấy khó tìm được ai tốt hơn vợ hoặc chồng mình.

Điều 19, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (về tình nghĩa vợ chồng) nêu rõ: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.

Trong quá trình hành nghề luật, tôi không nhớ đã tiếp xúc bao nhiêu trường hợp vợ chồng phân vân, đắn đo trước quyết định ly hôn. Kết thúc thời điểm này thì sợ mình nông nổi, “cắt phạm”, còn để dây dưa thì sợ liên lụy và phải gánh những hệ lụy do người kia gây ra. Tôi thường phân tích cho họ hiểu, riêng về trách nhiệm hình sự thì ai gây nấy chịu, còn trong quan hệ hôn nhân, vợ chồng vẫn có trách nhiệm liên đới.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có một số điều liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của vợ và chồng. Theo điều 27, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện, được quy định tại khoản 1, điều 30 (vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình).

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vợ, chồng có trách nhiệm trong các giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24 (căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng), điều 25 (đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh) và điều 26 (đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng)…

Trên thực tế, không ít trường hợp vợ chồng bị liên đới trách nhiệm, phổ biến nhất là về nợ chung. Do mạnh ai nấy sống, không quan tâm, không theo dõi các hoạt động, giao dịch của nhau nên khi sự việc bị phát hiện thì người còn lại bất ngờ, bị động. Ngoài ra, tình trạng “đồng sàng dị mộng” hoặc ly thân kéo dài dễ khiến “ông ăn chả, bà ăn nem”, nảy sinh nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, sinh con ngoài giá thú…

Nếu vợ, chồng cùng chủ động đắp xây hạnh phúc, sẽ tránh được tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trước hết, cả hai cần chịu trách nhiệm về quyết định kết hôn. Vợ chồng phải sống tôn trọng nhau và thường xuyên trao đổi, thương lượng, không để mâu thuẫn tích tụ đến mức không nói chuyện được với nhau hay khinh thường nhau.

Bảy lần đo, một lần cắt. Trong lúc “đo”, càng cần tích cực cải thiện mối quan hệ trên cơ sở cân nhắc được - mất của mình, của bạn đời và các con. Còn khi đã trao đổi hết rồi, cố gắng hết rồi mà không gắn kết được thì cần quyết “cắt” một lần không nuối tiếc, không căng thẳng.

Khi mọi chuyện dứt điểm, đôi bên giải thoát cho nhau, tự kiếm tìm hạnh phúc, chỉ còn lại trách nhiệm với các con chung.

Theo phụ nữ TPHCM