Chị Hạnh Dung kính mến,

Sống với chồng 15 năm, tôi cực khổ đủ đường. Cha mẹ anh nghèo, gia đình tôi cũng nghèo. Cưới xin ngoài một chiếc nhẫn cưới mỏng tanh không được nửa chỉ vàng tây, tôi chẳng được cho cái gì cả.

Nhưng tôi không nề hà gì chuyện đó. Nhà tôi nghèo nhưng ai cũng phấn đấu, cố gắng. Lập gia đình rồi vợ chồng anh hai chị ba cũng bươn chải xoay xở buôn bán, rồi có nhà cửa đàng hoàng. Vợ chồng tôi cũng vậy. Sau 15 năm bỏ quê lên thành phố, mở hàng quán bán đồ ăn, giờ chúng tôi cũng tạm ổn.

Tôi thì không có gì chê bai chồng. Anh chịu thương, chịu khó, rất yêu thương vợ con. Cũng nhờ tôi nhanh nhẹn, tháo vát, anh thì chăm chỉ cần cù, nên chúng tôi làm nên từ tay trắng.

Từ thuê nhà buôn bán và ở, chúng tôi may mắn được chủ nhà thương, nên khi họ bán nhà, họ ưu tiên cho chúng tôi mua và trả góp. Rồi lại mua được nhà nhỏ, trong hẻm lớn để cho thuê, mua được chung cư để ở...

Thế nhưng đời này không có cái gì trọn vẹn. Được chồng thì vướng phải nhà chồng quá tệ. Ba mẹ chồng tôi lười biếng, lại còn ham mê cờ bạc. Chị gái và anh trai ở quê cũng y nết đó. Nên bao năm qua họ sống lay lắt có đâu tiêu đó.

Từ ngày lấy nhau, chồng tôi đã luôn phải gửi tiền về quê cho cha mẹ sống. Số tiền cứ tăng theo thời gian, đến nay là gần 15 triệu mỗi tháng. Cả đại gia đình dưới đó sống nhờ vào tiền này, không ai đi làm, hay đi làm thì cũng chỉ lấy lệ.

Thế nhưng họ vẫn chưa vừa lòng với chuyện được nuôi không như thế suốt bao năm tròn. Vừa rồi, mẹ chồng tôi biết chúng tôi mới mua nhà chung cư, thì bàn với chồng tôi bán hết nhà và đất ở dưới quê, lên Sài Gòn ở.

Bà muốn chúng tôi lấy lại cái nhà đang cho thuê. Bà nói tiền bán đất sẽ làm gì đó kinh doanh để sống. Bà nói vợ chồng anh chị và các cháu đều muốn lên Sài Gòn sống.

Tôi nghe vậy thì rất sợ hãi, vì biết rằng đưa nhà cho gia đình chồng ở thì coi như mất luôn cái nhà. Mà chắc chắn là vẫn phải tiếp tục nuôi cả gia đình lớn đó. Ở quê 15 triệu thì sống được, chứ Sài Gòn thì sống sao đủ với 7, 8 con người. Như vậy là gánh nặng sẽ còn nặng hơn với vợ chồng tôi.

Mà các con tôi ngày càng lớn, chúng cũng cần nhiều khoản đầu tư khác. Nhiều khi tôi cứ thấy như mình chỉ vì cha mẹ chồng, anh chị em chồng mà đang khiến các con không được sống đúng như nó phải được, như công sức vợ chồng chúng tôi làm ra.

Thế mà đến tận lúc này, chồng tôi vẫn không nhìn ra vấn đề. Anh vẫn cứ khổ sở, lo lắng mỗi khi cha mẹ đòi hỏi gì đó. Anh luôn thuyết phục tôi là làm con phải có hiếu, thương yêu cha mẹ. Lo cho cha mẹ mà còn đặt điều kiện cha mẹ phải thế này thế kia là sai.

Thậm chí như chuyện vô lý là họ đòi bỏ quê lên thành phố, anh cũng nghĩ là có thể được. Anh hy vọng vào tiền bán đất sẽ giúp gia đình có vốn làm ăn, họ lên thành phố sẽ nhìn thấy cuộc sống thực tế khó khăn mà cố gắng nỗ lực.

Tôi thì không còn tin vào gia đình chồng, và cũng đang mất dần lòng tin vào chồng. Tôi nghĩ ở với anh, tôi sẽ còn phải chịu cảnh "nuôi báo cô" cả gia đình chồng không biết đến khi nào.

Nhiều lúc tôi nghĩ tài sản của chúng tôi giờ có 3 căn nhà. Ly hôn chắc chắn anh đồng ý cho mẹ con chúng tôi 2 căn, còn 1 căn cho anh về sống cùng gia đình anh. Có khi như thế thì cuộc sống mẹ con tôi sẽ bớt khổ. Tôi bế tắc đến mức giờ chỉ nghĩ đến chuyện ly hôn.

Thanh Hà

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Chị Thanh Hà thân mến,

Đọc thư chị, Hạnh Dung đã thấy có gì đó sai sai: Có hiếu với ba mẹ thì được, chứ sao lại phải có hiếu với cả anh chị em nhỉ? Mà có hiếu cũng đâu có nghĩa là phải đáp ứng tất cả những gì cha mẹ mong muốn, yêu cầu, đòi hỏi?

Tuy nhiên, trong trường hợp của gia đình chị, người đầu tiên sai chính là anh và chị đã tạo ra một sự ỷ lại quá lâu của anh chị mình, khi nuôi cả cha mẹ và cả họ trong suốt bao nhiêu năm trời. Người ta bảo giúp nhau là giúp cái cần câu chứ không nên giúp con cá. Anh chị cho họ ăn cá miễn phí quá lâu, giờ tật xấu chỉ có nặng thêm, nếu không được dứt khoát điều chỉnh.

Biết rằng không thể tính toán so đo, nhưng ít nhất cũng phải rõ ràng rằng, anh chị chỉ lo cho cha mẹ, và số tiền đó là bao nhiêu. Việc chi tiêu ngay cả cho cha mẹ cũng phải được xem xét, cân nhắc kỹ, nhất là trong trường hợp như chị nói cha mẹ chồng cũng hay chơi cờ bạc.

Đã không từng cương quyết lúc trước, để xảy ra tình trạng như bây giờ, thì anh chị cần phải sửa sai ngay chứ không thể để lâu hơn. Hãy rõ ràng, rạch ròi mọi trách nhiệm với người thân, cho họ biết rằng mọi yêu cầu đòi hỏi của họ đều phải có giới hạn, rằng anh chị chỉ có trách nhiệm với cha mẹ, và trách nhiệm đó cũng phài nằm trong lý lẽ đúng.

Hãy để họ hiểu rằng họ phải tự lo lấy cuộc sống của họ, tương lai của họ, và cái cuộc sống, tương lai đó không thể gầy dựng trên nền sự giúp đỡ, hy sinh của anh chị. Việc họ bán nhà, bán đất, lên Sài Gòn thì họ phải có kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống đó.

Chỉ rõ cho họ là cuộc sống trên Sài Gòn không hề dễ dàng như họ tưởng, khi chỉ xài tiền của vợ chồng chị, ở trong nhà của chị. Thậm chí, mạnh mẽ hơn, chị hãy đề nghị họ trả tiền thuê nhà nếu muốn ở trong nhà chị. Chị hoàn toàn có nửa quyền để yêu cầu điều đó.

Tất cả những điều này, chị phải thẳng thắn nói với chồng, và mạnh mẽ giữ vững lập trường, quan điểm của mình để chồng phải hiểu ra, nhìn rõ và cùng chị tìm cách thay đổi tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm của gia đình chồng.

Hãy giúp anh nhận ra một điều rằng, sự cương quyết này cũng sẽ có ích cho gia đình anh chị chồng trong tương lai, vì khi họ biết rằng hết chỗ dựa, thì họ sẽ phải tự đứng lên. Hạnh Dung hy vọng rằng chồng chị cũng nhìn ra vấn đề, chứ không phải là vì chữ hiếu mù quáng mà đánh mất gia đình mình như chị đang suy nghĩ, sắp đặt.

Tuy nhiên, nếu cần thiết, chị cũng nên cho chồng hiểu rằng chị sẵn sàng vì quyền lợi của con cái, vì sự bình yên được hưởng thành quả lao động của mình, mà giải quyết tận cùng, dứt khoát việc mình bị lợi dụng, ăn bám, ảnh hưởng đến cả cuộc sống của con cái.

Theo phụ nữ TPHCM