Phát pháo đầu tiên do Minh “nổ ra". Cô nhắn vào nhóm chat chung: “Chơi trò đổ vàng không mấy đứa?”. Theo Minh, luật chơi là mỗi tháng mỗi cô sẽ đổ nửa chỉ vàng đem cất. Lý do là kinh tế chung quá khó khăn, để tích cóp đầu tư một khoản tiền lớn là bất khả; thế nhưng nếu không có động lực tích cóp thì sẽ không tối ưu được chi tiêu, sẽ lãng phí. Chi bằng mỗi tháng trích ra một khoản tiền nhỏ để mua lấy nửa chỉ vàng để dành, tiện thể làm quỹ đen.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nhóm chat lập tức tưng bừng. Trang và Ly hào hứng hưởng ứng. Trang nói thêm: “Đây là số tiền nhỏ, mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm 100.000 đồng từ tiền tiêu vặt là làm được rồi, vậy nên phải bí mật với gia đình, không kể với bất kỳ ai và không được đụng vào khoản này dù có bất cứ khó khăn gì, để nếu cùng đường thì mình vẫn có cho bản thân một chút của cải gọi là”. Cả 2 nhất trí. Minh đề xuất, việc đổ vàng sẽ phải thực hiện vào cuối tháng, từ ngày 28-30. Minh chịu trách nhiệm cài nhắc nhở vào điện thoại để nhắc cả nhóm. Mỗi khi mua vàng xong, cả 3 có trách nhiệm chụp hình báo cáo vào nhóm.
Công cuộc “đổ vàng tiết kiệm" gây hào hứng không ngờ. Mỗi cô hứng chí viết ra những kế hoạch tiết kiệm. Minh kinh doanh nhỏ, sẽ trích 2% doanh thu mỗi ngày cho vào quỹ đổ vàng. Trang nhận lương tháng, sẽ trích lương đổ vàng ngay vào ngày nhận lương. Còn Ly sẽ tiết kiệm trong khoản tiền tiêu vặt hằng ngày.
Trang chợt tỏ ra… thực tế: “Nhưng làm sao để mua vàng?”. Cả nhóm thi nhau gửi mặt cười lăn lộn. Câu chuyện đổ vàng thú vị một phần là vì cả nhóm bạn chưa từng biết… mua vàng. Trước thời khủng hoảng, chuyện tích cóp là việc của ai ai chứ chưa từng là việc của 3 cô nàng “làm ra tiền như nước". Thỉnh thoảng, có một khoản thưởng lớn, “trúng mánh" một lô hàng lớn, cả 3 rủ nhau… mua đất đầu tư.
Đã có lần họ cùng mua một căn chung cư để cho thuê. Nhưng khi kinh tế gặp khó, chuyện dư dả đã trở thành quá vãng. Làm ra tiền đủ trang trải, đủ để đỡ đần cho những ông chồng “thuyền to sóng lớn" đã là quá sức. Mấy năm trời không dư được khoản nào, cứ hết năm lại nhắn nhau “xé nháp" và chờ xem năm mới có đỡ hơn không.
Đến lúc nghĩ ra phương án mua vàng, Minh được cả bọn xem như… thiên tài dù “chiêu” này đã cũ rích. Các chị, các mẹ thế hệ trước đã làm mòn mỏi. Nhưng với thế hệ của Minh, việc mua vàng là quá lỗi thời. Tiền nhàn rỗi phải được đầu tư để sinh lợi, mua vàng đem cất là… có lỗi với nền kinh tế. Cho đến khi họ không có tiền nhàn rỗi. Những trăn trở về nền kinh tế chợt quay về với những lo toan bé mọn của một người chủ gia đình, một phụ nữ thường tình.
Ly nhắn: “Cứ mạnh dạn vô tiệm vàng kêu bán cho nửa chỉ”. Mặt cười lăn lộn lại được gửi liên tục vào nhóm chat. Chuyện đơn giản vậy nhưng sao trọng đại quá. Những phụ nữ từng “khinh khi" chuyện mua vàng, sao giờ quay về với truyền thống của các mẹ, các chị một cách bỡ ngỡ và háo hức, như lần đầu được làm một phụ nữ thường tình, giữa thời khó.
Chuyện đổ vàng cứ âm ỉ cả ngày. Thỉnh thoảng, họ lại gửi vào nhóm chat một thông tin nào đó về vàng. Ly nhắn: “Ê bây, phải 26.6 cây vàng mới được 1kg vàng. Mỗi năm mình chỉ dành dụm được 6 chỉ, bằng y số lẻ kia kìa”. Cả nhóm cười lăn lộn. Minh nhắn: “Đang suy nghĩ coi cất vàng ở đâu, hay đem chôn sau nhà?”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Master1305 |
Phương án này bị phản đối kịch liệt. Bao nhiêu bi kịch mất vàng đã diễn ra khi gia chủ đem của cải đi chôn. Cả đám lại bày mưu cất vàng sao cho riêng tư mà an toàn. Bàn nửa chừng, chợt nhớ ra mình ngớ ngẩn quá, Trang nói: “Sao chưa mua được chỉ nào mà đã drama quá trời rồi”.
Chuyện vui mãi không dứt. Nói một chặp, mỗi đứa lại nhớ ra những ký ức của mẹ mình, dì mình với việc đổ vàng. Minh nhớ lúc gia đình phá sản, dì ruột của Minh đã gửi cho mẹ một khâu vàng với mảnh giấy ghi lời nhắn: “Nghe anh chị gặp khó, em không có gì, chỉ có chút này gửi chị. Chị cứ tùy nghi sử dụng, không cần nghĩ đến chuyện trả cho em".
Mảnh giấy ấy, đến mấy chục năm sau mẹ Minh vẫn giữ. Đọc xong, Trang nói: “Phụ nữ Việt đều có ký ức liên quan đến việc đổ vàng. Mẹ tui hồi xưa có khó khăn mấy thì cuối năm cũng đi đổ lấy một khâu vàng, nếu không thì bà sẽ thấy năm đó quá thất bại”.
Chuyện cổ lỗ sĩ chợt trở nên mê hoặc, hấp dẫn với những phụ nữ hiện đại. Phụ nữ, đến tận cùng vẫn vào vai người toan tính những “đường lùi", những “cứu cánh" cho gia đình giữa khó khăn và trong mọi hoàn cảnh vẫn nghĩ đến chuyện tích cóp, dù khi suôn sẻ, họ chẳng bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình tính chuyện… đổ vàng.
Theo phụ nữ TPHCM