Tấm ảnh đó, tôi đăng cách đây chừng 2 tháng. Trong danh sách bạn bè của tôi, bà là người tương tác nhiều nhất. Bà thường thả “like” đầu tiên và cả bình luận nữa. Các bình luận của bà không lẫn vào đâu được vì không có dấu, đôi lúc lỗi phông chữ khiến tôi luận mãi mới ra. Mà bà chưa thấy tôi phản hồi, thể nào cũng bình luận tiếp. Hồi đầu tôi thấy thú vị nhưng dần lại thấy phiền.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Có lần, tôi gặp chuyện bực mình, vừa đăng status xong, bà đã gọi điện truy vấn: “Đứa nào làm cháu tức tối, sao không nói với bà mà lại đăng lên “phây” cho cả thiên hạ biết thế?”. Tôi bắt đầu thấy khó chịu vì sự quan tâm của bà. Lắm lúc, tôi thấy mình bị bà kiểm soát từ xa. Thế là tôi “chặn” tương tác với bà.
Không bị bà “làm phiền” nữa, tôi thấy yên. Ba mẹ tôi đều bận rộn công việc nên ít khi lướt “phây” và tôi cũng thận trọng nên có những hình ảnh, status chia sẻ, tôi để chế độ “bạn bè ngoại trừ… ba mẹ”. Tôi đinh ninh ba mẹ và bà không nhìn thấy thì tôi sẽ không gặp rắc rối.
Tưởng yên ổn nào ngờ mấy ngày sau, bà gọi điện cho tôi, bảo: “Điện thoại của bà hư rồi, mấy hôm không vào được “phây” của mày, của dì Ngọc cũng không thấy luôn”. Tôi đứng hình trong mấy giây rồi giả vờ: “Chắc lỗi mạng ấy bà. Bà chờ mấy bữa xem sao”. Đầu dây bên kia, giọng bà thoáng vẻ lo lắng: “Không biết bao lâu họ mới sửa mạng xong?”.
Rồi tôi cũng quên đi nỗi lo lắng của bà. Tôi bận chuẩn bị thi cuối cấp, bận chụp ảnh check-in đây đó, “tám chuyện” với bạn bè…
Ba mẹ cũng đi công tác suốt nên ít về thăm bà. Hôm rồi, cả nhà đang ăn cơm thì mẹ chống đũa tần ngần: “Chẳng biết bà ngoại có việc gì hay điện thoại hết pin mà gọi hoài không được”. Ba nghe vậy liền bảo: “Cái điện thoại bà xài lại của em cũng 4 năm rồi, có khi hư rồi, để anh mua cho bà cái mới”.
Hôm sau, mẹ cũng không liên lạc được với bà. Mẹ sốt ruột, nhờ bà trẻ dưới quê qua nhà bà xem mới biết bà bệnh, nhưng bà giấu con cháu. Ba lái xe hơn 300km đưa tôi và mẹ về thăm bà. Bất ngờ khi thấy cả nhà tôi xuất hiện, bà vừa mừng vừa trách bà trẻ để “lộ thông tin”. Bà bệnh có 1 tuần mà trông gầy rộc, ho nhiều giọng khản đặc. Chiếc điện thoại vẫn để đầu giường bà nằm nhưng tắt ngóm vì hết pin.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Vài ngày sau, cả nhà vui vì bà đã dậy ăn cơm. Trong bữa cơm tối, bà giục ba mẹ tôi: “Gặp con cháu là mẹ khỏe luôn rồi, mai vợ chồng tụi con về mà lo công việc đi, để con Đức nó còn đi học”. Gia đình tôi ráng ở thêm với bà ít hôm và nhờ bà trẻ qua lại trông nom bà.
Trước lúc lên xe, bà trẻ ghé tai ba mẹ tôi, nói nhỏ: “Tội nghiệp bà, mấy hôm nghỉ lễ cứ ngó sang nhà hàng xóm rồi ngậm ngùi: nhà bà Mận sướng thật, ngày nọ, ngày kia con cháu về đầy nhà… Tuổi già đơn côi như bà chỉ biết lấy con cháu làm vui”.
Lúc lên xe, mẹ lặng im hồi lâu rồi nói: “Ba mẹ sẽ sắp xếp để về với bà nhiều hơn. Con cũng lớn rồi, những lúc rảnh rỗi có thể tự đi tàu, đi xe về thăm bà cho bà vui. Bà già rồi, biết sống được mấy hồi”. Tôi gật đầu mà trong lòng trào dâng nỗi ân hận khi nghĩ đến việc bà đã mày mò học cách sử dụng điện thoại, dùng Facebook, nhưng mấy năm trời trên “phây” của bà trống trơn ngoài tấm hình chụp cùng con cháu từ dạo ông còn sống.
“Bà dùng Facebook đơn giản chỉ để mỗi ngày ngó vô nhìn thấy mặt chúng nó cho đỡ nhớ” như lời bà nói với em Tâm khi nhờ em ấy lập “phây” cho bà.
Chẳng đợi đến khi về nhà, tôi vội mở điện thoại, bỏ chặn bà và đăng lên dòng thời gian của bà status: “Bà cho cháu xin lỗi! Cháu yêu bà!”.
Theo phụ nữ TPHCM