Bố mẹ tôi có căn nhà lớn ở mặt tiền tỉnh lộ. Bố dự tính sau này sẽ cắt đất cho 5 anh em, mỗi người 10 mét ngang, đủ để xây nhà ở hoặc đem bán. Diện tích đất còn lại giữ làm nhà tổ, ai ở sẽ hưởng trọn, nhưng với điều kiện phải nhang đèn, đám giỗ mỗi năm để gắn kết tình anh em.

Tính số mét vuông ra thì mỗi lô cũng gần 1 sào, vừa ở vừa trồng trọt, chăn nuôi cũng sống khỏe. Tôi là con út trong nhà 5 anh em. Tôi biết cả 5 anh em chẳng ai muốn về sống tại quê nhà. Phần vì không thuận tiện công việc chuyên môn, phần nữa là nơi ấy gợi lại quá nhiều kỷ niệm buồn, mà chúng tôi chỉ muốn đi xa, chôn thật sâu những ký ức.

Tuy vậy, vào những ngày lễ, tết, chúng tôi vẫn về thăm bố mẹ, ăn bữa cơm gia đình, ngủ lại một đêm rồi đi. Mỗi lần con cái về, bố mẹ lại nhắc chuyện cho đất.

Khi chúng tôi còn trẻ, tài sản của cha mẹ chẳng làm ai mặn mà. Chân trời rộng mở phía trước với quá nhiều hoài bão tươi đẹp, bản thân mỗi người đều hừng hực tin vào sức trẻ của mình. Anh Hai còn nói rằng, của cải cha mẹ, cha mẹ cứ giữ phòng thân. Những đứa em mới ra trường cũng chung ý nghĩ ấy. Chỉ cần bố mẹ nơi quê nhà sống khỏe mạnh, an vui, thì đứa con xa đã an lòng.

Nhưng sau khi dòng đời quăng quật té sấp té ngửa, đồng tiền kiếm ra khó quá, chúng tôi mới dần “tỉnh ra”.

Chúng tôi phải sống trong không gian chật hẹp để tiết kiệm chi phí (ảnh minh họa)
Chúng tôi phải sống trong không gian chật hẹp để tiết kiệm chi phí (ảnh minh họa)

 

Điều mà những đứa con xa nhà nào cũng nếm trải đó là cuộc sống ở trọ. Có đứa may mắn ở chung được với bạn bè, thuê hẳn căn hộ tiện ích đầy đủ, thuận tiện đi lại. Có đứa không may, phải ở nơi nhỏ hẹp, tăm tối, ồn ào…

Mỗi tháng trôi qua rất nhanh, lại đến kỳ đóng tiền nhà. Vậy nên mức lương vốn đã "còm cõi", càng trở nên eo hẹp, khó sống.

Rồi anh Hai tôi lấy vợ, có con, vẫn tiếp tục sống cảnh ở trọ mà chẳng thể xoay chuyển gì được tình hình. Giá nhà ở thành phố quá cao so với thu nhập. Có người nhẩm tính với mức thu nhập trung bình, mỗi năm dư ra 100 triệu đồng thì cũng phải ngót 30 năm mới mua được căn hộ chung cư ngoài 3 tỷ. Chẳng lẽ đi hết phần đời tuổi trẻ chỉ với mục đích hướng tới căn nhà để ở?

Trong nhà tôi, anh Ba có chí lớn nhất. Đến thời điểm anh cần vốn mở văn phòng. Ai nhìn vào cũng hiểu, nếu anh mở được văn phòng, tương lai sẽ sáng sủa hơn rất nhiều, nhưng rồi với số vốn eo hẹp, đành tiếp tục công việc làm công ăn lương mỗi ngày.

Trong đợt sốt đất kỳ vừa rồi, có nhiều khách đến ngỏ ý muốn mua đất nhà tôi nhưng bố mẹ nhất định không chịu bán. Bố nói rằng, tuổi trẻ chẳng giữ được tiền, không khéo lại thành trắng tay. Thà bố mẹ giữ cho thì còn đấy.

Mẹ cũng kể những câu chuyện tiêu cực bà nghe được rằng, có nhà kia chia gia tài xong con cái hắt hủi cha mẹ già, chết không được mà sống không yên. Nên thôi, con cái muốn đi đâu, làm gì thì làm, thất nghiệp, đói khát về nhà với bố mẹ.

Tôi biết khó mà thay đổi quyết định của bố mẹ, nhưng vẫn muốn biết định giá mỗi 10 mét đất ngang mà bố mẹ định cho từng người hiện có giá trị bao nhiêu, nên hỏi anh “cò” đất, cũng là bạn học cũ ở quê nhà. Anh "cò" nói rằng, nếu đất ra sổ, lên thổ cư thì mỗi lô mặt tiền cũng gần 3 tỷ đồng.

Với số tiền đó, nếu bố mẹ chịu bán đi để cho anh em tôi, có phải chúng tôi đã đỡ nhọc nhằn hơn không? Hay ít ra, đầu óc cũng thông thoáng hơn, để nghĩ tới những chuyện to tát, thay vì quẩn quanh với tiền trọ, tiền nước, tiền điện, sẽ giải phóng được ý nghĩ về cuộc sống tạm bợ trong không gian ở trọ…

Với số tiền đó, anh Hai sẽ mua được căn hộ chung cư cho gia đình nhỏ của mình, từ đó, chuyện học hành của con cái cũng ổn định hơn.

Với số tiền đó, anh Ba nghiễm nhiên có được văn phòng như mơ ước, để đặt những bước chân đầu tiên vào thế giới của doanh nhân trẻ…

Với số tiền đó, tôi cũng xoay xở và tìm cho mình được căn hộ xinh xinh, hết cảnh ngán ngẩm mỗi khi chuyển phòng trọ, rồi thì ấm ức khi nhìn chủ trọ tính giá điện, nước, thu gom rác… như giá trên trời mà chẳng kêu than gì được, vì “ở trọ mà, đâu cũng tính vậy”.

Nhưng tất cả những điều trên chỉ là suy nghĩ của chúng tôi. Bố mẹ vẫn giữ nguyên ý nghĩ lúc ban đầu của mình: chỉ khi nào bố mẹ mất đi, đất đai mới chia đều cho các anh em. Chừng nào còn sống, bố mẹ còn giữ đất.

Theo phụ nữ TPHCM