30 Tết, tôi nhìn mẹ nheo mắt cười, loay hoay tưới B1 cho mấy cành tuyết mai chẳng khác gì củi khô trong nhà mà bỗng nhiên lòng thấy nhẹ nhàng đến lạ. Hơn 30 năm sống trên đời, mới chỉ 3, 4 năm gần đây tôi cảm thấy cuộc đời mình đáng để tự hào.
Mỗi người đều có một sự lựa chọn cho chính mình mà dù kết quả có ra sao hay quá trình thế nào thì nó vẫn là con đường mà mình đã lựa chọn. Với tôi, việc chăm sóc cho mẹ là con đường tôi quyết chí đi đến cùng.
Nói thì có vẻ cao xa nhưng thực ra với tôi mọi chuyện đơn giản lắm, chỉ là thay vì ưu tiên nuông chiều cho bản thân mình thì tôi muốn ưu tiên cho mẹ nhiều hơn. May sao mà vợ tôi là người phụ nữ thấu tình đạt lý, dù tôi luôn nhất nhất nghe theo mẹ thì cô ấy cũng luôn ủng hộ tôi hết lòng.
Thế nhưng chắc là do số tôi may mắn, mẹ tôi và nàng dâu thậm chí còn thân thiết hơn là những gì tôi mong ước. Cô ấy về làm dâu được 4 năm thì cũng là 4 cái Tết đầu tiên trong đời tôi thấy mẹ vui vẻ, háo hức ngóng Tết đến thế.
Kể từ lúc mẹ tôi lấy bố và sinh ra tôi, cuộc sống của mẹ dường như rẽ sang một con đường khác, con đường mà nếu như có thể nhìn thấy trước tương lai có lẽ mẹ sẽ chẳng bao giờ đặt chân vào.
Mới 20 tuổi mẹ tôi đã có bầu tôi, 21 tuổi không nghề nghiệp, việc học dở dang cứ thế mà thành mẹ, thành vợ mà khó khăn nhất là thành dâu trưởng. Bố tôi là người đàn ông bảo thủ và cực kỳ gia trưởng. Ông luôn đặt dòng tộc của mình lên trước hết và quyền lợi của vợ con thì sẽ ấn định là ở cuối cùng.
Oái oăm hơn cho mẹ tôi ở cái tuổi hơn 20, mọi thứ đều ngoài tầm kiểm soát, mẹ chẳng có gì trong tay nên càng không có tiếng nói trong gia đình. Bởi vậy, nhà nội tôi đặt đâu thì mẹ phải chịu đó, chưa từng một lần dám lên tiếng phản kháng.
Nhà nội tôi mở một nhà hàng bán đồ chay, có thể nói là một nhà hàng nổi tiếng nhất nhì thành phố, thậm chí khách hàng từ nơi xa hay khách du lịch cũng lựa chọn nhà hàng này là điểm dừng chân.
Phải là người đã từng làm việc ở nhà hàng, tiệm bán đồ ăn chay người ta mới hiểu được nó bận bịu và nhiều việc đến thế nào. Tất cả mọi thứ nguyên liệu đều phải tự chuẩn bị chứ không phải như miếng thịt bò, thịt gà chỉ cần chạy ra chợ là có ngay.
Mẹ tôi về làm dâu thì nghiễm nhiên phải lao vào mà phục vụ cho nhà hàng. Bà ngoại tôi có lần sang thăm lúc mẹ tôi đang bầu 7 tháng, nhìn con gái vác bụng bầu vượt mặt vẫn chạy bàn, ghi đơn, bê đồ phục vụ cho khách hàng mà nước mắt chảy không ngừng.
Mọi chuyện cứ vậy cho đến khi mẹ tôi sinh nở. Không có ngày ở cữ nào, không có bữa cơm cho sản phụ nào, mới từ viện về được 2 ngày mẹ tôi đã phải vội vàng tranh thủ con ngủ để đi rửa bát cho nhà hàng vì hôm đó là ngày rằm nên rất đông khách.
Đã có lần, mẹ tôi sốt cao nằm li bì, con mọn bò lồm ngồm bên cạnh khóc mếu không ngừng nhưng những gì mẹ nhận được không phải là bát cháo, viên thuốc là là lời chửi đổng từ dưới nhà của bà nội.
“Ốm đau gì nó, việc nhà mà nó còn làm trò. Không làm thì ra đường mà ở”.
Mẹ tôi ngậm đắng nuốt cay biết bao nhiêu năm trời, thế nhưng đến năm tôi 12, 13 tuổi thì câu chuyện phục vụ nhà hàng của nhà nội bắt đầu lan đến tay tôi.
Đỉnh điểm là một lần tôi làm đổ đồ ăn ra bàn của khách, bà nội kéo tôi vào trong bếp bắt đầu mắng mỏ không ngừng. Mẹ tôi đang ngồi xay ruốc nấm gần đó không chịu nổi mới đứng dậy bênh con trai. Hậu quả là bà nội liền gọi điện cho ông bà ngoại đuổi cổ mẹ con tôi ra khỏi nhà.
Từ đầu đến cuối bố tôi chưa từng ra lời bênh vực vợ con…
Khoảng thời gian sau đó, mẹ tôi mắc chứng trầm cảm nặng. Có đôi khi tôi nghĩ rằng, có lẽ mẹ đã mắc căn bệnh tâm lý này từ lâu rồi, chỉ là bây giờ mới đi khám để bắt ra bệnh mà thôi. Cũng may với sự can thiệp chữa trị kịp thời và sự kiên quyết dứt bỏ gia đình nhà chồng, dần dần bệnh tình của mẹ tôi cũng có tiến triển.
Mấy năm gần đây tôi đã có thể đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho mẹ, đưa về cho bà được một nàng dâu hiền thảo. Tưởng chừng như mọi thứ thật yên ả thì Tết năm nay bố tôi liên tục gọi điện muốn tôi về nhà gặp bà nội vì sức khỏe của bà đã yếu đi nhiều.
Cũng đã 20 năm trời tôi không quay về căn nhà chất chứa tuổi thơ không có màu hồng ấy. Tôi có thể quên đi những năm tháng sống không hạnh phúc ấy nhưng không thể nào quên đi được những gì bà nội và bố đã làm với mẹ mình…
Mạn Ngọc