Ảnh minh hoạ

Tôi là người tỉnh lẻ lên Sài Gòn học và đi làm. Tôi biết vợ thời còn là sinh viên, sau này mới yêu đương và tiến tới hôn nhân. Nhà tôi không xa nhà vợ lắm, chỉ khoảng 30 phút chạy xe. Cha mẹ mất sớm, anh em có gia đình riêng, căn nhà bố mẹ để lại cho tôi hiu quạnh nhiều năm nên cũng muốn có cha mẹ với một gia đình để có bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Ngoài ra, tôi cũng muốn học hỏi thêm kinh nghiệm sống từ những người lớn tuổi.

Khi ở rể, tôi không nghĩ nhiều đến việc bị lép vế vì cho rằng đó là hủ tục. Tôi cố gắng, tình cảm và chứng tỏ bản lĩnh thì cha mẹ vợ và vợ sẽ tôn trọng thôi. Phải chăng tôi đã suy nghĩ quá đơn giản? Thời gian đầu đi làm, lương chỉ đủ sống, cộng với lương vợ (là nhân viên nhà nước), chúng tôi gửi mẹ vợ 5 triệu, rồi chia tiêu cá nhân, tháng dư lại chút.

Tôi không ăn chơi nhậu nhẹt, sau này lương tôi nhiều hơn thì ngoài 5 triệu gửi mẹ vợ, vợ tôi còn đóng tiền điện, mua nhu yếu phẩm trong nhà và một số thứ khác. Tôi cũng hay cằn nhằn việc sao không thấy dư vì trước đây cũng ổn, giờ nhiều hơn mà vẫn không dư khoản nào. Vợ tính lại thì thấy một tháng tiền chi tiêu trong nhà (chưa tính chi tiêu cá nhân của chúng tôi) đã hết khoản tiền tôi đưa. Từ đó tôi chẳng lăn tăn nữa, nghĩ vợ chi cho gia đình chứ không phải tiêu hoang phí hay ăn diện gì.

Tôi cố gắng làm việc, hết giờ làm về với vợ con, chẳng bao giờ la cà hàng quán cà phê hay nhậu nhẹt. Về nhà, mẹ vợ đã nấu cơm nước xong xuôi, tôi chỉ tắm rửa và trông con. Tôi cũng có kinh nghiệm chăm bé nên từ khi con mới lọt lòng, mọi việc tôi làm hết.

Cuộc sống tưởng vậy là ổn, vậy mà đời không như mơ. Bố vợ tôi là người cực kỳ sạch sẽ, tới mức cực đoan, nhìn đâu cũng thấy dơ và có thể lau nhà cả ngày. Tôi cũng biết ý, vợ nhắc nhở một số điều tôi cũng làm theo dù cảm thấy rất ngột ngạt và thừa thãi. Vậy mà điều đó cũng chẳng vừa lòng ông. Ông luôn kiếm chuyện la mắng tôi dù tôi chẳng biết gì cả. Tôi chọn cách bỏ qua để gia đình êm thấm. Vợ trấn an tôi rằng tính bố như thế rồi, đừng chấp làm gì. Tôi cũng hiểu, cố bỏ ngoài tai cho nhà cửa êm thấm. Bố vợ còn mang trong mình tư tưởng định kiến với người tỉnh lẻ và chắc thế mà ông khinh thường tôi.

Tôi đi làm, trong 2 năm lên chức quản lý của một công ty trong một tập đoàn lớn của Nhật. Ngoài thời gian đi làm, tôi dành hết cho gia đình, dẹp luôn cà phê cuối tuần hoặc tụ tập nhậu nhẹt bạn bè. Việc trong nhà tôi luôn xắn tay lên làm. Vậy mà ông vẫn khinh thường và luôn la mắng khi có dịp, hoặc không có dịp gì thì ông kiếm chuyện, còn nói mấy câu: "Mày lo được cái gì cho cái nhà này chưa", "Mày có nuôi nổi vợ con không". Tôi từng nói chuyện với ông bà về việc này, nhưng khi đả động tới thì ông tự ái, lớn tiếng và bỏ đi: "Tao vậy đó, tụi mày thấy không ở được thì biến".

Thật sự lòng tự trọng của tôi bị đụng chạm thái quá. So với lương hiện tại, tôi có thể dư sức lo cho vợ con. Với tính của tôi, việc nhà phụ giúp vợ thoải mái vì chẳng nề hà gì, ra riêng tôi cũng dư sức thuê người giúp việc cho vợ nhàn cái thân.

Tôi bàn với vợ xin nghỉ việc, về nhà tôi ở một thời gian, tôi sẽ chạy xe từ nhà lên Sài Gòn đi làm, cũng chỉ mất tầm 30 phút. Vợ nửa đồng tình nửa suy nghĩ vì cũng ức chế và khóc rất nhiều. Có điều nhà neo người, bố mẹ vợ lại già, sợ đêm hôm có chuyện gì thì hối hận. Tôi cũng hiểu điều đó nhưng nếu cứ sống thế này không thể chịu đựng thêm được.

Trước đây tôi nghĩ có gì mình cố chịu đựng cho vợ con vui, ông bà có cháu cũng xem như vui tuổi già. Giờ tôi không thể chịu đựng được nữa, muốn đưa vợ con về nhà mình ở, nhưng vợ còn băn khoăn lắm. Nếu vợ không chịu, tôi có nên về một mình? Thực lòng, để vợ con ở lại tôi cũng không đành vì con khá bám bố, không muốn rời xa hai mẹ con. Tình cảm vợ chồng tôi rất tốt, vẫn như vợ chồng son. Vợ tôi cứ lừng khừng mãi, có nên cho em thời hạn để quyết việc này?

Theo vnexpress